[đối chiếu với Ba cuộc hóa thân của Nietzsche, nhập cuộc Trò chơi Jeu du Monde của Heidegger]
1. Cham có Ariya Nao Ikak: Trường ca Đi buôn. Thế nào là “đi buôn”?
‘Ikak’ có ba nghĩa: buôn (nao ikak: đi buôn), tạo dựng (ikak kut: tạo dựng Kut), và buộc (ikak kabao: buộc trâu).
Cả “buôn”, “tạo dựng” và “buộc” đều hàm nghĩa trách nhiệm Ta-ở-đó (Da-sein). Trách nhiệm với mình, với gia đình, và với cộng đồng.
Trường ca đi buôn nói lên ý nghĩa một đời người Cham trên mặt đất. ‘Lôg’ đọc là ‘lôôc’: đời;‘ikak’: buôn. ‘Lôg ikak’: trần gian. Đời là một chuyến buôn.
Nói đời là trường chiến đấu, vừa dễ dãi và “cương cứng” quá. Mà là chuyến ‘nao ikak’ [ở cả 3 nghĩa].
Chiến đấu thì có địch có ta, có mưu kế, có thắng bại, sống chết.
Còn buôn, cần đến nỗ lực làm ra [hàng hóa], [tìm thị trường] giao lưu phân phối, và hiệp thương hai bên cùng tồn tại. Nhưng không phải vì thế mà không cam go, gây cấn. Suốt chuyến buôn ấy, ta mang hết sức lực và tài lực gánh vác lấy trách nhiệm. Để chung cục:
‘Kau nao thaang kau min juuk phiik
Kloh thu ikak, thaang thei thei wơk’
Anh về cố quận tình ơi
Chuyến buôn đã mãn nhà ai nấy về.
2. Nói “đời là cuộc rong chơi” thì mơ hồ và mơ màng quá. Người ta có thể hỏi: Thế nào là “rong chơi”? Và phải qua bao nhiêu giai đoạn đời người để đạt tới nỗi phiêu lãng kia?
Nietzsche đề xuất ba cuộc hóa thân: Từ Lạc đà chất trên bao gánh nặng trách nhiệm cộng đồng sang Sư tử cuồng nộ phản kháng đạp đổ mọi giá trị, đến Trẻ thơ ngây thơ rong chơi ca hát, là cuộc chuyển hóa đáng mong đợi.
Đó là ước mơ của đạo sư từ bao thế hệ, Đông lẫn Tây.
Heidegger quyết liệt và rốt ráo không kém: Cuộc đời là trò chơi, nhỏ và lớn. Ta bị quăng ném vào trần gian, Ở ĐÓ – sẵn sàng nhập cuộc vào trò chơi, trò chơi thế giới Jeu du Monde, và hết mình với trò chơi đó.
3. Cham hỏi: Đâu là “thời kì quá độ”? – Chính là chuyến buôn mà mỗi sinh linh Cham được/ bị buộc ‘ikak’ vào:
Gia đình chốn ta sinh ra,
Guru nơi ta thụ giáo “dưới chơn thầy”, và khi là
Chủ hộ, ta trách nhiệm với vợ con và cộng đồng.
Ở đó, ta CHƠI: trò chơi “tam chúng”. Sau đó, ta tiếp tục CHƠI: cuộc chơi trời đất.
Minh triết Cham (2011):
… một Bà-la-môn cần trải nghiệm bốn giai đoạn cuộc đời.
Ngay buổi đầu làm đời môn đệ antevāsin, bạn tự buộc tuân thủ nguyên tắc: vâng lời và tuân phục. Sống “dưới chân thầy”, và chỉ biết có thầy guru. Đó là giai đoạn tìm học đầy hứng khởi.
Giai đoạn môn đệ kết thúc, người đàn ông lao vào cuộc sống gia đình. Bạn là một chủ hộ grhastha, nai lưng gánh vác gia đình với đầy đủ trách nhiệm của người chồng, người cha… Dù Cham hướng vọng cõi tâm linh nhưng chớ mong họ tha thứ cho kẻ ăn bám, nếu kẻ ấy chưa qua nấc thang cuối cùng của triết lí sống.
Mãi khi công việc xã tắc đã xong, rũ bỏ mọi gánh nặng, cắt đứt tất cả liên quan máu mủ ruột rà, bạn dũng mãnh bước vào giai đoạn thứ ba: đi vào rừng vanaprastha.
Đây là giai đoạn thử thách tâm linh khốc liệt nhất dành cho một đạo sĩ. Tôi hiểu nghề nghiệp kia không phải là tôi, chức vụ và danh vị kia, tiếng tăm và tài sản kia, mặc cảm và kiêu hãnh kia… nghĩa là tất cả mọi mặt nạ nơi thế gian u tối mà tôi đang sở hữu kia KHÔNG LÀ tôi.
Giữa nhà grāma và rừng vana là khoảng ngắn ngủn nhưng dài dằng dặc bạn phải băng qua, tại đó đựng chứa bao nỗi nguy hiểm rình rập. Sơ sẩy trong thoáng sát na, bạn có thể hủy hoại cả “vốn liếng” gầy dựng trước đó. Một cuộc truy tìm hướng nội đầy gian nan, nhưng đạo sĩ Bà-la-môn phải can đảm lao vào. Nhảy qua và cắt phăng cây cầu dẫn về trần gian, để dấn mình trọn vẹn vào giai đoạn cuối cùng: giai đoạn khất sĩ bhiksu. Làm kẻ lang thang vô gia cư, “phong phanh giữa trời đất”!
Đó chính là cuộc CHƠI tối thượng, và tối hậu.
P.S.
Khác với Trung Hoa, con người lí tưởng là đấng trượng phu đi con đường lớn của thiên hạ. Khi chưa gặp thời thì tạm ẩn mình tu thân, rồi sau giai đoạn lập thân thì lui về vui thú điền viên.
Cham, sau khi đi qua thời “tam chúng”, phong phanh giữa trời đời, chi có ta tiếp cận và đối thoại với thần linh.