ANH ĐẠM TÔI ĐÃ ĐI RỒI…

01-Anh Dam 1970
Anh Phú Đạm vừa đi lúc 23:52 giờ, ngày 8 tháng 2-2016 tại quê nhà.
Anh đã chịu đựng suốt nửa tháng trời, để qua đi: Lễ Nhập Kut của dòng họ Hamu Bhauk – Chakleng, Đám cưới của cháu bên vợ, Ngày trăng hết và ngày Mồng Một lịch Cham [không lành], cuối cùng là Đám hỏi của cháu bên nội buổi chiều cùng ngày.
Khi mọi sự đã thông, anh đi nhẹ nhõm. Vì bà con, vì con cháu đến hơi thở cuối cùng, là vậy.
Dòng cha, tôi có ba ông anh quý mến. Anh Lưu khoảng cách tuổi tác và ít gặp, gặp thì vội vội vàng vàng. Phone từ Mỹ cũng thế: có gì đó cứ như là gấp gáp.
Anh Bộ gần tôi hơn. Thuở hàn vi, tôi đạp xe qua anh mỗi tuần, nói vu vơ vài ba chuyện ruộng rẫy, sách vở. Thế thôi. Tôi coi anh như guru của tôi. Anh mất sớm: 44 tuổi. Tôi có 3 bài thơ về anh.
Anh Đạm anh ruột, nông dân-thi sĩ chính hiệu. Trước, anh có làm thơ tiếng Việt, thấy không tới đâu, chuyển hẳn sang tiếng mẹ đẻ. Rất khá. Nghèo và đạm, như tên của anh. Ở quê, rỗi – tôi sang anh. Anh em ngồi với nhau vài mươi phút, uống li trà, rồi về. Làm dân Sài Gòn, mỗi bận về quê, tôi đều ghé anh. Cũng ngần ấy thời gian cho nhau.
Anh có biết mấy chuyện tranh cãi giữa tôi với Cham, nhưng không một lần nhắc tới. Anh em chỉ có tình cảm và thơ. Anh Đạm lành và hiền hệt cha, ít quan tâm mấy thi phi cuộc người.
Khoản này tôi giống mẹ, ưa cả lo và giúp đời, người. Cạnh đó hay có ý kiến, nên lắm khi bị ghét. Ghét nhưng cần. Mẹ mất, dì Xế khóc: “Ai choa đi rồi lấy ai lo chuyện “Họ” đây”. Lo thì lo được, chứ quán xuyến tầm như mẹ thì chưa có.

Bị K, bệnh viện Sài Gòn cho về. Sau 2 năm chẳn, anh đi.
Cha: thọ 82, mẹ cũng thế; anh mới 62 đã vội đi. Tôi lì hơn, chắc chắn thế, Bà Trời không vội kêu, mà nếu có kêu tôi cũng không vội dạ.
Cầu cho linh hồn anh Đạm an lành về với mek, với cei…

*
Thơ & mấy trích đoạn tiễn anh.

ANH ĐẠM (Sinh nhật cây Xương Rồng, 1997)

Có người thơ tấp tểnh đi buôn
lận lưng ít nắng quê làm vốn
đi, cứ đi phiêu giạt đất trần
chân sạn, buồn đầy, hai tay trắng

Hai mươi năm trở lại xóm thôn
cũ tiếng bò trưa, vầng trăng muộn
mới điệu cười, lạ nhịp sống

Hốt nhiên
chàng úp mặt
khóc oà

HÀNG MÃ KÍ ỨC (2011)
Anh Đạm thì lành hơn. Qua ngoại sống tạm, anh chỉ đòi mỗi “nước uống”! Nước phải có màu đùng đục ia mưbrah như ở Chakleng mới là nước uống, còn lại là nước nấu, không uống. Ở Palau đào đâu ra loại nước đầy chất vôi kia chứ. Mẹ lanh trí, ra sau nhà cho ít nước vo gạo vào, thế là lừa được quý tử.

Trong năm anh chị em, Anh Đạm với tôi gắn bó hơn cả. Có lẽ do hai chúng tôi cùng “trang lứa”. Đồng môn nữa. Đang học, không ai chăn trâu, anh phải ở nhà. Học dở chừng – ở nhà. Có năm anh nghỉ nguyên niên khóa. Nên đến lớp Nhất, anh em ngồi chung lớp. Đào dông hay bẫy chuột, cắm câu hay lưới cá, làm đá dăm, cày thuê, đánh lộn, đốn củi. Đến nỗi cha mẹ mấy láng giềng cứ nhè anh em tôi làm gương [sáng] cho con cái họ: – Tụi bây hãy kaik klai cắn cặc anh em thằng Đạm!
Mẹ thì dạy anh em tôi đi cắn của cặp anh em nhà bên. Mẹ hay dạy chúng tôi như thế. Tục, nhưng hiệu quả. Mẹ không dạy tôi kêu Anh Đạm bằng anh mà cứ la: Hai đứa bây chui ra một ngày hà? Tôi cãi lại: Mẹ không tập cho quen từ nhỏ làm sao mà kêu! Tôi với Anh Đạm cứ kuw hư tao mầy, cho đến khi lên Đệ Thất ở kí túc xá, thằng bạn cùng lớp: – Ủa, anh em mầy kuw hư với nhau à, tôi mới xấu hổ và thế là em tập tánh tốt.
Anh em chưa lúc nào rời nhau. Anh Đạm lành, tôi thì quậy.
Lên Đệ Lục, xuất trại, lắm khi không tiền đi xe lam, anh em cùng cuốc bộ. Chúng tôi thách nhau chạy, quên cả chục cây số đường mòn dọc con mương Nhật. Mẹ lại chơi cắc cớ, xế chiều chủ nhật khi cơm nước xong xuống Phan Rang nhập kí túc xá, bảo hai đứa mang theo sợi dây với cây đòn giấu bụi rậm, để cuối tuần hái rau heo khiêng về. Có hôm chẳng hiểu sao tôi giận anh, không chịu khiêng. Cứ đứng đực đó, anh bảo sao cũng chả nhúc nhích. Anh đặt cây đòn lên vai tôi trước rồi quay ra cho phần đòn sau lên vai mình, tôi vẫn không đi. Anh đẩy tới và anh muốn khóc. Biết anh không dám đánh, tôi càng làm cứng. Đến khi anh chịu nhường phần đòn tôi dài hai thước, phần anh vỏn vẹn năm tấc, tôi mới chịu. Không phải tôi sợ nặng, mà tính tôi ương vậy, rất khó bảo! Phần thiệt luôn về phía anh.
Sau 75, đồng Hamu Pơrya diện “Người cày có ruộng” của gia đình khi xưa bị thu hồi. Nhà bữa đói bữa no. Mùa hè 1976, chạng vạng sáng, mưa. Tôi loáng thoáng nghe cha mẹ bàn ở phòng trong cho anh em tôi thôi học. Hoặc đứa học đứa nghỉ. Mãi mãi. Tôi hoảng lên, lao ra khỏi nhà, chạy vào trời mưa. Tôi không biết mình chạy đến đâu nữa, mãi khi cha tìm thấy và dắt tôi về. Thế là tôi được cha mẹ sắm sửa quần áo sách vở đi học tiếp, còn Anh Đạm thì… được sắm liềm với gióng theo bầu Nghị ra đồng! Với cái giá gặt bèo bọt: Hai kí thóc tươi một ngày! Anh Đạm hiền, nên tôi hay giỡn anh, lâu lâu bị anh cho ăn đòn. Làm Hợp tác xã nông nghiệp, tay bạn thơ Bạch Văn Thanh đùa: “Người ta làm chủ nhiệm xây nhà, ông anh mầy hết nhiệm kì chỉ có nước đi buôn mọi”. Đúng, anh đi buôn thật.

Thôi chủ nhiệm, ai khác còn giữ vẻ quan cách, Anh Đạm vác cày ra đồng ngay sáng hôm sau. Ba bốn năm sau lại được bà con tín nhiệm đề cử chức chủ hay phó thôn nữa. Anh có mạng quan, tôi nói. Làm làng thời buổi này mà khó cái nỗi gì, có mỗi họp hành với kéo nhau đi uống rượu.

Anh chị tôi hưởng cả đức cha lẫn mẹ. Mẹ hay giúp người, một tay gánh vác cả công chuyện chi họ, từ khi bà nội mất. Mẹ mất, dì Xế khóc chị Cả đi rồi còn ai lo chuyện họ hàng nữa đây! Cha thì đến con kiến có cắn cha chỉ đưa tay phủi nhẹ chứ không sát. Trưa, mưa, rắn nước kéo đàn lũ cả mấy chục con bò khỏi hang tìm mồi trong đám ruộng chưa ải. Có con to bằng bắp tay. Tôi với Anh Đạm chơi trò đuổi đá chúng. Thấy vậy cha bảo tụi bây tha cho, chúng cắn chết ai đâu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *