THÔNG ĐIỆP CHO CHAM: HÔM QUA, HÔM NAY & NGÀY MAI

Hãy yêu, hãy yêu như ta chưa từng

các đứa con đi xa bỏ hoang làng mạc

mang bụi đất quê hương về miền xứ khác

và hãy yêu hơn con người chân chất

sống một đời ôm mang đất – phù du

(trường ca “Quê hương” trong Tháp nắng, 1984)

Mỗi giai đoạn lịch sử của một cộng đồng [dân tộc, hay đất nước] luôn bị đặt trước câu hỏi lớn, mà vận mệnh của nó tùy thuộc vào câu trả lời lớn tương thích. Cộng đồng Cham từ đầu thế kỉ XIX đến nay, may mắn thay, xuất hiện cá nhân hay nhóm người đáp ứng đúng điệu, qua đó hóa giải nút thắt của lịch sử dân tộc.

Bước sang thập niên 20 của thế kỉ XXI, Cham lại đứng trước một thách thức mới, đòi hỏi câu trả lời mới, và khác.

Ngoảnh lại quá khứ, tôi thử giải minh “3 câu trả lời lớn”, và tìm câu trả lời mới cho giai đoạn sắp tới.

Đây là phân tích chính trị-xã hội mang tính vận mệnh lịch sử, thế nên rất mong bà con, anh chị em đọc kĩ trước khi phản hồi, nếu có. Và nhất là, cần nhìn toàn cảnh xã hội Cham hai thế kỉ qua, để thông suốt vấn đề.

Riêng độc giả ngoài Cham, cần “đứng vào lòng xã hội Cham”, để nhận định.

Thông điệp [1] Từ câu hỏi lớn của Glơng Anak. THOÁT NẠN

Cuối thế kỉ XVIII đầu XIX, Cham rơi vào khủng hoảng toàn diện, khủng hoảng cuối cùng của lịch sử đất nước. Sang thời Minh Mạng, phần theo chính quyền, phần theo khởi nghĩa Lê Văn Khôi: Hai lực lượng cùng máu mủ đối chọi nhau; rồi khi họ Lê bại, Minh Mạng ra tay càn quét.

Là năm 1834. Năm 1963, ông ngoại tôi – thầy cao đạo và là nhà thơ – và Dương Tài Tin anh họ tôi kể, mỗi ngày quân MM phải lấy cho được ba đầu lâu Cham làm ông táo nấu cơm.

Ngay giai đoạn đó, ba thông điệp đưa ra:

– Twơn Phauw: VÌ DANH DỰ, phải chiến đấu tới cùng.

(“Mưyah jơl nưgar halei, min drei nhu kađa

Dù mình cùng đường nhưng họ nể trọng mình)

– Glơng Anak: ưu tiên BẢO TOÀN MẠNG SỐNG con dân, giải sân hận, nhẫn nhục vượt qua khủng hoảng.

– Pauh Catwai: BẢO TỒN VĂN HÓA dân tộc [bhap ilimo].

(“Sa bauh cơk tajuh gilaung/ Sibơr ka thraung bhap ilimo

Một ngọn núi bảy ngả đường/ Biết đường nào văn hóa dân tộc được thông”)

Một nghệ sĩ sáng tạo không chủ ý đưa ra thông điệp khi viết, có – là do người đọc tiếp nhận và diễn ngôn. Chi tiết này tôi đã bàn trong Văn học Cham khái luận in 1994, nay chỉ nhắc lại sơ lược.

Thông điệp đưa ra, nhưng khổ nỗi, Cham KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN CHỌN LỰA. Chủ trương bạo lực luôn thắng thế. Tôi nói “không được quyền chọn lựa”, bởi các chiến binh cuối cùng đi theo cuộc khởi nghĩa cuối cùng (Ja Thak Wa) đa phần do ngoại lực thúc ép: O ép từ phía chính quyền, ép buộc từ phía thủ lĩnh, và cả sự cả tin [Thak Wa hiểu, và lợi dụng sự cả tin vào Pô Yang này của Cham].

Hậu quả Cham lãnh đủ.

Câu hỏi lớn của Glơng Anak: Làm thế nào THOÁT NẠN? – Biết mình.

Tạm gạt ra một bên cá nhân ích kỉ, tâm hồn xấu tâm nóng mắt ‘jhak hatai pađiak mưta’ trước thành công nhỏ nhoi của người đồng tộc, hoặc cảm thấy hả lòng hả dạ khi kẻ láng giềng bị hại hay gặp nạn ‘bboh mưbai saung janưk dom di on’, Glơng Anak nhắm vào bao sinh linh khốn khổ.

Nếu Pauh Catwai khinh miệt những kẻ vô đạo, đám cơ hội, xu thời, loại trí thức nửa mùa thì Glơng Anak ôn tồn kêu gọi họ trở về với dân tộc, với thiện căn của con người.

Mưyah pap urang mưtwei saung urang gila

Jwaii limuk jwai ba gơp gan gơk tatơk.

(Nếu gặp kẻ mồ côi hay người khờ dại

Chớ ghét bỏ, đừng lôi kéo mọi người bức hại)

Bởi vì sinh phận Cham dù bé nhỏ tới đâu cũng là một phần của cộng đồng. ‘Ia pabah drei taprah njơp drei’: Nước bọt mình bắn trúng mình. Không thể huênh hoang đời đục riêng mình ta trong, đời say riêng mình ta tỉnh được.

Biết mình, để như ngọn cỏ cúi rạp mình trước đêm tối bão giông, tu tâm tích đức, chịu ẩn mình trong thời gian dài – Glơng Anak dạy thế.

Không phải nuôi cao vọng to tát, xa vời. Hãy khởi đầu bằng bước đi đầu tiên nơi mảnh đất ta đang đứng, tự dựng xây bằng bàn tay này, với cây cuốc này.

Tất cả đã sụp đổ thực sự rồi. Mọi cánh cửa đã đóng kín ‘di grơp tapien ra pawang’, không còn mảnh đất nào dung chứa ta nữa ‘halei nưgar drei khing nau’. Chớ ngồi đó oán trách số phận ‘kaywa dwix mưng halei piơh wơk ka ita’: tội lỗi từ đâu ta phải mang vác. Cũng đừng nuôi hi vọng hão để phải hành động thiếu suy xét nữa.

Hãy bình tâm lại, bàn tay trong bàn tay, hãy nhìn vào mắt nhau để nhận rõ mặt nhau, hãy cầm lấy cây cuốc, cái cày đi xây lại từ đổ nát, “một nơi cư trú nhỏ bé mới, có lại những hi vọng nhỏ bé mới. Bây giờ không có còn đường nào bằng phẳng để dẫn tới tương lai. Chúng ta phải đi vòng quanh hay bò qua các trở ngại… Chúng ta phải sống, thây kệ bao nhiêu bầu trời đã sụp” (D.H. Lawrence ).

Qua càn quét, Cham bỏ palei trốn lên vùng núi. Mãi khi Thiệu Trị xuống chiếu kêu gọi, sinh linh sống sót mới lục tục kéo nhau về. Điểm danh cả vùng Pangdurangga, Cham chỉ còn: 9.200 người! [năm 1908: 15.000 người].

Một vương quốc hùng mạnh, nay còn vỏn vẹn chừng ấy!

Thế nên 130 năm sau, kí ức kinh hoàng vẫn còn ám Cham, không phải không nguyên do. Lưu Trọng Lư thay mặt Cham, viết (Tiếng Thu, 1939):

Hiềm một nỗi kẻ Chàm, người Việt

Khó cảm thông

Mà mối hận nghìn thu ôm ấp lòng

Hiu hiu thổi, không buồn nói

Ôm ấp lòng” suốt hơn thế kỉ, mãi đến giữa thập niên 1960, Cham mới rón rén hội nhập: vài cây bút viết bằng tiếng Việt rải rác xuất hiện. Tuy nhiên chưa tới đâu thì, 1975 “giải phóng” – Cham rơi trở lại với “hiu hiu thổi/ không buồn nói”.

Pô Yang pakah yawa ka khol ita!

TFN-Ramưwan, 2-6-2016

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *