Inrasara: Nhận diện 6 khuôn mặt thơ Cham 6: Kiều Maily, từ hoang mang Giữa hai khoảng trống đến bước nhảy khẳng định nữ quyền

2013-9-SachHay01

* Kiều Maily & tác giả ở Thính phòng REX – Buổi lễ trao Giải thưởng Sách Hay 2013.

Tagalau 14, 2013

Tập thơ Giữa hai khoảng trống của Kiều Maily được NXB Thanh Niên ấn hành tháng 6-2013, là sự kiện lạ. Lạ trước nhất là, mới xuất hiện mà đã xuất hiện khá dày trên các báo và tạp chí chuyên ngành. Từ Văn nghệ Quân đội, Sông Hương đến Văn hóa Dân tộc; từ Văn nghệ trẻ, Tiền Phong chủ nhật, Văn nghệ TPHCM cho đến Tuổi trẻ Chủ nhật… Lạ khác là, sau chưa đầy nửa năm, cô gái Chăm đã cho ra đời một tập thơ. Lạ nữa, tập thơ được Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống tài trợ toàn phần. Đây là điều hiếm. Rồi ca sĩ kiêm nhạc sĩ Chế Linh, sau khi đọc bản thảo, đã không ngần ngại ủng hộ thi phẩm ra đời. Điều nữa không thể không nói, là tập thơ được trình bày trang nhã, bắt mắt. Có thể nói, lạ và đẹp.
Giữa hai khoảng trống của Kiều Maily có gì lạ?
Tập thơ được phân làm ba phần, hai phần “Phố và Quê”, “Anh và Em” nói lên sự mắc kẹt của Kiều Maily. Mắc kẹt, nên “Ước” được “Nhảy”. “Ước”, còn có thể “nhảy” được không, thì chúng ta không biết được. Nhà thơ cũng không biết được. Nhưng hưỡn đã, hãy xem Maily đã mắc kẹt thế nào?
Maily thuộc thế hệ @, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình TP Hồ Chí Minh, có blog riêng, và chơi facebook. Sinh ra và lớn lên ở làng quê Chăm – Phan Rang đất nắng; học và làm việc tại Sài Gòn vốn được coi là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Ra trường, Maily mắc kẹt. Hãy nghe tác giả trẻ này bộc bạch:
Tôi sinh ra và lớn lên ở quê. Học và đang làm việc ở phố. Cách biệt giữa hai môi trường tự nhiên [phố và quê] và văn hóa [Chăm và Việt] là rất lớn. Điều đó nảy ra câu hỏi: làm sao có thể hội nhập mà vẫn giữ được cái riêng. Chuyện tình đôi lứa cũng vậy, làm sao hai nửa hoàn toàn xa lạ có thể hiểu và cảm thông nhau? Câu hỏi tạo nên sự lo âu, xao xuyến”. (phát biểu trong buổi Ra mắt tập thơ, 16-6-2013, Inrasara.com). Xao xuyến tạo khoảng trống bấp bênh, mơ hồ. Khác với các nhà thơ dân tộc thiểu số ở miền Bắc, ở đó sự thể luôn hiện ra cụ thể, thực và rõ ràng; Kiều Maily ngược lại: hoang mang và mơ hồ. Nửa thực, nửa hư:
Có khi con gió mùa tình cờ thổi qua bụi ớt
Rồi trôi về đâu, không biết
Có khi bóng ai như bóng cha vừa đi qua
Vào giấc loài dế mun mất nhà gáy buồn từ kẹt cửa
Có khi em chợt quên bẵng khuôn mặt anh
… Có khi bất chợt em quên rất nhiều khuôn mặt.
Nơi phố thị xa quê nhà đã vậy, ngay khi ở quê, Kiều Maily vẫn cứ mơ mơ màng màng, luôn bấp bênh, hụt hẫng:
… có lẽ Ramưwan đến hơi chậm
và đi hơi sớm
Người chưa kịp về đã muộn
em chưa xong đợi đã mãn chay
đôi khi bóng ai như bóng anh giữa Sang Mưgik
Và lạ, dù khi khắc họa hình ảnh quê hương, các hình ảnh kia cũng xuất hiện như đang dưới lớp mây mờ của hồi tưởng, không thực.
Trên lưng bò còn vương mấy cọng rạ
lũ dê đã về chuồng
dường nắng Phan Rang vừa tắt

Người mẹ kiên nhẫn mót những nhánh lúa sót lại cuối cùng
khi chiều đã nhuộm thẫm áo chàm
dáng người đi như nhớ
Có khi và đôi khi, dường như hay hồ như… Quên và nhớ, có mà như không, hiện thực với mộng tưởng đan quện vào nhau tạo thế chông chênh dễ vỡ. Dễ vỡ từ “Viên sỏi buồn”, “Một lần và vĩnh viễn” cho đến “Giữa hai nỗi lạ”, “Giữa những khoảng trống”. Mơ hồ và chông chệnh là vậy. Mơ hồ càng làm tăng cường nỗi xao xuyến. Xao xuyến, lo âu về hình ảnh quê hương tuổi dại đã mất không tìm lại được, về cuộc tình đã vời xa hay đang có mặt nhưng muốn vụt mất lúc nào không biết được: “Anh là một vệt sáng buồn/ bước vào đời em làm giông gió”.
Anh dám mang phần số loài cá hồi không?
cùng em, ngược về nguồn cội
tìm nhau
Câu hỏi ráo riết đặt ra trong bài thơ “Mương Đực – Mương Cái”. Người Chăm vốn theo chế độ gia đình mẫu hệ. Thế kỉ thứ XII, cánh đàn ông nổi loạn muốn lật đổ nó, thay bằng chế độ phụ hệ nam quyền. Tình thế cấp bách buộc vua Pô Klong Girai bày ra kế đào mương. Đàn ông mương nam, phụ nữ mương phía bắc. Cánh đàn ông chẳng những bỏ bê công việc mình, mà còn sang bên nớ đào phụ. Đến hẹn, Mương Cái đã xong trong khi Mương Đực dang dở. Chế độ gia đình mẫu hệ Chăm phục hồi trở lại.
Anh dám mang phần số loài cá hồi không? – Kiều Maily đặt câu cho người tình như thế, khi cuộc tình đang ở tình trạng lửng lơ. Chẳng khác gì thuở Pô Klong xa xôi ấy. Em đã dám, còn anh thì sao? Ở bài cuối cùng của tập thơ, Maily càng quyết liệt hơn nữa:
Giữa anh và em là vực thẳm
mấy lần số cát bãi Nam Kương kia không thể lấp đầy

giữa đôi mắt chúng ta là vực thẳm
đắm đuối đến đâu cũng không thể đầy

giữa thân thể chúng ta là vực thẳm
ngàn nụ hôn cũng không thể làm đầy

anh có muốn nhảy không?
Bởi dẫu sao, qua xao xuyến đầy run rẩy và mơ hồ đầy lo âu, sự nhập nhằng giữa hai khoảng trống cùng “cái tôi cũ” cần phải được vượt qua, để làm mới mình. Vượt qua, để làm lại từ đầu. Từ phần một và phần hai chuyển qua phần ba: “Giã từ tôi hôm qua”, để chuẩn bị cho cuộc nhảy táo bạo kia, Kiều Maily hết còn xa xôi với mơ hồ, mà cụ thể và gần. Và một khi cụ thể và gần, thì Kiều Maily gần quá gần – gần đến chua chát. Với ngôn từ thực và hình ảnh thực – thực đến xót xa:
Tin 12 giờ trưa:
gió cấp sáu cấp bảy, giật cấp tám cấp chín
lũ sông Cái trên báo động hai 0,4 mét
trời vừa quang nhưng đang chuyển, vài vùng còn mưa…
Tin 7 giờ chiều:
mưa kéo dài ba giờ liền trên diện rộng
đỉnh lũ trên báo động ba 0,3 mét, 0,5 mét, không phẩy…

Những con số trêu ngươi
những con số thống kê vô hồn
1.137 căn nhà dân bị ngập sâu trong nước,
56 nhà bị sập hoàn toàn…
có kể luôn nhà cái Tem không?
cái Tem đang được mẹ dắt băng qua dòng nước xiết
lối nhỏ hôm qua nó lần đầu đến lớp
trường vừa tốc mái
mái trường mới khai trương tháng trước
tháng trước làng tìm không ra giọt nước nay
bị vây mênh mông nước
đi đâu?

Tin buổi tối: trời tiếp tục mưa
đập Phước Trung bị vỡ
hàng loạt thủy điện xả lũ không đúng phép
lũ về đâu?
Đây là điều lâu nay ít khi “xảy ra” trong thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số. Chúng ta đã từng thấy Jalau Anưk, Tuệ Nguyên với tiếng thơ phản biện xã hội trực diện; đã thấy Trà Vigia cười cay đắng qua thủ pháp giễu nhại hậu hiện đại, tạo nên sự khác biệt cả vực thẳm giữa tiếng thơ của các tác giả Chăm với thơ của các dân tộc thiểu số anh em. Tiếp thu “truyền thống” gần kia, khuôn mặt mới: Kiều Maily tưởng lành, nhưng cũng đã rất khác. Khi riêng, thơ Maily tinh tế và sâu lắng. Chung, nó mang tính đại diện. Từ “Hôm nay và ngàn sau”, khi “Bản trường ca bỏ hoang” đã “tìm thấy”, thi sĩ “Đốt cháy lại giấc mơ”:
không thể trì hoãn lần thứ hai lần thứ ba
là thời đại chúng ta
mà tiếng hát vang lên bây giờ hoặc không bao giờ nữa.
Tôi cho đó là giấc mơ và tiếng hát của thế hệ thơ đang đi tới.
_

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *