Hành trình Cham-44. THÁP, NHỮNG HIỂU BIẾT NGOẠI BIÊN-2

[‘Tanưh Yang’ đất thiêng, Mandapa & lổ hổng kiến thức]

Tháp Cham có 7 phong cách lớn, tùy địa thế, địa hình và quan niệm các triều vua mà có vài thay đổi khác nhau. Tháp Pô Klong Girai là cụm tháp chuẩn nhất theo cách nhìn của Cham Pangdurangga.

Dưới đây là vài kiến thức cơ bản rất nhiều “nhà” bỏ qua, kể cả vài nhà Cham. Bỏ qua, bởi các vị lo làm “khoa học” mà quên béng linh hồn của tháp, cả tâm linh dân tộc làm nên tháp và đang thờ phụng tháp.

Nghiên cứu làm gì cơ chứ, khi ta không cần biết đến chủ nhân kia?! Tôi ưa đùa: Các vị làm luận án cất vào kho cho nghiên cứu sinh đi sau tham khảo làm luận án tiếp tục lưu kho.

Nguy tai, nguy tai! Trong khi ngoài kia, dòng đời trôi đi theo thể điệu rất khác, bấp bênh khôn lường.

1. Đâu là phạm vi không gian tháp?

Như một ‘wang paga’ khuôn nhà Cham chuẩn, luôn có 3 phần: Nhà, sân trước nhà dành cúng tế, sân xung quanh, và ‘takak” (vườn rau nhỏ trong khuôn nhà). Cham xác định khuôn nhà bằng lối đi 3 mặt: đông, tây và nam. Ngoài lối đi kia thuộc về khác.

Cũng hệt, phạm vi không gian tháp Pô Klong Girai gồm 3 khu:

Khu [1] “Kalan’ tháp chính và 4 “Nhà” cùng khoảng đất xung quanh dành cho tín đồ cúng tế;

Khu [2] Bbôn Hala Đồi Trầu, khu này hiện còn nhiều di tích chưa khai quật, ở đó bia kí mặt nam đang lộ thiên;

Khu [3] Phần không gian rộng lớn gồm mặt đông, tây và nam của khu [1&2].

Tanưh Yang’ đất thiêng của tháp nằm gọn trong đó. Bên ngoài 3 khu ấy giới hạn bởi ‘jalaan’ đường hướng đông, ‘bbaak’ lối đi ở hướng nam, là thuộc về sinh hoạt đời thường.

Agal KINH SÁCH và Cham QUAN NIỆM như thế. Nhiều người thiếu hiểu biết căn bản, thành nói năng mù mờ.

Hiện tại, khu [3] được BQL di tích ngăn làm 2 phần:

[3-1] Từ cổng ngoài đến cổng soát vé: Có căng-tin, chỗ giữ xe, nhà vệ sinh…

[3-2] Từ cổng soát vé đến chân Đồi Trầu, có: Nhà trưng bày, gian làm gốm…

Hiện nay, ‘Halau janưng’ và tín đồ Cham chấp nhận không gian từ Cổng soát vé [3-2] đến Khu [1] là: ĐẤT THIẾNG bất khả xâm phạm.

Chỉ khi phân biệt sáng rõ như vậy ta mới xác dịnh được đâu là khoảng cách “gần 1km”, “hơn 1km” và “01km” chẵn. Còn không thì ta cứ mù mờ, và lập lờ.

2. Tháp Pô Klong Girai có ‘mandapa’ không?

+ Minh định tên gọi.

Lâu nay các nhà ta [và cả tôi] mãi lệ vào nhà nghiên cứu ngoài mà nhìn Cham. Từ đó gọi tên tháp, vừa trật vừa phản khoa học. “Tháp cổng”, “Tháp lửa”…

Có vậy đâu! Minh định:

Bimông’ là cụm tháp gồm 1 ‘Kalan’ + 4 ‘Thang’ (nhà) ở đó có: ‘Thang Cabbak Yang’: Nhà cổng Yang (tháp cổng), ‘Thang cuh Yang Apui’: Nhà thắp lửa cho Thần Lửa (tháp lửa), ‘Thang Pô Bia’: Nhà Hoàng hậu (tháp bia), và ‘Kalan’ là tháp chính. 

Lưu ý: Cham gọi ‘Thang’: nhà, chứ không phải “tháp”; chữ này do Tây và Việt dịch, mà dịch sai. Từ đó không ít Cham gọi sai theo.

Thang Pô Bia’: Nhà Hoàng hậu (tháp bia) ở phía tây, trước thập niên 1960 còn có tượng Bà, sau đó bị đánh cắp, Cham thay bằng ‘Patau Kut’ Đá bia. Gọi “tháp bia” là gọi sau này, sai cả 2 từ: “tháp” và “bia”!

Ngoài ra trước ‘Kalan’ còn có ‘Thang Uơk’: Nhà Trang điểm. Đây là chỉ tiết dường chưa có nhà nào chú ý.

+ Tháp Pô Klong Girai có ‘mandapa’ không?

“Mandapa” giữ vị trí quan trọng trong cấu trúc tháp (xem Trần Kỳ Phương). Ở tháp Pô Inư Nưgar có, sao tháp Pô Klong Girai không? – Đơn giản, chỉ vì ta không nhìn thấy nó!

Giữa ‘Kalan’ và ‘Thang Cabbaak Yang’ là ‘Thang Uơk’: Nhà Trang điểm.

“Nhà” này trước thập niên 1960 còn tồn tại với 4 ‘gang’ (cột) gỗ lớn cùng nguyên giàn chính. Mỗi bận Katê, bà con Raglai xuống lợp ‘ralaang’ che nắng mưa để chức sắc “trang điểm” chuẩn bị hành lễ. Sau, người ta bứng nó đi, làm mất cả “mandapa” gỗ độc đáo.

Lưu ý, ở Lễ Tôn chức ‘Tapah’, có một nhà cũng gọi là ‘Thang Uơk’: Nhà Trang điểm dựng ở phía tây nhà chính để làm một số nghi thức cho thầy ‘Paxêh’ thành một đạo sĩ Bà-la-môn thực thụ.  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *