Thiên Sầu: Đôi lời với cô Chế Mỹ Lan và các bạn Chăm

Lời BBT.

Sáng nay 24-6, web Inrasara.com xuất hiện đến 12 “phản hồi”, trong đó chỉ có 2 độc giả tôi biết là Thiên Sầu (tôi gặp ngoài đời 2 lần) và “.daovan” (tôi chưa gặp, nhưng là khách quen có phản hồi vài lần trên web này). Tôi thành thật xin lỗi bạn đọc về việc không cho hiện lên, ngoài bài “phản hồi” dài của Thiên Sầu được tôi đưa lên thành entry. Lí do như sau:

– Các phản hồi không có ý mới.

– Vài độc giả không giữ được bình tĩnh, nguy cơ sa vào cãi vã hay lạc đề.

– Chỉ duy nhất phản hồi của Thiên Sầu mở ra hướng mới. Đoạn kết làm nên sự gợi mở đó.

Tôi lại phải khen ông Sara lần nữa, vì ông đã dám chấp nhận sẽ có hiểu lầm hay trách hờn ở cô Chế Mỹ Lan. Nhưng vì một sự tiến bộ cho cộng đồng Chăm, ông vứt bỏ cái tình riêng để hướng đến một thứ lớn hơn. Đừng chỉ vì được một lời khen nhưng chúng ta không thể nào thoát ra khỏi cái tâm tưởng của người chưa trưởng thành.”.

Nhưng trước hết, để tránh vài hiều lầm không đáng có, xin phép bà con – anh chị em cho tôi có vài đính chính. Hôm qua tôi vừa viết bức thư dài cho một người bạn. Thư được forward đến CML. Tôi cũng có thư khác đến CML để giải thích vài khúc mắc nội bộ anh chị em. Tôi có gợi ý hai bạn đưa thư lên web cho bà con tường tận, nhưng người bạn [thâm tình] ấy trả lời nguyên văn “thôi chuyện anh em chúng mình thôi, Sara ạ”, nên tôi xin miễn.

Để dành đất cho Thiên Sầu, tôi xin nói lại rất ngắn để trả lời phản hồi không đăng (trong đó có nhiều lời lẽ không hay lắm).

1. Ngoài lề:

– Về nickname, hơn 20 người phản hồi về chủ đề này, tôi chỉ biết tên thật có 5 người là YC, Người Khách, Hán Dương Phú, Jaya K. và Cobewê; còn lại đều không. Như vậy, web này không ngại đăng phản hồi “nặc danh”, miễn là có ý (dù thuận hay ngược).

– Tôi vẫn chấp nhận ý ngược lại hay chê tôi (ví dụ mới nhất: độc giả “vinh” trong bài “Inrasara, Akhar thrah, và…”, hay độc giả Amaklinh, chứ không chỉ đăng lên nhưng lời ngợi ca mình.

2. Inrasara không được CML mời viết giới thiệu tập thơ, nên tự ái.

– Tôi không hiểu bạn này nói gì. Nguyên tắc mà tôi từng tuyên bố với văn giới là: không viết giới thiệu bất cứ tác giả nào lần hai. Tôi đã giới thiệu CML một lần rồi, nên nếu có mời tôi cũng áp dụng nguyên tắc đó. Viết là viết giúp, để độc giả làm quen với một tác giả mới. Tôi đã viết giới thiệu cho khoảng 30 tập thơ (vô tư và vô vị lợi), ở đó tôi áp dụng nguyên tắc thứ hai: không khen, không chê mà, gợi mở cho độc giả đi vào chính tác phẩm đó.

3. CML mời TT Unesco đứng ra in ấn và tổ chức ra mắt sách cho mình khiến Inrasara nổi giận.

– Về TT Unesco, tôi không dám ý kiến. Vì tôi không biết TT này có tổ chức ra mắt sách cho CML hay không, in ấn hay tài trợ cũng vậy, tôi không thấy trong sách ghi dòng nào về TT này.

– Riêng tôi, về phần cá nhân, lần vừa qua tổ chức cho KM, là đầu tiên. Ở đó tất cả đều được, dù không ai có lợi lộc về tài chính. Buổi ra mắt rẻ, chuyên nghiệp, và rất vui. Về chung, chỉ tính ở Sài Gòn, 8 lần tôi chủ trì Bàn tròn Văn chương cho Hội Nhà văn Việt Nam: hấp dẫn, chuyên nghiệp và cũng không công.

– Thường thì tổ chức sự kiện văn học, người ta đề nghị. 5-7 lần, tôi chỉ nhận 1 lần. Vào năm Đồng Chuông Tử và Tuệ Nguyên vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt khá xôm tụ lúc đó, Ban Tổ chức mời tôi làm MC (có thù lao), tôi từ chối. Vì tôi biết mình tật ứng xử công bằng và thẳng. Phê hai cháu trên diễn đàn là điều không nên, còn khen thì dễ bị thiên hạ (toàn người Kinh) cho là mèo khen mèo dài đuôi. Tốt hơn cả là – tránh.

4. Inrasara biết Amasaty là VM, nên đăng bài ông Nguyễn cho bõ ghét chơi.

– Đây là nhận định sai nhất. Sai về nguyên tắc: độc giả Nguyễn chỉ viết về Amasaty chứ không viết về tác giả nào khác, bởi bên dưới Amasaty không thêm một chú thích nào. Còn lại ta đoán mò, đều sai.

Sai về tình, nếu biết trước Amasaty là VM, thì tôi sẽ xin lỗi ông Nguyễn, và KHÔNG đăng. 6 năm qua, bạn đọc thấy tôi tránh tối đa va chạm với anh em Chăm thế nào rồi. Web này cũng đã nhận rất nhiều bài viết (chính danh lẫn nickname) chống lại VM, PD, TP… Những người Chăm uy tín viết chống “đối thủ” của tôi, tôi đăng lên không đáng hơn sao, tại sao lại đi làm chuyện dấm dúi nhỉ. Vậy mà, tôi đều nói lời xin lỗi tất cả: không đăng.

Xin nói thêm là: tôi chưa bao giờ coi bất kì sinh thể Chăm nào là đối thủ tôi.

 

Sau đây là nguyên văn phản hồi của Thiên Sầu. Tên bài do BBT đặt.

 

*

Phàm ở đời được khen thích hơn là bị chê. Và một khi bị chê, người ta thường lôi ra tất cả các thứ để bạo biện, biện minh để cốt làm sao phủ nhận những lập luận của người chê mình. Trong trường hợp ông Nguyễn (nào đó) chê lời giới thiệu của Amasaty (cũng nào đó) trong tập thơ Dấu chân về nguồn cũng như vậy.

Tôi đọc bài của ông Nguyễn trên website của Inrasara, nhưng chẳng biết tập thơ DCVN ấy như thế nào, rồi lời giới thiệu ra sao, bèn tìm kiếm trên google thì cho ra link sau:

http://chamunesco.com/index.php?option=com_content&view=article&id=230:tho-dau-chan-ve-nguon&catid=53:tho&Itemid=133

Vì chưa đọc được tập thơ, nên thông qua một số bạn bè, rồi cũng có được nó, nhưng chỉ là bản thảo. Đó cũng là điều quý hóa lắm. Nhưng ở đây, trong bài viết này, tôi không nói về tập thơ. Vì nó không nằm trong phạm vi trao đổi. Và tôi thấy bài viết của ông Nguyễn cũng ko đi sâu vào việc phê bình hay chỉ trích tập thơ của Chế Mỹ Lan, mà nặng về việc phê phán lối giới thiệu của Amasaty.

Quả thực, khi nhìn những tấm hình là bìa trước, sau của tập thơ quả là đúng như ông Nguyễn nói “Nhìn thấy bìa cũng chán rồi. Loại chữ in tên tập thơ quê mùa chết đi được” nhưng có lẽ ông đã nặng lời khi nói “Chả khác mấy chú bác tôi ở câu lạc bộ phường xã ở quê” vì đó có thể xúc phạm những “chú bác ở CLB phường xã”. Vì ở tôi biết được, có những CLB phường xã còn cho ra bìa đẹp hơn như vậy. Người đứng ra thiết kế chắc hẳn là một tay nghiệp dư. Còn người giới thiệu cũng là tay nghiệp dư nốt. Đương nhiên, người nào chỉnh sửa bản thảo rồi đồng ý cho in cũng là dạng nghiệp dư chẳng ra gì luôn. Vì khi nhìn vào bìa, chúng ta chẳng thấy cái chất thơ ở trong đó. Nó nặng một màu cải lương, rất sến theo kiểu của phường chèo.

Tôi phải phê bình cô Chế Mỹ Lan, vì rằng cô đã từng cho ra đời ít nhất là một tập thơ, vậy tại sao cô không nhờ những người cùng giới thơ phú, có kinh nghiệm trong in ấn, giới thiệu để làm cho tập thơ lần này? Đằng này cô lại đi nhờ một tay nghiệp dư, chẳng có chút văn thơ gì để giới thiệu tập thơ của mình. Nó cho thấy, dường như cô đã có sự cả nể mà phó mặc cho đứa con tinh thần của mình vào tay người khác.

Đọc lời giới thiệu của Amasaty và bài chỉ trích của Nguyễn, tôi phải công nhận tay Nguyễn ấy là một người tinh tường. Ông đã chỉ ra những cái vớ vẩn trong lời giới thiệu quá tầm thường ấy. Từ việc một nhân vật chẳng biết là ai như Amasaty, đến cả việc chẳng chịu đọc kỹ bản thảo thông qua sự nhầm lẫn về ““không phải thơ lục bát mà là thể thơ tự do không câu nệ số từ trong câu, đa số là thơ tứ tuyệt không gieo vần”. Rồi đến cả “Tôi thấy cả tập tuyệt đối không có thơ tứ tuyệt, vậy mà nhân vật này phán như thánh: “đa số là thơ tứ tuyệt”).

Tôi không quan trọng chuyện ông Nguyễn là ai, ông Amasaty là ông nào, cho dù quả thực một người chỉ ra những cái lỗi trong lời giới thiệu, hay sự ngớ ngẩn của ông/ bà Amasaty nào đó rất đáng để tôi tìm hiểu, đặng còn có sự đánh giá đúng về tầm hiểu biết của người ấy. Nhưng, trong comment này, tôi chỉ dừng lại ở việc, cả hai ông ấy đều nặc danh.

Qua việc đọc 2 bài trên website Inrasara tôi chợt nhớ đến câu của Tuân Tử “ Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ là kẻ thù của ta vậy”. Cô Chế Mỹ Lan hay ông Amasaty khoan phùng mang, trợn má để cố gắng bạo biện cho cái dở của mình. Hãy chấp nhận thực tế, để rồi qua đó còn rút ra được thiếu sót đặng còn hoàn thiện cho lần sau thay vì giận dỗi hay cố gắng ngụy biện lấp liếm.

Thông thường, khi một cuốn sách được in ra, nhà xuất bản thường mở một chiến dịch PR rầm rộ để cốt làm sao bán cho được cuốn sách của mình. Đương nhiên, việc PR đó không ngoại trừ cả những lời chê bai. Vì cái cốt làm sao kích thích sự hiếu kỳ của độc giả để tìm đến cuốn sách. Cách đây không lâu, cuốn sách Sợi xích của Lê Kiều Như là một ví dụ. Trong trường hợp Dấu chân về nguồn cũng không nằm ngoài phạm vi đó. Nhiều lời khen, lời chê thì tập thơ của cô sẽ được đông đảo độc giả chú ý, tìm đến nó hơn thay vì cô đem cả một đống mang về bỏ trong nhà rồi biếu tặng dần dần mà chẳng biết có ai thèm đọc hay không.

Tôi phải khen ngợi ông Inrasara, quả thực ông đã có can đảm khi đưa bài chỉ trích của ông Nguyễn lên trên website của mình, bất chấp việc ông và cô Chế Mỹ Lan là chỗ thâm tình. Vì điều đó là cần thiết. Nó cần thiết cho học thuật, nó cần thiết cho những người sau nhìn ra những sai sót hòng còn rút tỉa kinh nghiệm, thay vì như một độc giả nào đó nói “đóng cửa dạy nhau” chỉ vì sợ người Kinh chê cười. Người trưởng thành là người dám thẳng thừng đối diện với những yếu kém của mình. Chấp nhận tất cả những lời chê bai (mà chê đúng) của kẻ khác. Vì nếu chúng ta chỉ biết chấp nhận những lời khen, thì liệu chăng chúng ta khác nào những đứa trẻ chưa được khai sáng? Tôi lại phải khen ông Sara lần nữa, vì ông đã dám chấp nhận sẽ có hiểu lầm hay trách hờn ở cô Chế Mỹ Lan. Nhưng vì một sự tiến bộ cho cộng đồng Chăm, ông vứt bỏ cái tình riêng để hướng đến một thứ lớn hơn. Đừng chỉ vì được một lời khen nhưng chúng ta không thể nào thoát ra khỏi cái tâm tưởng của người chưa trưởng thành. Cần phải chấp nhận và chấp nhận nhiều hơn nữa những lời chê. Vì nó sẽ giúp cho chúng ta rút tỉa nhiều hơn những kinh nghiệm cho tương lai.

 

8 thoughts on “Thiên Sầu: Đôi lời với cô Chế Mỹ Lan và các bạn Chăm

  1. Đây là phản hồi tốt nhất và thuyết phục nhất về đề tài này. Nhà thơ Inrasara muốn đóng lại phản hồi thì rất uổng. Thiên Sầu phân tách không thua kém gì Inrasara. Nếu nhà thơ viết thì người ta dễ cho là anh bao biện, còn đây là độc giả viết. Tôi có biết anh Thiên Sầu… Tôi muốn nói thêm.

    1/- Thơ không chỉ là nội dung, mà là nghệ thuật. Nội dung thơ CML thì hay lắm: yêu dân, thương nòi… là điều ai cũng viết được. Điều chính là viết như thế nào. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ như thế nào. Còn bảo vì CML là người Chăm viết tiếng Việt, cho nên chưa có nghệ thuật lắm là không đúng. Anh viết tiếng Việt thì phải mang thơ tiếng Việt ra so sánh, phải đọ sức với người Việt.
    Tôi nghe kể hôm ra mắt sách Đồng Chuông Tử và Tuệ Nguyên, chính nhà thơ Ý Nhi trong Ban giám khảo nói là, trước khi quyết định cho 2 tác giả này vào chung khảo, chúng tôi không biết họ là người Chăm.
    Buổi ra mắt thơ Kiều Maily, nhà thơ Phan Hoàng phát biểu nguyên văn do Inrasara đăng lại: “Nếu che tên tác giả và các tiếng Chăm được dùng trong tập thơ, thì khó mà biết đây là thơ của người nữ Chăm. Đó thuộc thơ hiện đại.”
    Trong văn học nghệ thuật, không có chuyện châm chế sắc tộc. Nếu làm như vậy là coi thương dân tộc thiểu số.

    2/- Tôi nhận xét nhà thơ Inrasara rất sòng phẳng và công bằng, anh công bằng một cách đáng chê trách. Tôi dẫn chứng 2 còm mới:
    VINH: “Nhắc nữa vô tình Champaka cho Inrasara là chảnh chọe ta đây cao siêu, phiền lòng nhau. Nên tôi thấy Inrasara chưa sáng và tỉnh lắm trong vấn đề này.”
    AMAKLINH: “Inrasara chỉ đánh bóng vai trò (cái bóng) của Sara mà thôi. Đừng tự đốt nhà mình để lòi mặt chuột cho thiên hạ xem.”
    Dùng lời lẽ nặng như vậy mà anh vẫn đưa lên, cho nên tôi mới nói công bằng một cách đáng chê trách.

    Thế nhưng chính điều đó mà mạng này mới đáng đọc.
    Tôi hoan hô tinh thần nhà thơ Inrasara, càng hoan hô bài của anh Thiên sầu.

  2. Tôi chưa thấy nhà thơ nào bị dân tộc mình hiểu lầm như nhà thơ Inrasara. Rất tội nghiệp anh. Tôi nghĩ dại, nếu anh sinh ra ở Đức thì hay biết bao!
    Tôi đã in 3 tập thơ, cũng được báo chí biết đến. Vậy mà in tập thứ tư, tôi gửi bán thảo nhờ nhà thơ Inrasara viết cho mấy lời, đợi cả tháng mà chưa được. Nếu được, tôi mừng húm! (nói nhỏ anh Inrasara đừng cười).
    Còn các bạn nghĩ ngược đời… Rồi mất công anh Inrasara giải thích…
    Bạn tôi sống ở Hòa Lan, được Inrasara viết cho một trang in ở bìa đầu, mà cứ nức nở. Các bạn người Chăm của tôi chưa hiểu nhà thơ dân tộc mình đâu.

  3. Đây là trang Web của Cei Sara, nên mỗi sự comment có thể cei Sara biết và cũng có thể cei Sara lấy nick khác tự comment để tự minh định những gì đang xẩy ra.
    Nếu đã làm Văn Hoá rồi thì chúng ta phải làm từ đấy lòng.
    Trân trọng
    * Inrasara viết thêm:
    Đúng ra là như thế này:
    1. Đây là web cá nhân, để. 1. Đăng bài Inrasara, 2. Đăng bài tác giả Chăm, 3. Đăng bài tác giả ngoài Chăm có liên quan tới Chăm.

    2. Web có rất nhiều người viết còm, có 3 trường hợp: Tôi biết người viết ngay từ đầu, ví dụ Hán Dương Phú. Người viết đã lâu, mãi sau tôi mới biết, như Ikan Di Ram. Người viết mà tôi chưa biết là ai: Đàng Trinh. Đó chỉ là ví dụ điển hình.

    3. Inrasara không dùng nick để tự viết còm. Nếu có vấn đề gì cần giải minh, tôi trực tiếp với độc giả qua bài viết, qua còm kí tên Sara, hay bằng thư riêng.

    4. Các phản hồi, khi thì tôi OK được, nhiều lúc tôi phải chép lại. Chép lại, tôi vẫn giữ đúng nguyên văn; khi biên tập, vẫn giữ đúng ý người viết còm.

    5. Quy ước viết còm đã ghi trong Quy ước (có thể nhiều người chưa đọc): Các còm lặp lại hay chưa có ý mới, thì tạm không đăng lên. Các còm khen thì có thể không dẫn chứng (để khuyến khích tác giả), còn chê thì phải dẫn chứng cụ thể.

    Mong bạn đọc nhớ cho.
    Thân mến

  4. Có câu hỏi nữa cháu nghe được, xin hỏi cei Sara: Có người nói cei đưa vấn đề này ra là để làm nổi bật vai trò cei? Chỉ muốn tôn cái tôi mình mà thôi.
    Cei trả lời cho cháu nhé.
    Kính

  5. Anh HDPhú viết lạc đề sao nhà văn Inrasara đưa lên nhỉ?
    Tôi biết Thiên Sầu hay ký tên Tào Lao, anh ta ở Camranh, người Kinh. Địa chỉ rõ rệt. Anh ta cũng viết rất rõ rệt. Vậy anh ta có nói gì sai, thì bạn đọc người Chăm ta hay HDPhú hãy viết trao đổi lại đi, đúng hay sai là mọi người biết liền, sao cứ viết lan man ra ngoài chủ đề.
    Có điều nữa, nhà văn Inrasara có chính kiến rõ rêt mà sao ta cứ nghi ngờ này nọ nhỉ? Nhiều comment nhà văn vẫn cho hiện cho dù ý kiến không có lợi cho mình. Các bạn Chăm ta còn đòi gì nữa nhỉ. Hay các bạn hãy viết một bài thật hay để bác lại ông Nguyễn hay Thiên Sầu đi, tôi tin là nhà văn Inrasara không từ chối đăng.
    Đua karun.

  6. @Cobewê
    Cobewê quý mến!
    Đây là câu hỏi vô cùng khó, vì thật lòng cei không biết trả lời thế nào cho trót cả. Thôi thì cháu đã hỏi, cei mạo muội đây.
    – Đây là web cá nhân cei, lẽ nào cei tự đánh bóng trên web mình? Nếu muốn, cei “nổ” ở chỗ khác không hay hơn sao? Còn nếu ai nghĩ vậy, thì họ tắt, không đọc web này nữa, phải không. Họ đọc, khi còn thấy nó có ích lợi nào đó.
    – Cei cũng biết có người nói cei đặt nick viết còm tự khen mình. Cháu nghĩ coi, người khác khen cei trên báo khác, không đáng hơn sao? Lời khen thiên hạ dành cho cei thì không kể xiết, trên đủ loại thông tin đại chúng, toàn những lời có cánh cả – không đủ sao, tại sao lại phải khen mình, lại khen ở mấy cái còm?!
    – Nói vậy thì có thể bị bắt bẻ, cụ thể đây, cháu nha. Làm việc ở BBS 4 năm, cei chưa nhận “Giấy khen” nào. Tất cả ở đó đều được, riêng cei thì – xin dành cho mọi người. Làm việc ở ĐH 6 năm, cei cũng không có được bằng khen, trong khi cei là tổ trưởng Biên soạn Từ điển! Truyền hình mời cei, 10 bận cei chỉ nhận 4-5. Nếu thích đánh bóng, cei nhận tất chứ, phải không?
    – Tình thật với cháu, cei không có đối thủ trong xã hội Chăm mình. Đúng hơn, cei không hề muốn có một đối thủ nào ở đó (nghĩ tốt). Có vài bạn trẻ ước mơ [và nói] sẽ vượt qua Inrasara. Tốt lắm. Nhưng cei từ nhỏ chỉ muốn vượt Dostoievski.
    – Từ Tagalau 8, cei tìm người để bàn giao, nay được rồi, coi như tự làm mất cơ hội đánh bóng mình. Nếu muốn, cei vẫn cứ bám trụ chứ, phải không?
    – Chẳng thú vị gì cả, khi phải trả lời phản hồi của bạn đọc, đủ thành phần bạn đọc. Mất thì giờ lắm, cháu à. Mỗi ngày cei nhận bao nhiêu là thư, về đủ thứ chuyện. Cei cảm ơn bà con đã tin cei. Web này cũng vậy, nhận bao nhiêu phản hồi. Cei tính sẽ cho ngưng một ngày nào đó. Đánh mất luôn cơ hội cuối cùng để đánh bóng mình. Ngưng để làm chuyện khác. Như cei đã dự tính, 2014, cei về quê, xa rời vĩnh viễn xã hội Chăm. Chỉ để kể chuyện Chăm cho thế giới mai sau. Còn hiện tại, cei muốn rời xa vĩnh viễn.
    Buồn lắm phải không, cháu yêu!

  7. Tôi đã tuyên bố đóng “phản hồi”, thế mà sau đó có đến 9 bạn tham gia viết còm. Sự nhiệt tình của các bạn khiến tôi vô cùng bối rối. Đăng lên thì tự mình mâu thuẫn, không đăng thì có lỗi với bạn đọc. Thôi thì các bạn cho phép tôi tóm tắt ý chính nhé. Rồi chúng ta chuyển đề tài.
    Thiên Sầu hỏi: tại sao bài đăng lên chưa đầy 24 tiếng mà anh đóng phản hồi?
    .daovan: Lần đầu trách: Sao không đăng phản hồi của mình. Sau đó: Chuyện thơ không đáng đâu, cho qua đi.
    Jalo_panrang phản hồi vừa dài, vừa đúng tâm lí: Không may cho CML là xuất hiện không đúng thời điểm.
    Hán Dương Phú nhắn bạn Jalo Jalai uống cà phê để trao đổi tiếp về chuyện lạc đề.
    Đàng Trinh nhắn HDP là anh đang làm việc ở Phan Rang, người có lai lịch rõ ràng, chứ không phải là một nick “nặc danh”.
    – Bạn đọc KKK, Phú Vân, Jalo Jalai đồng ý với Inrasara đóng mục phản hồi về chủ đề này.
    Như vậy cũng đủ biết, dù kí nickname, không ai là nặc danh giấu mặt cả!
    Lần nữa, đua karun bà con và bạn đọc.
    Thuk siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *