Thông điệp [2] và [3]

Thông điệp [2] “Làng Chăm ơn Bác” của Amư Nhân. TỒN TẠI

Tháng 3-75, hơn 300 sinh linh Cham, phần “sợ Cộng Sản” phần ôm mộng đi làm nước ‘‘nau ngap ia’, nhắm mắt ào lên núi. Để ngay sau đó bị làm cho ‘‘brai rai toàn bộ’. Trong đó có anh ruột tôi, anh em họ tôi, bạn học và bạn chơi của tôi. Bản thân tôi không Đi làm Cá Rô ‘‘Nau ngap Ikan Krwak’, cũng được ba ngày đêm nằm biệt giam xơi cơm tù.

Miễn kể khổ, chỉ nêu ba điển hình, để ta thấy thảm trạng từ đó nhìn nhận rõ vấn đề.

Anh họ ngoại tôi bị bắn chết trên núi, xác kéo về đặt tại ngã Ba Phú Quý để làng nước ngó, mới cho mang đi. Anh họ nội tôi bị bắn chết, sau hai ngày thi thể mới được tìm thấy khiêng về đặt ngoài làng, cấm mẹ khóc con. Em họ và bạn học tôi, khờ khạo lên núi muộn, khờ khạo khai bậy bị đánh bầm giập rồi nhốt ba tháng, sau này chết trẻ [do hệ lụy cũ].

Thì bảo Cham hồ hởi HỘI NHẬP, là điều không tưởng.

[+ Bước chân bạo động của lịch sử không chừa ai. Hãy nhìn người Việt ở bên thua cuộc: Phần bị lùa đi Kinh tế mới ôm sốt rét, phần chết trong Trại cải tạo, phần bỏ mạng ngoài khơi… thì ta thấy Cham vẫn còn may chán!].

Thế nên không lạ, khi suốt 10 năm sau đất nước thống nhất, không thấy bóng dáng một Cham nào ló mặt trên văn đàn. Cham trở lại “sống trong đêm mờ” (Chế Lan Viên).

Đùng cái, Amư Nhân xuất hiện sáng rỡ. Đây là sự kiện có tính bản lề trong đời sống xã hội Cham hiện đại.

“Làng Chăm ơn Bác” – chắc chắn tác giả hoàn toàn không ý thức – tự nó [vô tình] gửi đi một thông điệp: Chúng tôi không phản kháng nữa, mà CHẤP NHẬN. Chấp nhận Việt Nam, chấp nhận cả chế độ này.

Rồi khi ca khúc được hát khắp làng trên xóm dưới, nó góp phần làm NHÒE đường ranh chia cắt Việt Cham, làm HẠ áp suất khí quyển căng thẳng bao trùm xã hội Cham khi ấy. Điều, chỉ có âm nhạc làm được.

Vậy thôi, mà phải qua đi non 10 năm.

Lần nữa, hãy chú ý con số 10 này.

Dĩ nhiên không phải mọi mọi Cham đều đón nhận “thông điệp”. Hẫng là bởi nỗi ấy. Một số chống quyết liệt nhưng “không buồn nói”, một số xem như pha: chỉ là thứ giải trí, không chấp. Dẫu sao qua “Làng Chăm ơn Bác”, đã có tín hiệu tốt từ chính quyền: Về mặt xã hội, Cham được chính sách ưu ái hơn; được quyền bảo tồn văn hóa dân tộc. Còn nếu có trục trặc đâu đó là do mình chưa khả năng làm, hay làm sai, hoặc “họ” làm sai mà ta im lặng.

Cần nói lời cảm ơn nhạc sĩ-ca sĩ này, là vậy.

Thử liếc mắt qua Thái Lan cùng giai đoạn, Việt kiều Thái bị phân biệt đối xử: cấm nói tiếng mẹ đẻ, truyền bá văn hóa dân tộc càng không.

Hoàn cảnh lịch sử ấy, sự xuất hiện của nhân vật Amư Nhân và “Làng Chăm ơn Bác” vào thời điểm 1985, là CẦN THIẾT, bởi không thể tránh. Để hội nhập với Việt Nam và chế độ, anh đã “quỵ lụy”, điều hiếm Cham ở thời buổi hôm nay chấp nhận. Tôi nói “cần thiết”, vì qua đó, Đảng có vẻ “tin” Cham hơn.

Thế nên, không lạ khi một bộ phận Cham hiểu biết không phán xét anh. Còn việc đến hôm nay anh vẫn để cho chế độ tận dụng mình, là chuyện khác rồi: Nó thuộc bản lĩnh nghệ sĩ.

[Chú ý thêm về ba điểm nóng trong thời đoạn này:

– Năm 1978, Fulro tan rã để lại dư hưởng đậm đặc;

– Năm 1982. Ngôn Vĩnh cho ra mắt tác phẩm Fulro, Tập Đoàn Tội Phạm như đổ thêm dầu vào lửa;

– Đầu năm 1985: “Làng Chăm ơn Bác” ra đời; cuối năm: Ja Mrang thủ lĩnh Fulro Cham mất trong tù, không một âm vọng].

Pô Yang pakah yawa ka khol ita!

TFN-Ramưwan, 3-6-2016

Thông điệp [3] Đặc san Tagalau. NHẬP CUỘC VỀ HƯỚNG MỞ

Qua thế kỉ XXI, Cham đã khác rồi.

Nếu giai đoạn [1], thông điệp được truyền qua thơ, giai đoạn [2] nhờ âm nhạc, thì giai đoạn [3], nó phải thông qua BÁO CHÍ.

TAGALAU có mặt là để chuyển đi bức thông điệp MỚI & KHÁC. Nó muốn thông tin đến với thế giới, rằng:

CHAM ĐANG CÓ MẶT &

CÓ QUYỀN CHỌN LỰA ĐỂ QUYẾT ĐỊNH VẬN MỆNH CỦA MÌNH.

Tôi đã viết đâu đó, cá nhân Inrasara với những Tháp Nắng, Lễ Tẩy trần tháng Tư, Chân Dung Cát, Văn học Cham… cùng bao nhiêu giải thưởng không là gì cả, mà chính việc cho ra mắt Tagalau ở đầu thế kỉ XXI mới là điều đáng giá nhất.

Việt Nam mở cửa và hội nhập. Cham – qua internet, biết mình đang ở đâu trên đất nước, và trái đất này. Cơ hội mở ra trước mắt, câu hỏi đặt ra là Cham thể hiện khả năng thế nào, để thế giới biết Cham nhiều hơn, thế giới trọng nể Cham hơn – không phải những gì từ quá khứ, mà ở hôm nay và ngày mai.

Từ nay, tất cả do ta và bởi ta.

Văn hóa Cham bị hiểu, viết sai lệch là bởi ta không đủ KHẢ NĂNG đảm đương.

Cham bị ức hiếp, bị đối xử bất công là vì ta sợ không DÁM LÊN TIẾNG.

Ta chưa sáng tạo được gì ra hồn là do ta thiếu TÀI NĂNG.

Cham li hương đến định cư xứ người, Cham rời quê vào thành phố sống từng cụm hay mỗi gia đình đơn lẻ, Cham theo Tin Lành hay tôn giáo mới các loại, Cham viết văn bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay Pháp… ta vẫn cứ là Cham, nếu ta không chối mình là Cham.

Thế giới trở thành một làng – làng toàn cầu. Ta là Cham, đồng thời là công dân thế giới. Hiểu thế giới xung quanh, là điều cần thiết; cần thiết không kém, là hiểu chính ta. Hiểu thì càng yêu hơn. Cham cần hiểu biết, để sống, làm việc, yêu thương và sáng tạo.

Ta hãnh diện về di sản ông bà để lại; và chính ta cũng phải là niềm hãnh diện của con cháu ta, ngày mai. PR Cham, làm cho thế giới ngoảnh về Cham, học biết làm cho từ “CHAM” vang lên rộng và xa hơn – một Cham đau khổ, tài năng và nhân bản.

Dù gì đi nữa, vẫn nhảy múa và ca hát.

Pô Yang pakah yawa ka khol ita!

TFN-Ramưwan, 4-6-2016

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *