Bá Văn Trinh: Thơ Jalau, mảnh tình xưa để lại

Văn học Chăm hiện đại vô cùng phong phú, đặc sắc, Inrasara có lần nhắc đến tên Jalau qua những bài thơ được đăng trong Panrang, Tuổi ngọc, viết chung với Mai Xuân Tâm, trong tập “Tay xuôi mắt nhắm mơ người”, Jalau được xem như người làm văn nghệ trẻ tài năng, đã từng góp mặt tiên phong trong làng thơ mới, đã để lại nhiều bài thơ đầy cảm xúc. Tôi mạo muội giới thiệu thơ ông, việc làm này như một lời tri ân sâu sắc đối với người yêu thơ, làm thơ “tài cao phận thấp” này. Qua bài này, tôi muốn gửi đến các anh chị, bạn bè cùng thời với Jalau, những người yêu và sống trong chiến tranh, trong hòa bình, một người luôn sẵn sàng đối diện với những gì mà tạo hóa đã ban cho họ. Thơ Jalau viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, nơi ông đang sống. Chúng ta hiểu, cảm thông với ông. Đó chính là một lời động viên, an ủi thầm kín với một người làm thơ đã không còn trên cõi đời này.
Chúng ta nói đến Jalau – tên thật là Trượng Văn Lầu. Chúng ta liền nghĩ ngay đến một số phận, một cuộc đời dang dở. Ông làm thầy dạy học, làm thơ, yêu đời, làm thầy thuốc chữa bệnh cứu người, nhưng cuộc đời lại phụ bạc ông một cách tàn nhẫn. Ông sinh năm 1951, mất năm 2004 tại Hamu Tanran, một làng quê có truyền thống thơ văn nổi tiếng trong vùng, từ thời ông Maduen Jaw, chú ruột Jaya Panrang.
Từ thuở 18 tuổi, ông đã có bài thơ tỏ tình với em :
Cúi xin em một chỗ ngồi
Trong con tim đựng chiếc nôi nồng nàn
(Hạt sương của tôi)
hay lời bộc bạch với cha mẹ :
Mẹ già mái tóc điểm sương
Cha già vai áo gầy hơn thuở nào
(Khi về thăm lại Hậu Sanh)
Nhà thơ Jalau nhận được bằng Tú tài bán, sống với nghề gõ đầu trẻ suốt một thời gian dài, sống chắt chiu với người vợ tảo tần, ông luôn luôn xác định vị trí, vai trò con người ông trong cuộc đời mặc dù ông chưa khắc họa ra được chân dung mình trong thơ thật rõ nét. Tuy nhiên, trong cách nhìn về tình yêu, Jalau đã diễn tả trọn vẹn những gì mà ông đã cảm nhận được.
Thiết nghĩ, qua sự tìm hiểu mảy, may này chúng ta hiểu được một phần tâm trạng của ông.
Jalau và thơ tình lãng mạn
Ông là một con người luôn thành khẩn với mình, rộng mở nhưng hơi mặc cảm. Còn để lại ấn tượng nhất trong lòng người đọc là bài “Mảnh tình xưa”, bài thơ đã được bạn bè, giáo giới phổ nhạc và hát nhiều vào những năm 1970 – 1975. Đến nay, bài thơ vẫn còn nguyên âm vang buồn, thánh thót, ngọt ngào. Ta có thể đặt câu hỏi thơ tình Jalau lãng mạn đến đâu? Để ý điều đó, chúng ta sẽ đến gần thơ ông hơn. Nhìn thoáng qua, ta thấy thơ Jalau mộc mạc, chân thật mà lãng mạn đến nhường nào:
Mai anh không về thăm Phan Rí
Dù cô em tựa cửa mỏi mòn
Ngày lại ngày đón từng hiu hắt
Như đợi chờ từng chuyến đò sang
(Tạ lỗi)
Nhưng văn chương đâu ngờ chỉ có nỗ lực đơn phương mà nó còn được đáp lại trong một bài thơ không tên, chỉ ghi: Để đáp lại bài thơ “Tạ lỗi” của Jalau và cho một người rất quen của Lương Thị Ngọc Ty (Phan Thiết) :
Nếu mai không về thăm Phan Rí
Dù biết rằng có kẻ mỏi mòn trông
Dẫu biết rằng xa mặt cách lòng
Người Phan Rí dám đâu hờn trách
Và quả thật một mối tình lãng mạn đã không có, người Phan Rí cũng dự đoán đúng điều đó:
Nếu mai người có về thăm Phan Rí
Không còn ai mà chỉ có mưa giăng
(Bài thơ không tên-Lương Thị Ngọc Ty)
Tuy nhiên, phải công nhận rằng với bản chất lãng mạn của người nghệ sĩ giàu tình cảm, hào phóng, bất cần, Jalau bộc bạch nỗi lòng của mình :
Ta lạc bước giữa thị thành đô hội
Ta lạc lõng giữa muôn ngàn màu sắc
Ta chợt sợ những sắc màu cám dỗ
Ta e ngại sớm một chiều phai nhạt
Ta không muốn làm thân người cầu cạnh
(Nỗi lòng)
Jalau, một con người, một tính cách
Để có một cái nhìn rộng mở, ta thấy Jalau làm thơ không phải để mộng mơ trốn chạy thực tại phũ phàng, suy nghĩ của ông như một lời tâm sự, tiềm ẩn mong ước cảm thông, chia sẻ. Ônh còn là một người rất thành khẩn, vì thế, chúng ta thấy ông không còn xa lạ với chúng ta. Mặt khác, có người cho rằng Jalau là người thích tự do, không muốn bị ràng buộc :
Tình em chưa phải là ràng buộc
Nên bước đường vẫn mãi gió bay
Sau hết, chúng ta phải công nhận rằng Jalau đã có ý thức cao độ về nghề nghiệp của mình khi ông là một thầy giáo :
Rồi mai sau các em sẽ lớn
Không còn vui chân sáo đến trường
Chút thơ dại cũng như tờ lá mỏng
Ủ trong hồn mai mốt cũng mờ phai
(Gửi các em Pô-Klong)
Mặt khác, Jalau luôn lạc quan với đời, với nghề :
Và đời sống mở ra trăm lối
Như dòng suối mãi không về…
Jalau đã thành khẩn bày tỏ lòng mình, nó làm cho chúng ta có cảm xúc mãnh liệt. Ý thơ luôn đi sâu vào tâm hồn người đọc, giá trị của thơ Jalau có được từ chính lòng thành khẩn đó về con người, về tình yêu.
Jalau một con người thẳng thắn
Thẳng thắn của Jalau chính là chấp nhận tất cả, không sợ bị hiểu lầm, không sợ mỉa mai, khen chê, luôn ngạo nghễ với đời :
Mai mốt dặm đời xa mấy độ
Thầy sẽ sầu như chuyện tang thương
(Thời gian như thể ngậm ngùi)
Chúng ta chưa vội kết luận ông bi quan, yếm thế nhưng chắc chắn với lòng thành khẩn, tính thẳng thắn, Jalau rất tỉnh táo, sáng suốt nữa là khác. Ta thấy ông luôn luôn nâng niu, giữ gìn những giá trị mà mình tôn thờ:
Máu trong ta dòng máu vẫn rỉ tuôn,
Mà danh vọng không lấp vùi chứng tích
(Nỗi lòng)
Trích dẫn thơ Jalau để nói rằng tình yêu của ông luôn gắn với thực tế cuộc tình và quê hương ông. Ông lại sống trong một xã hội có chiến tranh, có hòa bình nhưng ông luôn luôn không tự lừa dối mình. Thiết nghĩ khi hiểu như thế, chúng ta có thể nhận xét đúng đắn hơn về giá trị thơ lãng mạn của Jalau.
Jalau, cây bút trẻ trong làng thơ Chăm
Inrasara đã khẳng định Jalau như một chứng nhân tốt cho một thời đại, một giai đoạn lịch sử, có một chất liệu thơ mang đầy cảm hứng, đã giúp cho thơ Tagalau một phong cách riêng, được độc giả luôn hân hoan đón nhận. Từ những năm 1970 – 1975 và mãi đến khi anh mất đi, chúng ta nhìn lại quá khứ, nhìn lại thực tại thơ Chăm hồi đó, chúng ta thấy ở Phan Rí có nhà thơ nữ Lương Thị Ngọc Ty, ở Phan Rang có Jalau, Huyền Hoa. Nhưng sung mãn hơn cả có lẽ là Jalau. Ông là người đại diện cho những cây bút thơ trữ tình của một thời kì sẽ còn nhớ mãi. Trước hết, Jalau luôn có ý thức giữ gìn bản sắc thơ mới thời hiện đại một cách hoàn hảo nhất, sử dụng nghệ thuật ngôn từ,ẩn dụ rất linh hoạt, có lúc bất ngờ và nhất là lại giàu cảm xúc. Jalau là một cây bút có xu hướng thơ hiện thực. Ông bộc bạch tậm sự một cách chân thành nhưng một người như thế lại sống trên đời quá ngắn ngủi.
Đọc thơ Jalau dù bài nào cũng chất chứa tình cảm, hư thực, ta bắt gặp một cái gì đó chua chát, lần thấm vào quá khứ xa xôi. Phải chăng thơ Jalau đã đi vào lòng người với chất u hoài làm ray rức lòng ta trước cuộc tình, cuộc đời. Những đứa con tinh thần của Jalau vừa ngọt ngào, vừa chua đắng. Từ đó, ta thấy thơ Jalau mô tả đúng chân dung, tình tự con người Chăm.
Qua một cuộc chiến dài, thơ Jalau mang nặng sự chia li của tình yêu lứa đôi nồng nàn, say đắm của thời trai trẻ khi mà xã hội, con người không mấy yên ả, bình lặng. Qua thơ Jalau, ta thấy ông hiền hòa trước những đa đoan của thời cuộc, Ông là một cây bút trẻ trung, cay đắng nhưng cũng nồng nàn, tha thiết lắm thay!
Hồn em chưa đã chăm giường ấm
Anh vẫn phiêu du giữa tháng ngày
(Tạ lỗi)
Và quả thật, như nhà thơ Tú Xương của chúng ta, một chứng nhân của thời đại, cũng đã từng thốt lên:
Sống lâu, lâu để làm gì nhỉ
Lâu để mà xem cuộc chuyển vận
(Tự hào)
Lời kết
Jalau của chúng ta vẫn là một người cô đơn trong cuộc đời, thuở nhỏ được ươm mầm thơ văn từ gia đình nhưng mãi đến bây giờ cũng chẳng mấy ai hiểu hết lòng ông, chí hướng, hoài bão của ông từ lúc đỗ Tú tài. Tài năng của ông sáng lên trong làng Chăm xưa như một vì sao chói lọi. Jalau viết thơ cho nội san Phan Rang, Tuổi ngọc, Phổ thông bằng cả tâm huyết của chính ông. Thơ Jalau thành khẩn trước tình yêu, thẳng thắn trước cuộc đời, tha thiết với làng quê Chăm, và hơn ai hết Jalau tiếp cận với những nét đặc trưng của trào lưu thơ lãng mạn.
Chúng ta có nghe Jalau nói gì không ?
Ông đã dâng tặng cuộc đời một “màu áo mới” để sáng tác thơ tình cho chúng ta thưởng thức. Ngày 02-02-2016, chúng ta đã làm lễ tiễn đưa anh về Kut Chăm với niềm tiếc thương vô hạn như lời anh đã từng dự đoán :
Rồi tôi bóng ngựa, vó xa mịt mù…
(Mảnh tình xưa)
Ôi ! Jalau, một nhà thơ Chăm của chúng ta !

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *