Tôi viết nhật kí thường xuyên từ tuổi hai mươi

TÔI VIẾT NHẬT KÍ THƯỜNG XUYÊN TỪ TUỔI HAI MƯƠI
Nguyễn Lê thực hiện

Anh có thể giới thiệu sơ qua cho bạn đọc Mực tím được biết về Giải thưởng Văn học Đông Nam Á mà anh vừa nhận được? Đây là giải thưởng thứ bao nhiêu trong sự nghiệp sáng tác và nghiên cứu của anh?
Inrasara: Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (thường gọi là SEA Write Award) là hoạt động nhằm tôn vinh các nhà văn, nhà thơ xuất sắc của các quốc gia trong khu vực. Giải do quỹ của các nhà tài trợ và được Hoàng gia Thái Lan đứng ra tổ chức, lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1979 và từ đó đã trở thành giải thưởng hàng năm có uy tín trong làng văn ở khu vực. Năm nay, có 9 nước đề cử đại diện nhận Giải (không có đại diện Mianma và Đông Timor).
Quả thật tôi không đếm mình đã nhận được bao nhiêu giải nữa!

Thuở cắp sách, anh học ở đâu? Hẳn là hoàn cảnh của anh lúc ấy vô cùng thiếu thốn và khó khăn so với mặt bằng đời sống hiện tại. Vậy mà anh vẫn vượt qua. Được biết, bên cạnh sự nghiệp sáng tác, anh còn là một nhà nghiên cứu uyên bác, biết vài ngoại ngữ, hiểu nhiều dòng triết học… Anh tự học bằng cách nào?
Inrasara: Tôi tự học là chính. Không có tiền mua sách, tôi phải lân la làm quen với các vị quan chức xưa để mượn đọc (trí thức Chăm thời trước 1975 rất chịu mua sách). Sau, 1977 khi rời bỏ giảng đường, tôi đi cày thuê, cuối mỗi tháng nhảy xe lửa vào Sài Gòn rinh sách cũ về một lần. Cứ thế… đến hôm nay tủ sách gia đình tôi có khoảng 5-6.000 cuốn đủ loại. Đó là chưa kể mấy lần tôi đem cho…
Tôi mê triết, nhất là triết Đức và Ấn Độ. Có thể nói tôi là một triết gia dang dở. Trách nhiệm với văn chương-chữ nghĩa Chăm khiến tôi rời bỏ đam mê thơ mộng của mình. Tôi luôn đọc mỗi tác giả đến nơi đến chốn. Sách dịch là chính. Khi thiếu sách dịch, tôi mới mò sang đọc (khó nhọc) nguyên tác.
Tôi dành nhiều thời gian cho đọc, đi và suy tư. Ngay từ thời Trung học, tôi ít bị chương trình nhà trường chi phối. Luôn đọc cái khác với quý thầy dạy bảo, suy nghĩ khác, ghi chép khác, tìm lối diễn đạt khác.

Một câu hỏi thêm, triết học là một bộ môn có vẻ rất cao siêu và xa vời với các bạn tuổi mới lớn. Nhưng nó có thực xa như thế không? Triết học có điều gì thú vị để chúng ta tìm hiểu? Và nếu muốn tiếp cận cùng triết học một cách nhẹ nhàng, thú vị nhất, các bạn tuổi mới lớn có thể bắt đầu từ đâu?
Inrasara: Triết học không cao xa diệu vợi như mọi người tưởng đâu. Cũng không nên tin nghe các giáo sư triết hù thiên hạ! Triết lí ở gần ta, trong ta. Nó là ta. Tôi nhớ: cuốn đầu tiên rơi vào tay tôi là: Thư về nhân bản chủ nghĩa do Trần Xuân Kiêm dịch của M. Heidegger. Tôi quên ăn quên ngủ. Tôi đã đọc nó không dưới 50 lần. Sau đó là Nietzsche, Kant, Vivekananda, Krishnamurti, Kinh Phật…. Nhưng có lẽ chỉ có Heidegger đến hôm nay vẫn còn đủ sức lôi cuốn tôi. Sau 75, đứt quãng nguồn sách triết học nên, các triết gia thế hệ sau này, tôi mù tịt.
Tuổi mới lớn ư? Triết lí không phân biệt đối xử về tuổi tác. Cứ yêu thương sự minh triết, luôn biết ngạc nhiên và biết đặt câu hỏi là bạn đã lân la với tinh thần triết lí rồi.

Ngoài việc học, anh bắt đầu cầm bút sáng tác từ bao giờ? Tác phẩm đầu tiên được in vào năm anh bao nhiêu tuổi?
Inrasara: Kỉ niệm vui: buổi đầu đến trường, tất cả bạn chơi của tôi đều được vào lớp, riêng tôi: không. Ông giáo làng bảo “nó còn bé lắm”, chưa đủ sức học, đuổi về.Thế là tôi chạy về níu váy mẹ khóc lăn khóc lộn! Mẹ nói sao cũng không được, thế là lại dắt tay tôi nằn nì thầy cho vào ngồi tạm: để hắn đỡ nhớ bạn. Ở quê gọi là “học gởi”. Ông giáo không hiểu là ngay lúc đó tôi đã thuộc sách học vần lớp Năm của ông anh tôi! Và tôi đã đọc như gió mỗi vần thầy hỏi. Ông giáo làng lại chơi trò cắc cớ: bắt mấy bạn lớn hơn tôi đến 4, 5 tuổi nằm xuống cho tôi đánh. Đánh sẽ thì bị phạt, giơ cao lại bị đòn lúc ra chơi! Thế là tôi chẳng làm gì cả. Tôi có tật cãi thầy từ đó, có lẽ!
Tôi làm thơ từ khá sớm, 13-14 tuổi gì đấy. Cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Nhưng ý thức sáng tạo chỉ rõ rệt khi tôi rời bỏ giảng đường Đại học. Trong một năm tôi viết hàng trăm bài thơ triết lí, 3 trường ca (tôi đã vứt bỏ hết, chỉ giữ lại vài bài trong Tháp nắng để “kỉ niệm”). Ồ, ví lúc đó mà tôi mang ra in, chắc chắn tôi đã là một hiện tượng rồi, một thứ hiện tượng đáng cho trôi xuống sông Lu!
Không bao giờ gửi thơ đăng báo, cho đến khi nhà thơ Nông Quốc Chấn nghe tin đâu, vào cuộc. Ông bảo tôi làm cái bản thảo đưa ông xem. Bàn chân – Con đường – Bóng tối, tôi nhớ đó là cái tên ban đầu. Ông bảo: cậu thay nó đi, và thêm vài bài thơ tình vào, cho không khí tập thơ nhẹ nhàng bớt. Tôi nghe lời ông. Vậy mà tập thơ luân lạc đây đó mất 2 năm, NXB Thanh niên mới đỡ đần cho nó mở mắt chào đời. Năm đó tôi đúng 40 tuổi.

Trong chuyến đi Thái Lan nhận giải thưởng văn học vừa qua, anh có thông tin gì về đời sống văn hóa đọc của các bạn trẻ bên ấy? Họ có tờ báo nào giống tờ báo Mực tím không? Học sinh trong các trường phổ thông hoặc đầu đại học bên ấy có thái độ như thế nào với văn học? Và họ có cầm bút sáng tác ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường như kiểu Bút nhóm Vòm Me Xanh của báo Mực tím Việt Nam?
Inrasara: Một tuần không là bao, vả lại chương trình khép kín. Giao lưu với PEN Club và Hội Nhà văn Thái Lan chủ yếu để đọc thơ mình và giới thiệu về mình, tác phẩm mình cho bạn. Ba buổi, tôi nói ba ý khác nhau: nhà văn cần lặn sâu vào văn chương và ngôn ngữ dân tộc, anh phải canh giữ ngôi nhà ngôn ngữ ấy, nếu không anh sẽ tiêu vong cùng với nó; tinh thần hậu hiện đại phá vỡ ranh giới nền văn chương trung tâm/ngoại vi, nên hãy vứt bỏ mặc cảm đi mà tự tin nhập cuộc; nhà văn thế hệ trẻ hôm nay của Việt Nam.
Tôi cũng có giao lưu hành lang với mấy em sinh viên văn chương năm nhất, nhưng chủ yếu để tặng chữ kí với chụp ảnh lưu niệm!

Anh có hay ghi nhật kí không? Ví dụ như nhật kí chuyến đi Thái Lan vừa rồi chẳng hạn? Các bạn tuổi Mực tím có rất nhiều người ghi chép nhật kí. Liệu họ có thể bắt đầu con đường sáng tác văn học từ chính những trang nhật kí?
Inrasara: Tôi viết nhật kí đều đặn từ tuổi hai mươi. Không hằng ngày mà có khi cách tuần, hay đôi lúc một ngày vài lần, khi có chuyện/ý tưởng đáng ghi nhận. Thói quen đó được giữ mãi đến hôm nay. Còn các ý tưởng sáng tác? Tôi chỉ ghi chúng qua tờ giấy A4 gấp nhỏ bỏ túi. Xài một ngày rồi bỏ. Rất tiện và nhất là, không nghiêm trang nghiêm trọng cho ra vẻ mình đang suy tư ghê lắm!

Bạn đọc Mực tím muốn mua Thổ cẩm Chăm của… gia đình anh, họ sẽ đến địa chỉ nào hả anh Inrasara?
Inrasara: Câu này mang hơi hướng quảng cáo đấy nhé! Vậy thì đây: 127 Bùi Viện, Quận1 và, 107 Đường 45, Phường 6, Quận4, Tp.HCM. Hay nếu có ra Ninh Thuận thì ghé: Cơ sở thổ cẩm Inrahani, làng Mỹ Nghiệp, Thị trấn Phước Dân, Huyện Ninh Phước, Ninh Thuận.

*
Báo Mực Tím, số đặc biệt, tháng 11.2005

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *