Gia đình cha mẹ tôi nông dân vô sản toàn phần. Tôi, từ ấy…
Bàn học.
Nhà nghèo, thuở Tiểu học, một tối thầy Hồng ghé nhà, thấy anh Đạm và tôi nằm sấp trước cái “đèn trứng vịt” leo lét, nghe tội sao ấy, thầy kêu “anh phó Thảo làm bàn cho hai đứa đi, nằm thế tức ngực bọn nhóc”. Thế anh em tôi mới có bàn ghế “đàng hoàng” mà học. Hiện tôi vẫn còn nhớ như in dáng bàn xộc xệch thân thương đó.
Quần áo.
Bọn trẻ nhà quê, cứ chân trần đầu trần, áo được hai “bộ” đã là sang dù nắng dù mưa. Mùa lạnh hai anh em tôi ôm nhau dưới tấm chiếu chẻ mỏng, chớ mỗi đứa cứ quần đùi với áo vải ‘khan bai bùi” mà phả hơi ấm cho nhau.
Giấc ra đồng mới ác, thuở ấy dân cày được miếng áo tơi (áo mưa) quấn vào người là đỉnh.
Mùa cày, cặp trâu mới tập, tôi dắt đầu cày cho cha tập hai đứa nó đi thẳng hàng ngay lối. Mới được hai vòng thì lưng áo đã bị chúng tát nước cho ướt sũng, khi ấy mà mưa xuống nữa thì ôi thôi. Thế mà trẻ không bị viêm phổi, mới lạ.
Trò chơi.
Quanh đi quẩn lại: Đánh tổng, Đánh vòng, U mọi, ném lon, súng Katô [bằng thân tre], Trốn tìm… Trò chơi được tự do sáng tạo nhất chỉ là Đất sét nặn trâu, cày, bừa, xe trâu các loại. Đá banh, trái bóng là các miếng giẻ quấn và buộc lại, hiếm hoi lắm mới được bạn mua trái banh nhựa, qua 2-3 ngày chơi là xẹp.
Còn chơi bài là môn xếp hình màu. Mùa hè tôi chơi mà quên cả học bài, đến thi rớt Đệ Thất. Anh Quảng Đại Ninh thấy, kêu: Mê kiểu vậy, rớt là phải. Tôi xấu hổ mãi bây giờ còn nhớ, và không quên ơn anh, trong khi tôi học sinh giỏi. Năm sau, tức quá – tôi Thủ khoa luôn. Đó là giai đoạn duy nhất tôi lãng phí thời gian. Từ đó không bao giờ xao nhãng nữa.
Tự lập.
Nhà quê buổi ấy, đào giông, đào chuột, mót lúa, câu cá, thọc ếch, lên rừng hái trái… thêm món ăn cho gia đình, còn thừa mang đổi lấy tiền mua sắm sách vở. Câu cá là môn tôi xịn nhất, ăn đứt đám bạn cùng trang lứa.
Vào Trung học, tôi may mắn có được học bổng hơi to, nên khoản tiền cho học hành không còn thiếu.
Làm việc.
Từ hai tuổi, ba cha con qua tận làng Palao quê ngoại cách 7km làm ruộng. Tôi trên lưng cha, anh Đạm lon ton chạy theo, đi đi về về mãi lớp Năm mới trụ hẳn ở Chakleng. Tiểu học, tôi bé con theo các anh lớn chăn 2 con trâu nhà, mặc họ thoải mái sai bảo.
Em Ngòi với Út Lành còn bé, chuyện chính anh Đạm gánh, tôi ở giữa mãi 16 tuổi cha mới cho nắm đuôi cày, nghĩa là thành người lớn. Lớn, thì lớn trách nhiệm, sau buổi cày tôi mới rờ đến sách được. Chớ trước đó, chăn trâu tôi có khối thời gian với chữ nghĩa.
Nhà ở.
Gia đình tôi từ Palao về ở nhà ‘Thang Mưyau’ cũ của bà cố chung khuôn viên với nhà dì Mơi. Khi xây chân kiềng chuẩn bị làm nhà mới, thì cả nhà dời qua chen chúc trong cái ‘Thang Tông’ nhỏ bằng ngói cũ phía đối diện.
Gia đình tôi là nông dân giỏi, cha nhận làm ruộng rẽ [chia hai] 3-5 mẫu, do thóc lúa rẻ rề nên mãi qua 8 năm làm lụng vất vả – năm 1971 mới xây được căn nhà ngói mới. Cũng năm ấy, cha nhận mẫu ruộng chính sách “Người cày có ruộng” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Chỉ khi ấy, gia đình cha mẹ tôi mới thực sự gọi là an cư lạc nghiệp.
Sách vở.
Lên Đệ Thất, tôi phải đạp xe lặn lội khắp làng và vài palei khác bán cà-rem mới có tiền mua sách vở học [đã kể]. Còn sách đọc thì, thời Tiểu học và đầu Trung học, mấy cuốn: Bay vào lửa đạn, Giải khăn sô cho Huế, Thời gian của một tiếng thở dài, Bên dòng sông Trẹm… ở đâu rơi vào tay, tôi đọc ngấu nghiến, hết thì nhai lại.
May, sau đó Pô-Klong có Tủ sách do thầy Jay sắm, tôi là thủ thư, mới tha hồ đọc. Lúc đó ước mơ lớn nhất của tôi là có tủ sách riêng, mà có được đâu.
Tôi ước gì nhất ở tuổi trẻ hiện nay?
– Sức khỏe ư? Không, bởi tôi còn khỏe chán, mà THỜI GIAN.
Thấy các bạn lãng phí những ngày đẹp nhất đời mình để nhậu nhẹt, karaoke, tám với chơi bài… mà thèm. Các bạn đang giết thời gian, là tài sản quý nhất của đời người, “giết ngay trước đồn công an” nữa chớ [thơ Evtushenko].
Ước gì tôi có, hay được họ san sẻ cho, mớ thời gian ấy!!!