Chuyện văn chuyện đời-22. CHUYỆN 4 NHÀ THƠ

[đùa: “Nếu ở tuổi đôi mươi, tôi ham hố gom thơ in tập, giật giải Hội Nhà văn chư bỡn”]

Ở Sài Gòn, tôi và anh Hà Văn Thùy láng giềng, mấy chiều anh em hay gặp nhau, trà và tán. Anh vừa thích vừa “ghét” Sara, ghét nhất lối làm mới thơ của tôi! Anh ca Tháp nắng-1996:

“Thơ Inrasara thật khỏe, không bi lụy mà như cây đại ngàn qua bão táp vẫn vươn lên đón nắng trời. Tiếng Việt của anh đạt đến mức điêu luyện. Đấy là thứ tiếng Việt phong phú, giàu biểu cảm, được sử dụng uyển chuyển đến mức tài hoa, điều mà không nhiều lắm tác giả người Kinh có được” (“Inrasara, bay lên từ tháp cổ”).

6 năm sau thôi, Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002, anh chê bét (Hà Văn Thùy, “Đầu năm trò chuyện với Inrasara”). Và anh nói như đinh đóng, “tôi biết chắc là bà con Cham sẽ không thích tập này như từng yêu Tháp nắng”.

Tôi nói: anh đúng luôn!

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn lại nghĩ khác hẳn.

“Tập thơ đầu Tháp nắng in năm 1996, khi anh gần 40 tuổi và đã nổi tiếng như một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, với nhiều tác phẩm quan trọng. Tập thơ lập tức có tiếng vang… Thật ra theo tôi, Tháp nắng báo hiệu một khả năng thơ nhiều hơn là một thi phẩm ưu tú.

Đến tập thứ hai Sinh nhật cây xương rồng (1997) thì thơ Inrasara đã nhanh chóng vượt lên và định hình. Hình tượng thơ mang đậm dấu ấn Inrasara:

Cây xương rồng như nhà sư khất thực theo vết chân gió trái mùa lang thang

Lạc bước qua triền đồi quê tôi để chịu bị cầm từ trong cát

Tiếp đến là Hành hương Em (1999):

Không vỗ ngực, không tranh hơn

Không trốn chạy trước phận đời thất bát

Những câu thơ buồn

Luôn có mặt nơi khổ đau có mặt

Tôi nhấn mạnh hai câu thơ cuối, vì ít có nhà thơ nào nói về thiên chức của thi ca giản dị mà hay đến thế.

Tập thơ mới nhất Lễ Tẩy trần tháng Tư (2002) thực sự là một bước tiến của Inrasara. Với tập thơ này, anh xứng đáng là một trong những giọng thơ cách tân nhất hiện nay.” (Inrasara lần thứ hai đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam).

Không lạ đâu, văn chương vô bằng…

Như mấy ngày qua, cho lên facebook các bài thơ cũ, rất nhiều bạn thích, yêu – cả các cây bút chuyên nghiệp. Cuối thập niên 1970 là thời kì sáng tạo mạnh nhất của tôi. Thuở đó, tôi “không làm” gì cả, chỉ đọc, suy tư và viết.

Ở tuổi đôi mươi, cả trăm bài thơ với trường ca “Lãng tử, tình yêu và quê hương” nếu gom lại in tập, nó giật giải Hội Nhà văn như bỡn.

Không đùa đâu, ở Trại Sáng tác Đải Lải hè 1996, bài thơ “Trên bước chân cô độc” viết thời ấy, chuyển bản thảo cho nhà thơ Trần Ninh Hồ – người phụ trách hướng dẫn Trại về thơ – đọc, anh kêu bài hay, sao lại bỏ ra?

Nghe lời “thầy”, tôi cho vào Tháp nắng, và… hố. Tôi cứ cho nó chưa chín, tội thế! Dù gì thì gì, một bài thơ “hay” mà không “mới” thì chưa thể hay trọn vẹn.

Tôi “quá khích” trong sáng tạo là vậy, chớ theo tinh thần “hóa giải và hòa giải” như bạn Vincent Ngo chắc ổn hơn, có lẽ. Về 3 bài thơ ngắn hôm qua, bạn còm: “Thơ cùng những cảm xúc thủa nào nhưng vẫn sống động như vừa nói ra hôm nay. Quí hợp chất tình cảm ấy!”

P.S.

Trường ca “Lãng tử, tình yêu và quê hương” viết năm 1977 ngay khi tôi bỏ Đại học, nhớ được ¼ và cho lên facebook, được một nhà phê bình khen lục bát lạ và hay quá. Tôi loại đi, bởi vẫn còn hơi hướng Bùi Giáng với Phạm Thiên Thư trong đó.

Còn bài “Trên bước chân cô độc” có dấu vết thơ siêu thực miền Nam trước 1975.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *