Hành trình Cham-39. TÔI LÀ LUẬN SƯ ‘RA-XAKARAI’ CHAM!

[hay: Luật ‘Adat’ tôn giáo Cham, tại sao cần đến bộ 3: Giới chức sắc + Trí thức + Chính quyền?]

Serie “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal” viết và đăng liên tục trong 2 năm 2017-2018, ở bài luận về “triết học”, tôi tự nhận “luận sư” tôn giáo ‘Ahiêr Awal’. Tôi có đùa không?

– Chắc chắn là không rồi, dù bàn về đề tài nghiêm túc tới đâu, tôi luôn viết bằng giọng văn khoái hoạt.

1. Ở phần mở “Đặt nền Triết học Đạo Ahiêr-Awal”? tôi viết:

“Tam tạng” có Kinh, Luận và Luật. Về Kinh, cả Ahiêr lẫn Awal tạm ổn, Luật thì quá ư tùy tiện, còn Luận hoàn toàn vắng bóng.

Cần phải làm gì? Là câu hỏi lớn, có thể nói là lớn nhất cho sinh hoạt tâm linh Cham, hôm nay và ngày mai.

Veda có 4 bộ kinh, mỗi bộ kinh gồm 4 phần: Mantra: thánh ca, Brahmana: Phạn chí hay kinh Bà-la-môn, Aranyaka: Kinh Rừng, và Upanishads: Áo nghĩa thư là kinh bình chú mang tính triết học.

Ở Cham hôm nay, ba phần đã thất truyền, còn mỗi Kinh Bà-la-môn. Ngay cả phần này, xưa chắc gì Cham tiếp nhận đủ, rồi thì nước mất nhà tan, nhất là hiện nay giới ‘Halau janưng’ Ahiêr không còn là tầng lớp ưu tú nhất như đã.

Bên Awal cũng không hơn. Agal Awal là một phần rất nhỏ trích từ Kura-ưn. Và hiện, không khác bên Ahiêr, ‘Halau janưng’ Awal cũng ít người hiểu thấu đáo những gì mình đang dùng để hành lễ.

Thế mà hay! Thế mới ra Cham,. Như vậy về ‘Agal‘ theo tôi – tạm ổn. ‘Halau janưng’ cứ thế mà hành đạo. Vấn đề đặt ra hôm nay chính là 2 phần còn lại của “tam tạng”: Luận ‘Xakarai’ và Luật ‘Adat’.

Luật ‘Adat’ cần đến 3 bộ phận xã hội tham dự soạn thảo và hoàn chỉnh: Giới chức sắc + Trí thức ‘Gahêh’ + Chính quyền.

Chức sắc có mặt là đương nhiên rồi. Đại diện Chính quyền càng không thể thiếu, vì “Luật” liên quan trực tiếp đến quyền lợi tín đồ, đồng thời là công dân.

Tại sao cần trí thức? Đây là thành phần có tri thức khoa học, theo sát và thấu hiểu thời sự xã hội hơn, và nhất là họ có mặt để cân phân chính quyền và chức sắc.

2. Cuối cùng là Luận ‘Xakarai’.

Cham Bà-la-môn xưa có luận sư, chắc chắn thế, thậm chí – đại luận sư; nay không có mảnh văn bản nào chứng minh Cham còn. Dẫu sau, từ “Luật tạng” đang được cấp Paxêh, cấp Acar dùng hôm nay, ta vẫn có thể truy tìm được Kinh tạng ngay trong các cổ thư đó. Cạnh đó, để lần ra dấu vết, kinh Cham Ahiêr chẳng hạn, ta cần đọc kĩ các Vedas; các “luận sư” Bà-la-môn hiện đại; và càng không thể không biết đến triết học Tây phương…

3. Tôi là luận sư tôn giáo ‘Ahiêr Awal’?

Xét dòng dõi xuất thân, tôi thừa điều kiện giữ vai trò trong hàng ngũ chức sắc tôn giáo Cham Bà-la-môn, tức ‘Ahiêr’. Tạm kê…

Ông ngoại tôi là tác giả trường ca Ariya Rideh Apwei, là thầy cao đạo [Thiên Sanh Sở là đồ đệ thế hệ thứ hai của ông tôi, vừa mất 2 năm trước].

Ông nội tôi [cha của mẹ] cấp ‘Paxêh’ sắp lên ‘Tapah’ thì mất.

Pô Adhya Piang cố trụ trì tháp Pô Klong Girai và Pô Adhya Hải Quý cố trụ trì Đền Pô Inư Nưgar là chú tôi. Pô Adhya Hán Bằng cố trụ trì tháp Pô Rômê là bác tôi.

Đó là chưa kể 3 ‘Mưdwơn gru’ nổi tiếng cộng đồng thuộc tộc họ tôi. Đặc biệt tôi có ông họ Phok Dhar Cơk, nhà yogi cuối cùng của Cham, người giữ Kinh Rừng cuối cùng thất lạc cùng lúc ông mất.

Thế nhưng tôi không ý hướng làm chức sắc, mà luận sư. Bởi Cham đang thiếu nghiêm trọng ngươi luận giải kinh sách. Trong khi tôi thừa năng lực sắm vai này. Tôi…

– Nắm vững bộ tứ Kinh Vedas

– Đọc, đối chiếu và san định xong Kinh ‘Agal’ và Luật ‘Adat’ ‘Ahiêr’ Cham,

– Nhiều năm sống với tư tưởng các “luận sư” Ấn Độ hiện đại: Ramakrishna, Vivekananda, Krishnamurti, Osho…

– Và có nền tảng về triết học Tây phương.

4. Hiện thực

Về Kinh Cấm Bac Pakơp đối với đạo sĩ Cham Bà-la-môn, tôi đã đăng toàn văn; sắp tới sẽ đăng Kinh Tụng cho tín đồ. Riêng những điều kiêng kị dành cho tháp thiêng, tôi đã nêu rải rác đây đó, sẽ hoàn chỉnh sớm.

Thuk siam ka khol ita

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *