Thông điệp [4] Từ kỉ niệm ngày mất Po Dharma. THÔNG ĐIỆP CHO NĂM 3000

Một tuần nữa, Cham hải ngoại kỉ niệm ngày mất của Po Dharma.

Mặc cho bao tung hô, như tôn anh là “lãnh tụ tài ba” của dân tộc, là nhà nghiên cứu đã viết “hơn vạn trang sách về lịch sử Champa”, hoặc cái gì khác nữa;

Mặc cho vài sinh linh ý đồ ăn có, ăn theo tên tuổi anh;

Và xin tạm “cho vào ngoặc” vài sai lầm anh phạm phải thuở sinh thời [tôi cũng có bài tống luận về anh ngay sau khi anh mất];

Po Dharma vẫn là nhân vật rất, rất quan trọng của Cham thời hiện đại, xứng đáng là bài học [tích lẫn tiêu cực] cho thế hệ hôm nay học, và ôn tập.

Thông điệp này như một cahs “kỉ niệm” anh.

“Cham có thông minh không?” – câu hỏi được đưa ra ráo riết, và triển khai nhiều kì trên Inrasara.com, năm 2016. Ở đó, tôi đặt Do Thái cạnh Cham để làm đối sánh. Hôm nay, xin trở lại.

Do Thái mất nước và lưu lạc – như Cham.

Như Cham, Do Thái cư trú hay tạm dung ở nhiều vùng đất khác nhau.

Ở các vùng đất đó – như Cham, họ nói thứ tiếng Do Thái khác nhau.  

Rồi sau 2000 năm, họ đã làm được gì?

Từ Wiki:

“Tiếng Hebrew tức tiếng Do Thái, là ngôn ngữ bản địa tại Israel, được hơn 9 triệu người sử dụng, trong đó 5 triệu ở Israel. Là ngôn ngữ của người Israel cổ đại, chữ Hebrew cổ nhất có niên đại từ thế kỉ X trước Công Nguyên.

Tiếng Hebrew biến mất như một ngôn ngữ nói hàng ngày khoảng năm 200-400, mà chỉ tồn tại qua thời Trung cổ như ngôn ngữ dùng trong lễ nghi Do Thái giáo và văn học giáo đoàn. Mãi đến thế kỉ 19, nó được hồi sinh như một ngôn ngữ nói và viết như hôm nay ta thấy.”

Chú ý:

Ở Do Thái, khác biệt cộng đồng tạo nên khác biệt ngôn ngữ mang tính vùng miền, từ Do Thái Georgian, Do Thái Ả Rập, cho đến Do Thái Berber, Krymchak, Thái Malayalam… hầu hết chúng nay không còn được dùng nữa.

Nhìn sang Cham.

Vài thế kỉ qua ta nói tiếng Cham Khmer, tiếng Cham Malaysia, tiếng Cham Hroi, Cham Tây, Cham Đông, rồi thời gian tới: Cham American, và… Hỏi ngàn năm sau, các cộng đồng Cham này còn nghe và hiểu nhau không? Chắc chắn là không rồi!

Tưởng tượng thêm, giả dụ khi ấy Cham có một “quốc gia” [nước nào đó nổi hứng bố thí cho Cham một hòn đảo “bỏ đi” chẳng hạn], sinh linh Cham sẽ nói thứ tiếng gì? – Tiếng Cham.

Nhưng đó không thể là tiếng Cham của một cộng đồng đại diện nào đó, mà phải là TIẾNG CHAM CHUNG. Tìm nó ở đâu? Ở văn bản cố, bạt ngàn văn bản Akhar thrah. Tạm kê:

[1] Văn bản văn học, hàng trăm Akayêt, Ariya… gồm các ngôn từ đẹp đầy thi tính;

[2] Agal Kinh sách mà các Halau janưng đang tụng đọc hành lễ: ngôn từ hình nhi thượng;

[3] Và văn bản Hoàng gia với ngôn từ hành chính và đời thường. 

Cham có gì? Có kí ức lịch sử làm bằng, có bạt ngàn đồi tháp làm chứng, có vô số văn bản Akhar thrah làm tin. Tất cả vốn liếng tiếng Cham còn ở đó, không chạy đi đâu cả! Là MAY MẮN LỚN của chúng ta, điều mà người Mỹ Da Đỏ có nằm mơ cũng không thấy.

Văn bản Hoàng gia, hãy dành riêng nó cho nhà nghiên cứu chuyên sâu;

Agal Kinh sách, cần chuẩn hóa cho Halau janưng hành đạo đúng sách đúng bài, cũng đủ;

Chỉ Văn bản văn chương, là nên in ra phổ biến nhiều càng tốt.

Bản thân tôi đã xong phần [1], và sắp kết thúc mục [2].

Sớm có tầm nhìn sâu và xa như thế, tôi mới bỏ ngoài tai “Chiến trường Akhar thrah”. Thậm vô ích, lấy tiếng cộng đồng nhỏ nào đó áp đặt cho Cham chung, hay đòi Cham quay trở lại nói tiếng mẹ đẻ của 3 thế kỉ trước! Phi lí, và bất khả.

Cham hôm nay làm gì? Thử rút ra 10 từ 36 bài học trong “Do Thái, Trí tuệ Toàn thư” (nxb Thời Đại, 2010):

1. Dân tộc luôn ghi nhớ LỊCH SỬ

2. Trung thành với DÂN TỘC

3. KINH TALMUD là linh hồn của người Do Thái

4. Trong gian khổ vẫn không ngừng TIẾN VỀ PHÍA TRƯỚC

5. KHÔNG ĐỔ LỖI thất bại cho ngoại cảnh

6. Đứng trên lập trường đối phương để XEM XÉT VẤN ĐỀ

7. Coi trọng chữ TÍN là khởi đầu của mối quan hệ

8. Đầu tư vào GIÁO DỤC là đầu tư có tầm nhìn xa nhất

9. HOÀI NGHI là chìa khóa của việc học tập

10. VƯỢT QUA chính bản thân mình.

Pô Yang pakah yawa ka khol ita!

Sài Gòn, 17-2-2020

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *