Sinh phận Cham, sau [1] Thế hệ sống sót, là [2] Thế hệ ổn định và lưu giữ, ở đây ông bà lo thu gom, níu giữ mấy mảnh vụn văn hóa còn sót lại. Tiếp đến là [3] Thế hệ Phục hồi, và cuối cùng hôm nay: [4] Thế hệ tiếp nhận và sáng tạo.
Nhóm thầy Thành Phú Bá, Lưu Quang Sang, Nguyễn Văn Tỷ, Đàng Năng Quạ [cạnh đó là ông Dương Tấn Sở] nằm lưng chừng giữa Thế hệ 2&3.
Họ cần, và mơ gì?
Phụ quốc gì gì ư? – Không, mà ổn định xã hội. Cạnh đó, làm thế nào cho sinh linh Cham nhận thức mình là Cham trong cộng đồng đất nước Việt Nam.
Làm gì? – Giáo dục. Trường Trung học An Phước, tiền thân của Trường Trung học Pô-Klong được dựng lên vào năm 1965, phụng sự cho nỗi đó. Tôi gọi đây là Trò chơi Giáo dục Cham.
[1] Họ biết mình ở đâu? – Thế lép, hầu như không có gì. “Bắt đầu từ con số không, từ con số âm – có lẽ” (Tháp nắng-1996).
Họ hiểu: Nhà nước ủng hộ, bà con Cham đồng tình, bởi khi ấy Cham có nhu cầu học cực lớn.
[2] Chiến lược
Thầy dạy: không. Lớp Ðệ thất niên học 1965-1966 là năm học đầu tiên, Thành Phú Bá làm Quản đốc kiêm giáo viên đứng lớp.
Phòng ốc: không. Cứ mượn tạm phòng của trường Bàu Trúc làm lớp học.
Học sinh: không. Năm học đầu tiên, 65 học sinh từ các làng xa xôi bằng mọi phương tiện thô sơ tụ về Bàu Trúc.
Khó khăn ư? Thì hết học kỳ 1, ta dời về Phú Nhuận, trung tâm hơn. Rồi do mất an ninh, lần thứ hai ta tiếp tục dời xuống thị xã.
Pô-Klong lên Đệ nhị cấp, thiếu giáo sư ư? Giáo sư Việt có sẵn ở Phan Rang, ta mời về dạy giờ, là xong.
Tất cả thực hiện theo đúng châm ngôn: “Sinh hoạt tự túc, Kỉ luật tự giác, Tháo vát tự cường”.
[3] Kết quả
Một thế hệ “trí thức” Cham ra đời, ý thức mình là Cham trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Họ biết mình nhỏ, nghèo, cần vươn lên theo kịp đà tiến của dân tộc. Để rồi chính thế hệ này cống hiến tâm và lực cho Việt Nam sau khi đất nước thống nhất.
Sau 1975, Trường Pô-Klong mất, sự thể không thuộc vào phạm trù trò chơi, mà khác. Dẫu sao, Pô-Klong đã thành trung tâm cho sinh linh các palei Cham khi ấy đang rất rải rác biết và tìm đến nhau trong kết nối cộng đồng.
Và đã làm nên một biểu tượng.