Chuyện văn-8. SỐNG & THƠ

[Làm sao sống hết mình mà vẫn thơ tận cùng?]

Đức Phật giác ngộ – thường trực, là điều chắc chắn. Chớ chúng sanh các loài trúng trúng trật trật, may mắn vài lần được ánh sáng ấy chiếu tới, đã là thiên tài.

Mỗi sáng thức dậy, bao bóng tối vây quanh, sẵn sàng vồ chụp lên tâm hồn yếu đuối ta. Làm sao ta có thể chống lại nó, để đón nhận nguồn sáng kia? Là nghệ sĩ, cái gì có thể nâng đỡ, để hắn có thể tiếp tục tồn tại và sáng tạo?

Phù điêu nơi đế chân tháp Chiên Đàn, nghệ sĩ Cham cho chú voi nâng đóa sen: Sức mạnh đặt bên cái ĐẸP, tạo ấn tượng siêu thoát kì lạ. Như tôi hai năm qua – giữa bóng tối và khủng hoảng nặng nề bủa vây, bàn tay và đóa hoa có mặt, làm nên một phép lạ.

Làm sao sống hết mình mà vẫn thơ tận cùng? Khác đi, làm thế nào để sống một cách thơ mộng thi nhiên? Kể vài chuyện tôi và thơ, biết đâu bạn trẻ có thể rút ra được điều gì đó có ích.

Bạn học tôi thuở Pô-Klong hơn chục đứa làm thơ, rất khá. Sau 1975, mọi mọi lao vào cuộc sinh nhai, tiếng thơ vụt tắt. Tôi hơi khác, bị cuốn vào dòng đời chung, tôi dẫu “chuyện áo cơm tất bật/ mang vợ con bên đời”, vẫn níu được nàng thơ ở lại bên mình. Vì sao?

Điều cốt yếu là biết tưởng tượng, và yêu.

[1] Thầy dạy lý hóa Trần Công Lộc phụ trách tạp chí Trường chê thơ các học trò về tháp vẫn chưa thoát khỏi bóng Chế Lan Viên. TỪ PHÊ BÌNH ấy, tôi sực tỉnh. Tháp của tôi phải khác, và cái Đẹp của văn hóa Cham không chỉ có tháp CHàm.

Từ đó ý tưởng về tập thơ Tháp nắng nẩy mầm và chờ đợi. 

[2] Ở đó đẹp vượt lên trên mọi cái Đẹp, chính là tượng Apsara Vũ nữ Chàm. Mà phải là Vũ nữ Chàm Trà Kiệu mới là cái Đẹp thanh thoát và linh thánh.

Tứ thơ Hành hương Em được nung nấu từ đó.

“Nẩy mầm”, “nung nấu” thôi và giú mình trong bóng tối thôi, chứ chưa viết vội, hay nóng lòng cho nó ra đời.

[3] Trong những tháng ngày cày thuê ở quê, QUA QUAN SÁT xung quanh: Bạn học, người anh họ hay anh ruột, ông chú họ xa hay thầy cúng… tôi phát hiện vô số độc đáo ở những con người đời thường đó.

Quan sát và ghi chép cho sự ra đời tập thơ 30 năm sau đó: Chuyện 40 năm mới kể

[4] Chuyện người đời thường: Ông Phok, Ông Klơng Thân, anh T’Maung, Quảng Vờ, Hàm Bộ, Anh Đạm trở đi trở lại trong chữ nghĩa tôi. Đau nhất là “Chuyện Ông Ka-ing Cần”, để làm nên tứ thơ cho trường ca Lễ Tẩy trần tháng Tư sau này.

Câu cá đổi gạo độ nhật, làm rau muống, hàng xáo bị cho là cơ cực để nuôi vợ con, các TỨ THƠ kia chưa một lần rời bỏ tôi. Chúng còn góp phần mình làm thăng hoa đời sống thường nhật tôi nữa là khác. Như thể bóng những ĐÓA SEN ấn hiện ở phía trước cuốn lôi LẠC ĐÀ tôi đi tới. Để 30 năm sau tôi thành nhà thơ.

Còn thành tới đâu thì không còn thuộc về tôi nữa. Dẫu sao…

Tôi đã, sống hết mình mà vẫn thơ tới cùng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *