“Lễ Kỷ niệm 185 năm Champa Mất nước” vừa được cộng đồng Cham hải ngoại tổ chức tại Mỹ tháng 11 vừa qua, tôi không theo dõi hết, mà chỉ xem 3 mục:
Phát biểu của Amuchandra Luu đĩnh đạc & hay! Phần của Can Quang khúc đầu tốt, khúc sau có vài điểm cần xem lại. Và video clip dài 55 phút của Mylan Che xuất hiện non tháng sau đó.
Ở Stt này, tôi không bàn về “Mất Nước”, cũng không bàn về “Quyền Bản Địa”, mà: phần I nhận định sơ khởi về video clip của CML, phần II gợi mở cho cái nhìn cận cảnh vấn đề Cham hiện đại https://www.facebook.com/mylan.dang/videos/2004373262906232/
I. HAY & CHƯA HAY
3 điểm hay:
Đây là lần đầu tiên xuất hiện 1 video clip đưa cái nhìn tổng quan vấn đề Cham, lại do người nữ Cham làm, là điều rất đáng AHEI! Tinh thần dân tộc của CML thì miễn nói: đậm đặc, từ đó nữ sĩ này có quan điểm rất rõ ràng, không ỡm ờ hai ba mặt. Có nhiều nhận định rất nữ, thêm chất giọng Phan Rí: vui đáo để. Tôi nói ‘vui’, chẳng hạn cụm từ “khing Yôn khing Lo” được nhắc đi nhắc bốn lần như tiếng than đắng chát của một bà mẹ mẫu hệ cảm nghe bất lực trước những đứa con ‘hoang đàng’ [có khi ở thế buộc] lần lượt ra đi không thể ghì níu – chỉ là một trong những.
3 điểm chưa hay, có lẽ do thiếu chuẩn bị, tạm nêu ra để rút kinh nghiệm:
Do động cập vấn đề quá rộng, nên “diễn giả” khó quán xuyến vấn đề, qua đó vấp phải vài điểm bất cập. Thứ hai, hơi lan man, nhất là việc thiếu điểm nhấn với các ví dụ thật đắc; bởi chính điểm nhấn & ví dụ đắc mới gây ấn tượng mạnh, sau đó nó đọng lại trong người nghe buộc họ suy nghĩ (sẽ nêu ở phần [II]).
Riêng về ngôn từ, thứ nhất CML còn độn nhiều từ tiếng Việt thông dụng không cần thiết, những từ có thể thay thế được: rất = biak, nghĩ = xanưng, ví dụ = pagap, điệu [múa] = ragam, câu hỏi của Ysa = Ysa tanhi, dân tộc = paran, bởi vì = kayua, về vấn đề này = bha bruk ni… (phát biểu của LQS ít nhiều cũng phạm lỗi này, dù tôi biết các bạn đã cố gắng). Thứ hai, để các bạn Cham làm quen với từ “khó”, ta có thể dùng đồng thời trong câu cả hai tiếng Cham và Việt. Ví dụ: “Khol ita cần khik ilimo paran cần bảo tồn văn hóa dân tộc” [lặp lại], hay nói tiếp: “Khol ita cần khik ilimo paran Yua habar cần bảo tồn văn hóa dân tộc?” câu văn sẽ trở nên linh hoạt hơn. Cuối cùng, “diễn giả” cũng lưu ý chuẩn về cách phát âm, ví dụ: blak nao = biak nao (thật ra)…
Góp ý thêm về kĩ năng và kĩ thuật:
Để tăng tính hấp dẫn, CML chớ độc thoại, mà nên có người trao đổi qua lại, trao đổi này cần đến các câu hỏi mang tính phản biện.
Thêm ảnh minh họa, bởi hình ảnh làm cho cuộc nói chuyện sinh động và phong phú hơn, qua đó người nghe dễ nhớ và liên tưởng hơn.
Sử dụng ngôn ngữ thân thể cũng cần tính đến. Cử chỉ tay, ánh mắt, và cả tư thế; diễn giả không cần thiết ngồi từ đầu đến cuối.
Nữa, mỗi video clip kéo dài từ 15-20 phút, là tốt nhất.
II. VÀI GỢI MỞ
Nói về Quyền Bản địa thì rộng quá, nhấn về những gì quần chúng dễ thấy nhất, dễ so sánh và nhận biết ngay có lẽ hiệu quả hơn. Ở đây tôi chỉ gợi ý mấy điều cụ thể với vài điểm nhấn: CHAM ĐƯỢC/ MẤT GÌ SAU & TRƯỚC 1975:
1. Về chính trị
QUẬN: Trước 75, Cham có quận, và quận trưởng là Cham. Ở đó Cham tự quản [không phải tự trị], điều hành và xử lí hầu hết vấn đề phát sinh trong cộng đồng. Đây là điều vô cùng quan yếu, quyết định đến mọi lĩnh vực khác trong cộng đồng Cham. Cộng đồng ổn định, đất nước được nhờ. Sau 75: đơn vị hành chính này biến mất.
TY: Trước 75, Cham có Ty Phát triển Sắc tộc hỗ trợ rất nhiều việc liên quan trực tiếp đến đời sống bà con Cham. Sau 74, các tỉnh đều có Ban Dân vận [trước đó Ban Dân tộc], thế nhưng Ban này làm gì/ làm được gì hầu như rất ít Cham biết.
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI. Trước 75, Lưỡng viện đều có đại biểu Cham. Đáng nói nhất là Dân biểu Cham do Cham bầu lên và có tiếng nói nhất định. Sau 75, Cham cũng có đại biểu của mình, nhưng do cơ chế Đảng cử dân bầu, nên hầu như các Đại biểu Quốc hội những nhiệm kì qua hoàn toàn vô tăm tích, nếu không muốn nói là bù nhìn.
2. Về Kinh tế, Văn hóa & Xã hội
LÀM ĐƯỢC & LẤY MẤT
Ở lĩnh vực này Nhà nước hiện nay đã làm được vài điều mà trước 75 chưa làm được, hay làm chưa lớn bằng.
– Văn nghệ Cham trước 75 còn rải rác và nghiệp dư; sau 75, ở Ninh Thuận và Bình Thuận đều có Đoàn Văn nghệ Dân gian Cham hoạt động hiệu quả, là điều cần ghi nhận.
– Tổ chức Ngày hội Văn hóa Dân tộc Cham là tốt, tuy nhiên đa phần mang tính “vĩ mô” thành hình thức, từ đó tác động hay ảnh hưởng của nó đến quần chúng rất khiêm tốn, không xứng với đồng tiền bỏ ra.
– Phát triển ngôn ngữ là chuyện sau 75 làm tốt hơn trước 75 rất nhiều với sự có mặt của Ban Biên soạn sách Chữ Chăm, thế mà không hiểu vì sao Ban này bị “rút phép thông công”, để hôm nay nó gần như mất hút trong Sở Giáo dục & Đào tạo.
– Nhà nước Việt Nam sau 75 xây dựng được 2 làng nghề: Gốm Bàu Trúc và Thổ cẩm Mỹ Nghiệp, là cái được. Cạnh đó, rất nhiều “đất” Cham sở hữu trước 75 bị trưng dụng. Ví dụ cả ngàn mẫu “Đất Văn Lâm” “hiến” cho nông trường bông, sau đó một bộ phận được chuyển mục đích sử dụng làm khu dân cư [bà con Việt] Quán Thẻ, để rồi ở giai đoạn cuối một số quan tham nhảy vào hốt huê chót [vụ này tôi đã nêu trên Inrasara.com, và đã được giải quyết]. Đó là chưa kể đất đai Cham sau 75 đã “thuộc quyền sở hữu của toàn dân” dẫn đến Cham mất “đất” luân lạc các nơi tìm sinh nhai kéo theo vô số hệ lụy sau đó.
LẤY MẤT & KHÔNG LÀM ĐƯỢC
– Trước 75, Cham có Trường Trung học Pô-Klong [đính kèm kí túc xá] do bàn tay Cham dựng lên, và chính Cham điều hành tất tần tật, cực kì bài bản và nề nếp. Trường vừa giữ hồn vía Cham vừa góp phần ổn định xã hội Việt Nam khi đó. Để sau 75 thế hệ học sinh ấy đã góp phần lớn nhân sự cho chế độ hiện tại. Đang ngon trớn thì sau 75, Trường nhiều lần đổi tên, học sinh và giáo viên Cham thưa dần, để sau đó không lâu nó gần như biệt tích trong tâm thức và sinh hoạt Cham: bản sắc không còn, Cham coi như MẤT TRẮNG!
– Trung tâm Văn hóa Cham trước 75, dù nó chỉ do tư nhân [Cha Moussay] lập ra và quản lí, thế mà chỉ qua 5 năm hoạt động, Trung tâm đã làm nhiều việc giá trị, cả về tri thức lẫn thực tiễn. Sau 75, Nhà nước ta dựng lại Trung tâm hoành tráng mang tên tương tự tại đất cũ, và nó đã làm được gì sau non 3 thập niên, thì ai cũng biết rồi: Cham có tiếng, còn miếng thì rất ư lẻ tẻ.
– Tháp Cham [sống], trước 75 đều do Cham tự quản, dù thiếu tổ chức nhưng nó gần gũi và “thuộc” Cham, nó là của Cham. Sau 75, Nhà nước quản lí, tháp được lên đời ngon lành trăm lần hơn, tiếc là rất nhiều chuyện ở đó tạo khoảng cách Cham với chính tháp của ông bà: Xây nhà du lịch phá cảnh quan không gian tháp, nâng bệ tượng phản văn hóa Tháp, đốt nhang ô nhiễm môi trường tháp, [tùy tiện] bán vé cho Cham hành hương đất tháp…
3. Về Giáo dục
– Trước 75, Cham là “sắc tộc thiểu số” [chứ chưa nói dân tộc bản địa] được ưu ái mọi mặt về giáo dục; sau 75: con em Cham phải đóng học phí, còn đâu là ưu tiên? Chớ ưu tiên bằng cách cộng điểm “dân tộc” ở đầu vào, hỏi có cần không? Để rồi nó tác hại ra sao khi ta cho ra lò bác sĩ, giáo viên hạng hai về phục vụ bà con?
– Cham ở vùng sâu vùng xa, vùng “đồng bào dân tộc thiểu số”, cần là cần lớp dự bị, cần là cần sự hỗ trợ về vật chất và điều kiện học tập, chứ đầu vào phải sòng phẳng mới cơ may nâng cao chất lượng đầu ra. Hãy xem giáo viên Cham Trường Pô-Klong xưa: chất lượng và chỉ có chất lượng; ngay giáo viên Việt được tuyển về dạy cho con em Cham ở đây cũng cực kì chất lượng.
– Việc dạy tiếng-chữ Cham trong Trường Tiểu học là tuyệt, cần ghi nhận thành tích ấy sau 75. Nhưng tại sao ta không dạy lịch sử Cham trong nhà trường? Không dạy, thế hệ trẻ Cham sẽ tò mò tìm đọc ở ngoài, lắm khi sai và nhất là Cham nghĩ Nhà nước vẫn chưa thật lòng với mình.
– Văn học Cham là nền văn học phong phú và đặc sắc, tại sao trong Văn học sử Việt Nam đến hôm nay vẫn chưa có một chương về văn học dân tộc này? Sinh viên Cao đẳng, Đại học Cham có biết gì về nền văn học dân tộc mình không?
Còn gì nữa…
____________
Comment
Ysa Cosiem
Còn 1 cái mất mát nữa rất hệ trọng cho vận mệnh của dân tộc Chăm. Đó là người Chàm mất quyền “Miễn Dịch”. Trước 1975, tất cả các sắc tộc Thiểu Số của chính quyền VNCH đều được Miễn Dịch vì lý do nhân đạo. Để bảo tồn sự hiện hữu của các sắc dân Thiểu Số, bộ Quốc Phòng VNCH đã ra sắc lệnh Miễn Dịch cho họ vì lý do nhân đạo.
Dân tộc Chăm vừa là dân tộc bản địa mà cũng vừa là dân tộc thiểu số với dân số chưa tới 180 ngàn người già trẻ trai gái tính chung. Con số này quá ít ỏi so với dân số trên mấy chục triệu của dân tộc Kinh. Thế nên dưới chế độ VNCH cho dù lúc ấy chiến tranh xảy ra hằng ngày, chính quyền đã không động viên các thanh niên sắc tộc bản địa, và cũng không bắt họ phải thi hành Nghĩa Vụ Quân Sự 1 tháng hay 2 năm gì cả.
Từ trong nước, tôi nghe nhiều người Chăm than phiền là gần 10 năm đổ lại đây, chính quyền đã bắt buộc con em Chăm của họ phải đi Nghĩa Vụ Quân Sự (NVQS) trong 2 năm. Đi NVQS để làm gì nếu không phải là sẽ đưa họ vào lính khi có lệnh Tổng động viên. Đây mới là mất mát to lớn cho người Chăm hôm nay so với thời kỳ trước 75.
Lưu Quang Sang
Riêng bài nói chuyện của CML với ý chính là so sánh chính sách của nhà nước VN qua 2 thời kỳ: trước và sau 75 không rõ ràng cái nào của VNCH cái nào của CHXHCNVN. Phần nhận xét về CML rất chính xác cả ưu và khuyết.
Tôi chỉ bổ túc vài điểm:
-VNCH: Quốc hội thực sự nắm quyền lập pháp na ná như Quốc hội Hoa kỳ. Dân biểu, Nghị sĩ có thực quyền. Ngoài Quốc hội, VNCH còn có Hội đồng Sắc tộc Trung ương do Phó Tổng Thống làm Chủ tịch theo hiến định. HĐSTTU hoạch định chính sách sắc tộc đưa qua Hành pháp thi hành.
– Các Ty Sắc tộc địa phương gồm thêm lực lượng Trường sơn (quân sự) trực thuộc quyền điều động của Bộ PTST, chỉ đi hàng ngang với tỉnh nên Trưởng Ty có khá nhiều quyền hành. Ngân sách Bộ PTST hàng năm khá dồi dào nên đã giúp địa phương sắc tộc rất nhiều về mọi mặt (kinh tế, văn hoá, xã hội).
– Thời VNCH chưa có khái niệm dân tộc bản địa. Chính sách VNCH là nâng đỡ dân tộc thiểu số mang lại cho các dân tộc trong đó có Cham nhiều quyền lợi thiết thực.