1. Chưởi, giập, “vứt mẹ nó đi”, hay “mắt đền mắt”… không đưa đến đâu cả, ngoài bạo động, chia xé và tan nát.
Đọc lại Lê-nin toàn tập thấy bạt ngàn ngôn từ sắt máu! Đó là thái độ của nhà cách mạng. Ngay khi Karl Marx tuyên vấn đề không phải là giải thích thế giới, mà là cải tạo thế giới, ông từ tư cách một triết gia lớn chuyển hệ sang nhà hoạt động xã hội rồi. Camus hỏi, chưa hiểu thế giới, thì làm sao bạn có thể cải tạo thế giới? Nhân loại đi lạc là điều khó tránh.
Tóm: Triết gia giải thích thế giới, nhà văn biện minh cho con người.
2. Hội đồng LLPB VHNT Trung ương mời nói chuyện, trong khi các vị khác giảng bài mang tính độc thoại, nếu có cho hỏi thì theo thể điệu “dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, hay trò hỏi thầy, tôi làm khác: đối thoại. Nửa thời gian dành cho thuyết, nửa còn lại cho trao đổi, cần thiết – tranh luận ngay trên diễn đàn.
Ở Cà-phê Văn học và các nơi, tôi còn rút ngắn hơn nữa, chỉ cần 1/3 thời gian cho nói. Tại sao? Tôi chọn đối thoại, song thoại và tương thoại, bởi đó là cách duy nhất có thể bước từ hiểu biết sang đả thông; ngược với thái độ độc đoán, chuyên quyền bằng độc thoại một chiều nói, một chiều nghe đầy thụ động.
3. Đứa con tỉnh lẻ đi vào trung tâm văn hóa lớn, thành danh, không ít người ra vẻ ta đây, cánh văn nhân là một. Tôi ngược lại, thường xuyên về thăm bạn văn ở quê nhà, và rất siêng năng gửi bài cho tạp chí văn học tỉnh lẻ ấy. Vô phân biệt.
Không phải chịu đấm ăn xôi, bởi chả có miếng xôi nào ở đây cả, mà tôi muốn tìm hóa giải những hiểu lầm, mấy ngăn cách, bao nghi kị, vân vân.
Ở thế giới Cham. Một tạp chí Cham hải ngoài danh giá viết, đăng hơn chục bài xuyên tạc, bôi nhọ tôi, tôi biết nhưng không một lần phản bác lại trên Tagalau do tôi chủ biên. Đó là thái độ khả tính khởi đầu cho giải sân hận.
Trở lại chuyện hôm nay. Nhạc sĩ AM, nữ họa sĩ CKT, hay nhà nghiên cứu S-VM nịnh bợ. Họ là nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ Cham hàng đầu được nhiều người biết đến, thế nên cái nịnh kia tác hại đến tâm hồn không ít sinh linh Cham.
Bạn FB Doan Hoang Kien kêu nếu “hàng đầu” kiểu đó thì vứt mẹ nó cho rồi, cũng có nghĩa là loại nó ra khỏi cộng đồng; ngay bạn trẻ Cham Thạch Châu Kiệt khi biết sự vụ kia, cũng đã block cô giáo họa sĩ từng dạy mình ấy.
Quyết liệt như thế, không sai, bởi rất đáng chán; dẫu sao tôi chọn cách thế khác.
Nietzsche: “Con người là dòng sông dơ bẩn, phải là biển cả bao la mới có thể cưu mang con sông dơ bẩn kia mà không tự làm ô uế mình”.
Tôi tình nguyện làm kẻ đa mang đó, còn mình có mang nổi để phải bị vỡ đê hay không còn tùy Bà Trời. Không ít người cho thái độ kia là huề tiền, nhưng không. YÊU không phải cho qua, mà là không thể KHÔNG NÓI.
Trí thức là không im lặng, mà trách nhiệm phơi lộ sự thể trước bàn dân thiên hạ. Thứ nhất, cho họ hiểu mà PHẢN TỈNH, thứ hai để sinh linh Cham khác biết mà TRÁNH.
Lại Nietzsche: “Khi không thể yêu thương được nữa thì cứ im lặng tha thứ mà bước qua.” Được quá đi chứ!
*
Chuyện nhà văn…
Sắm vai Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, lần đầu tiên tôi quyết định về quê hương dự Ngày Thơ. Tôi báo cho biết trước, đến, ngồi hàng ghế dưới, và “được” ban tổ chức cho ngồi đó đến cuối buổi. Trong khi chính ông “phó” ấy vừa tham dự từ hai tỉnh bạn qua, luôn “bị” đặt ngồi giữa quan đầu Tỉnh và quan đầu Hội, sau đó hắn là trung tâm của báo, đài các thứ.
Tôi biết nguyên do của sự thể cắc cớ đó, không biết mới ngu. Biết, nhớ, và… giải.
Hồi đang căng thẳng vụ Điện hạt nhân, tổng kết năm văn học nghệ thuật tỉnh, tôi về dự. Ở buổi tiệc sau đó, tuyệt không một bạn cũ nào mon men đến bàn tôi bắt tay ông “phó” người của Trung ương ấy. Họ sợ liên lụy, tôi biết, không biết mới ngu. Biết, và cho qua.