Nguyễn Văn Tỷ: Giáo dục vùng Chăm

GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO
VÀ SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-VĂN HOÁ-XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC CHĂM

Trong thời phong kiến, vấn đề giáo dục chưa được phát triển và coi trọng, thiên hạ xem giáo dục như một sự xa hoa, chỉ phù hợp với những gia đình giàu có muốn kiếm bằng cấp để được tiếng tăm và danh dự. Vì thế, việc học không có giá trị thực tiễn mà chỉ có giá trị trang trí cho cuộc sống. Một số rất ít người thuộc thượng lưu xã hội chọn học vấn như một nghề để làm quan, nhưng lại ít tin ở năng lực mình mà chỉ tin ở kim tiền đút lót cho cấp trên để được thăng quan tiến chức. Do đó mà việc học không hấp dẫn được ai và quần chúng hoàn toàn không quan tâm đến học vấn.
Ngày nay, quan niệm về giáo dục nói chung đã thay đổi hoàn toàn. Từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây, tất cả các nước đều rút được kinh nghiệm quý báu của một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đã phất lên một cách đáng thán phục như: Nhật, Đức, Hoa Kỳ, Liên Xô (trước đây), Pháp và một số nước Châu Âu; đặc biệt là Nhật và Đức bị chiến tranh thế giới lần hai tàn phá, thế mà từ hoang tàn và đổ nát, hai nước ấy đã trở thành quốc gia đi đầu trong nền kỹ nghệ tiên tiến thế giới! Các nước khác thấy vậy đua nhau theo gương Nhật và Đức để đưa nền giáo dục của nước mình lên vị trí hàng đầu trong chính sách và chiến lược phát triển quốc gia và đã thành công mỹ mãn như các nước con rồng Châu Á: Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và các nước Nam Thái Bình Dương như Tân Tây Lan và Úc đại lợi. Cái gì đã xảy ra làm đảo lộn nhân sinh quan của cả nhân loại và đã làm cho thế kỷ XX được cái vinh dự mang tên đại thế kỷ của phát minh và phát triển ?
– Đó là việc phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học sâu rộng đã cứu nhân loại thoát khỏi sự đói nghèo, bệnh tật và lạc hậu.
Thật thế, vấn đề giáo dục-đào tạo là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống con người cũng như sự phát triển của đất nước. Pascal, một nhà khoa học kiêm triết lý gia Pháp, đã nói: “ Người là một cây sậy biết suy nghĩ”. Ý muốn nói con người vốn mềm yếu như cây sậy, chỉ cần một cơn gió nhẹ là cả thân mình cúi rạp xuống, nhưng nhờ có “tư duy” mà làm chủ được muôn loài. Thật vậy, với sự thông minh sẵn có, cộng với nền học vấn vững chắc, nếu con người biết sử dụng đúng mức và đúng cách khối óc của mình để phục vụ cho cuộc sống thì cuộc sống không những không chìm đắm trong khốn khổ, mà ngược lại sẽ cất cánh bay cao, bay xa… Nhân loại nhờ đó mà sống trong phồn vinh, thịnh vượng. Dòng chảy của cộng đồng Chăm cũng không thể là ngoại lệ, mà cùng chảy hoà mạch với dòng chánh lưu để đi đến bến bờ vinh quang xán lạn…

I. TÌNH HÌNH GIÁO DỤC CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC CHĂM :
1. Tình hình chung trước năm 1975:
Vào thời phong kiến (trước 1945), người Chăm gần như không học quốc ngữ (chữ phổ thông bây giờ) mà chỉ học chữ Chăm. Một số rất ít người giàu học chữ nho để có cơ hội ra làm quan (quan Huyện, quan Tổng). Chỉ sau 1945, sự học mới được chú ý hơn theo trào lưu đổi mới của các chế độ chính trị nối tiếp nhau. Tuy nhiên, trong khung cảnh giáo dục chung của Miền Nam, sự phát triển lúc bấy giờ chỉ theo tốc độ “rùa bò”, nên trước thập niên 50 của thế kỷ trước, tại các tỉnh Nam Trung Phần – từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận – chỉ có duy nhất Quy Nhơn (tỉnh lỵ của Bình Định) là có trường trung học đệ nhất cấp (tức cấp 2 hay trường trung học cơ sở ngày nay). Tỉnh Ninh Thuận chỉ mở được lớp 6 vào năm 1952. Vào thời điểm này có 7 học sinh Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận học đến lớp đệ tam niên (tức lớp 8 bây giờ) và dừng lại ở đó. Vì thế, có các làng (làng lớn) Chăm chỉ mở được lớp Một, và cả tỉnh Ninh Thuận chỉ có hai làng Chăm mở được lớp Ba là Văn Lâm và Phú Nhuận (sau này chuyển về Phước Đồng, Huyện lỵ của Huyện An Phước Chàm).
Mạng lưới giáo dục đã vậy, còn tình hình học sinh đi đến trường thì sao? Các em nhỏ chỉ đến trường vì cần người “giữ trẻ” giúp đỡ cha mẹ, khi đến tuổi lao động (từ 11 tuổi trở lên) thì cha mẹ thường cho con em mình ở nhà để giữ em, chăn trâu bò hoặc đem đi “ở đợ” với các hộ khá giả trong làng. Giáo viên đứng lớp muốn có đủ túc số thì thường cho các học sinh của mình đến tận nhà để “cưỡng bách” bằng cách “khiêng” các em trốn học trở lại lớp! Vì vậy, học sinh đến trường rất ít và câu nói phổ biến trong dân gian đã trở thành phương châm lúc bấy giờ là: “ chữ nghĩa không bỏ vào nồi được”!
Trong vùng Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận lúc bấy giờ, phải nói là nhờ phong trào giáo dục do ông Châu Văn Mổ (1925–1997) một công chức Chăm làm việc ở Toà Hành Chánh Ninh Thuận, gốc Mỹ Nghiệp, dấy lên bằng cách thành lập “Hội Bảo trợ học sinh Chàm nghèo” lấy tên Pháp lúc đó là “Assciation d`entr`aide scolaire aux élèves Chàms fauvres” vào năm 1949. Hội này đã thảo ra kế hoạch tương đối bài bản về phát triển giáo dục (đưa các học sinh Chàm lên Trung học và Đại học) và cải tiến xã hội, bài trừ mê tín dị đoan (dĩ nhiên việc này Hội Bảo trợ có lúc bị chống đối kịch liệt do các kịch bản tương đối táo bạo của những đêm văn nghệ ở các làng Chăm). Đợt đầu tiên, Hội Bảo trợ (dân gian thường gọi như thế) tuyển được 6 học sinh Chàm trẻ và có học lực khá để đưa vào học ở Trường tiểu học Pháp Nha Trang (École francaise de Nha Trang). Đó là bước chuẩn bị để thi vào lớp SáuTrường Lycée Yersin DaLat vào năm học 1950–1951 với 6 học sinh, trong đó có bản thân người viết bài này được vinh dự dự phần (6 học sinh này đều học lên hết Trung học Pháp và tốt nghiệp Đại học cả, trừ Miểu Đình Thêm bỏ dở nửa chừng). Năm học sau, trường tiếp nhận đợt thứ 2 gồm 3 học sinh nữa học lên đến Đại học ; tiếc là tiếp theo đó phong trào này tắt lịm dần và chỉ có một vài học sinh lên DaLat học với tính cách cá nhân chứ không do “Hội Bảo trợ” gởi đến học nữa… Mặt khác, Hội đã xây cất được một nhà trọ tại Phan Rang và huy động một số học sinh ở vùng nông thôn đến học lớp nhì và lớp nhất tại thị xã Phan Rang đặc biệt chú trọng đến học sinh nữ vì gần như chưa có một “nữ sinh” nào học đến lớp Ba cả!
Mãi đến 1960, trong vùng Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận mới có nhiều học sinh Chăm học hết lớp Nhất và tốt nghiệp tiểu học. Trong số học sinh này có người thì vào các ngành sơ cấp và được tốt nghiệp giáo viên, y tá, huấn sự thú y, kiểm lâm…Chính do những “công chức” trẻ này ra giúp ích xã hội và có cuộc sống tương đối thoải mái với đồng lương khá tốt lúc bấy giờ, nghĩa là “chữ nghĩa có thể bỏ vào nồi được”, xã hội Chăm mới bắt đầu chuyển mình, chú trọng đến giáo dục và đào tạo…

2. Sự phát triển giáo dục hiện nay:
Như đã nói ở trên đây, chỉ từ năm 1960 sự ý thức về lợi ích của giáo dục mới nhen nhúm với thời gian và đến 1972-73 người Chăm Ninh Bình Thuận mới có một số sinh viên tốt nghiệp Trường quốc gia Hành Chánh và lác đác một vài kỹ sư nông nghiệp, công chánh cũng như giáo sư đệ nhị cấp (giáo viên cấp 3). Mạng lưới giáo dục trước năm 1975 còn rất mỏng, đại để : hai, ba huyện mới có một Trường Trung học đệ nhất cấp (THCS) và chỉ có làng đông dân mới có trường Tiểu học (từ lớp Năm đến lớp Nhất), làng nhỏ chỉ có Trường sơ cấp (lớp Năm đến lớp Ba). Toàn tỉnh chỉ có một Trường Trung học đệ nhị cấp (Trường THPT) đặt tại tỉnh lỵ. Bên cạnh Trường công lập, lúc đó có hệ thống Trường tư thục và bán công (chỉ trung học để nhất cấp mà thôi). Hoàn toàn chưa có hệ thống Trường dạy nghề tại các tỉnh lẻ (trừ trường nông lâm súc).
– Sau năm 1975, qua những năm đầu giải phóng có nhiều khó khăn và trì trệ, bắt đầu từ năm 1985 trở đi, hệ thống mạng lưới giáo dục phát triển dần lên cho đến hôm nay (2006), hệ thống này được xem như là khá hoàn chỉnh: Tất cả thôn đều có trường tiểu học, tất cả xã đều có Trường trung học cơ sở và mỗi huyện đều có trường Trung học phổ thông. Tại thị xã, ngoài 2 Trường THPT cho thị xã, lại còn có thêm trường Trung học phổ thông đặc biệt dành cho các học sinh giỏi tuyển chọn từ các Trường THPT trong tỉnh. Cho là Trường đào tạo mũi nhọn cung cấp nhân tài cho đất nước. Bên cạnh đó, có Trường Kỹ Thuật, hướng nghiệp dạy nghề tại thị xã và tại các huyện có đông dân. Ngoài ra còn có hệ thống Trường bán công và một Trung tâm giáo dục được gọi là Trung tâm giáo dục thường xuyên, có từ lớp Sáu đến lớp 12. Đây là hệ thống giáo dục bổ túc văn hoá, nhằm giúp các học viên không đủ tiêu chuẩn vào các trường công lập vì lý do học lực cũng như tuổi tác. Trung tâm giáo dục thường xuyên còn có nhiệm vụ giải quyết cho cấp học trên Tú tài bằng cách mở trường lớp chuyên ngành Đại học cho các ngành thiết yếu của tỉnh nhà theo hệ học đặc biệt là hệ Đại học tại chức (nghĩa là vẫn đi làm nhưng ban đêm và tập trung học 2-3 tháng trong một năm) và hệ Đại học từ xa (dạy bằng bài vở gửi theo bưu điện)
Do mạng lưới trường lớp dày đặc như thế mà ngày nay tất cả các con em Chăm (nói riêng) có thể học lên Tú tài một cách dễ dàng. Còn cấp học Đại học, nếu trước đây chỉ là niềm mơ ước khó thành sự thật của các con em nhà nghèo thì bây giờ lại nằm trong tầm tay! Không vào được Đại học chính quy thì đăng ký vào học theo hệ tại chức hay từ xa cũng vẫn được cấp bằng đại học. Còn việc mở rông và nâng cao kiến thức thì phải bỏ công sức trau dồi thêm! Chính vì những điều kiện quá thuận lợi của ngày hôm nay mà một cụ già Chăm phát biểu: “Ước chi tôi dược trẻ lại để được cấp sách đến trường, tôi sẽ lấy ít nhất hai bằng đại học chính quy, kèm theo chứng chỉ C ngoại ngữ và vi tính cho các bạn trẻ coi! Trong điều kiện lý tưởng như thế này mà các bạn trẻ Chăm lại học không khá, không đến nơi đến chốn thật đáng tiếc và đáng hổ thẹn!”
Ngoài ra, từ năm 1994, Nhà nước còn quan tâm đào tạo đặc biệt các con em dân tộc thiểu số lên bậc Đại học bằng cách mở Trường Đại học Dự Bị (Đại học dự bị Duyên Hải tại Nha Trang) thu nạp những con em thuộc gia đình nghèo khó, không đỗ vào Đại học xét có học lực tương đối và hạnh kiểm tốt thì được tuyển vào học ở Trường Đại học dự bị 2 năm. Sau đó được xét vào thẳng các phân khoa Đại học chính quy (tuỳ theo trình độ học vấn) nghĩa là đầu vào không phải thi, nhưng đầu ra lại phải tuân thủ mọi điều kiện thi cử y hệt như các bạn sinh viên Kinh. Nhờ chính sách nâng đỡ rất thiết thực này mà nhiều sinh viên Chăm được vào Đại học dễ dàng hơn và phấn đấu học tập để được tốt nghiệp khá đông. Nhưng, chế độ ưu đãi ấy không được áp dụng rộng rãi nữa kể từ năm 1999.
– Về số lượng, chúng ta lấy làm tự hào là dân tộc Chăm rất hiếu học, nếu chúng ta nhận xét và đánh giá trên bình diện: số lượng học sinh và sự ý thức của các bậc cha mẹ. Ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở, hầu như tất cả con em Chăm đều được cắp sách đến trường, chỉ có một vài gia đình quá khó khăn mới bắt con đi ở đợ! Phong trào học tập lên cao đến nỗi tất cả con cái trong gia đình đều được cha me sắp xếp làm việc theo ca (chăn trâu, cắt cỏ cho dê, cừu,…) để có được một buổi đi đến trường. Phần cha mẹ cũng cố gắng làm tất cả những cái gì có thể làm được để con em mình được đi học – kể cả việc lao động cực nhọc và thu nhập rất thấp như : lượm phân trâu bò, giũ rơm, … Do sự nỗ lực đó mà tỷ lệ học sinh Chăm ở bậc Tiểu học và Cơ sở gần ngang bằng tỷ lệ học sinh Kinh, còn ở các bậc Trung học PT và Cao đẳng, Đại học không thua sút tỷ lệ con em Kinh bao nhiêu…

*Một vài số liệu tham khảo:
Chúng tôi chỉ tập hợp được vài số liệu liên quan đến giáo dục vùng Chăm tỉnh Ninh Thuận. Vậy xin ghi ra đây để quý đọc giả tham khảo.

Năm học 1945 – 46 (1) Năm học 1960 – 61 (1) Năm học 1974 – 75 (1) Năm học 1999 – 2000 (2)
Đề mục Số học sinh Chăm Dân số Số học sinh Chăm Dân số Số học sinh Chăm Dân số Số học sinh Chăm Dân số
1 Mẫu giáo 00 20000 00 320000 00 45000 1421 63000
2 Tiểu học 300 840 2300 10185
3 THCS 00 110 900 2858
4 THPT 00 15 400 1194
5 Giáo viên cấp 1,2,3 08GV/C1 24GV/C1 95GV/C1+2 686GV/C1+2+3
6 SV tốt nghiệp ĐH, CĐ, TC 00 00
(08 sơ cấp) 50 Chưa tập hợp được
7 Trên Đại Học 00 00 00 04

Ghi chú:
(1): số liệu phỏng chừng (không chính xác)
(2): chính thức

3. Hiệu quả của giáo dục-đào tạo:
– Như vậy, cách đây sáu thập niên, người Chăm ít ai biết chữ quốc ngữ, chỉ học chữ mẹ đẻ. Bởi hoàn cảnh khách quan lúc bấy giờ: phần do Nhà nước Phong kiến ít quan tâm đến giáo dục, phần do ta quá nghèo. Có thực mới vực được đạo mà ! Vì vậy, trong một thời gian dài, người Chăm chỉ “vật lộn” với ý nghĩ “học có bỏ vào nồi được không”. Hộm nay người Chăm ý thức được rõ ràng lợi ích mà giáo dục-đào tạo đem lại, biết đề cao giá trị tinh thần của con người và tôn vinh người tri thức. Đó cũng nhờ rút được kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày qua so sánh đời sống của người có học và đời sống của người không có điều kiện để học.
– Mặt khác, chúng ta cũng nhận thấy nhờ ánh sáng giáo dục vào tận thôn xóm, xã hội Chăm hôm nay mới có sự CẢI TIẾN rõ rệt như : Cách làm kinh tế gia đình nâng động và đa dạng hơn; nếu trước đây chỉ “vô tư, thanh thản” trước cuộc sống, thì nay biết thi đua và bon chen với đời hơn nhiều. Nếp sống văn hoá ở gia đình cũng như khu vực dân cư được nâng cao một bước. Đời sống tinh thần được chú trọng hơn. Người Chăm biết so sánh và học tập kinh nghiệm nơi những người tiến bộ ở thị thành để trang điểm cho cuộc sống của mình đàng hoàng hơn như: Nhà cửa xây dựng cao ráo mát mẻ; cách tổ chức gia đình gọn gàng, ngăn nắp; tiện nghi cuộc sống đươc chú trọng đúng mức; đời sống vật chất được cải thiện và nâng cao; đặc biệt là một số gia đình đã nghĩ tới chất lượng của cuộc sống (trang trí nhà cửa, có vườn hoa cây cảnh, ăn ngon mặt đẹp, tham quan giải trí, đọc sách, đọc báo…). Đó là những tín hiệu lạc quan.
– Trong tương lai, nếu người Chăm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập, quan tâm đến việc đào tạo nghề nghiệp một cách đúng mức và cân đối thì xã hội Chăm có nhiều khả năng thoát khỏi đói nghèo lạc hậu, tiến kịp đà phát triển chung của đất nước.
Ước mong nền giáo dục nước nhà sớm cất cánh bay cao, bay xa, ngang tầm với các nước tiên tiến ở Đông Nam Á này, để người Chăm được… dự phần!

II. GIÁO DỤC VÀ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG:
1. Giáo dục những kiến thức sơ đẳng:
Tục ngữ Việt có câu: “ Muốn biết thì hỏi, muốn giỏi thì học”. “Biết” ở đây có nghĩa là “nắm vững”, hiểu tương đối rành rọt một vấn đề. Có biết, hiểu mới thực hành được. Việc “thực hành” là khâu quyết định sự thành bại trên đời này. Còn “giỏi” là sự đào sâu và nâng cao sự hiểu biết ban đầu.
Vậy ở đây, những kiến thức sơ đẳng cần học là học gì? Trong cuộc sống hàng ngày con người cần học mọi thứ các: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, nghĩa là thứ gì cũng cần học cả. Mục đích của HỌC là để mở rộng kiến thức và hiểu được phép xử thế trên đời là yếu tố căn bản để thành công và sống hạnh phúc: Nếu là một nông dân, anh phải biết cách trồng đậu, trồng khoai như thế nào để có kết quả tốt, nuôi con gà con vịt cho mau lớn và không bệnh tật; phải biết trồng rau như thế để có đủ rau sống phục vụ hàng ngày cho cuộc sống gia đình hay cả bán ở chợ v.v…Nếu là một tiểu thương, anh phải biết tính là nên buôn bán những thứ gì tại địa phương này là thích hợp nhứt và có lợi nhất; lấy hàng ở đâu được giá rẻ nhứt và bán có lãi nhứt; xử thế như thế nào để khách hàng ngày càng đông mà lại mua bằng tiền mặt v.v và v.v…Chỉ nói đến kiến thức sơ đẳng mà có tầm quan trọng đến như thế, nghĩa là nếu ta không có một kiến thức nào – dù là sơ đẳng – thì ta chỉ hành động theo bản năng không khác gì các con vật cấp thấp! Vậy ta cần học ở đâu? việc học không phải chỉ có đến trường mới học được mà có thể học ở bất cứ nơi nào: Học ở gia đình (ông bà, cha mẹ, anh chị), học ở trường đời (bà con lối xóm, đoàn thể, xã hội), học ở sách báo (biết bao kiến thức thực tiễn và bổ ích) và nhứt là học ở bạn bè, là người gần gũi ta nhứt và thường xuyên trao đổi, bàn luận và hỏi ý kiến nhau. Người ta thường nói: “ Học thầy không tày học bạn”. Vì thế, mà ngạn ngữ Anh có câu: “ Mất tiền bạc là không mất gì cả, mất người bạn là mất khả nhiều, mất can đảm là mất tất cả”.

2. Giáo dục và cuộc sống vật chất và tinh thần:
Nói về đời sống vật chất, tôi lại muốn so sánh ngay đời sống của thị thành với vùng xa xôi hẻo lánh, nơi mà đa số người dân không có điều kiện để HỌC và nếu có một ít học vấn thì lại không được đem ra áp dụng vào cuộc sống ngày nay. Mức sống ở thị thành cao hơn miền núi nhiều lần chỉ vì do người dân ở đó có sự giáo dục và đào tạo tốt hơn, biết tính toán trong việc làm ăn, biết bon chen thi thố, biết sử dụng tư duy để đi đến thành công trong mọi sinh hoạt của mình. Những yếu tố này chỉ có thể tích luỹ được là do sự học tập trên ghế nhà trường cũng như trong trườngrừơng đời. Ngược lại, cuộc sống ở vùng cao, vùng sâu rất bình thản; thời gian êm xuôi theo dòng chảy của ngày tháng mà không hề bị khuấy động bởi sự bon chen hay cạnh tranh trong cuộc sống hoặc bởi ý nghĩ phải tiết kiệm, tích luỹ có của ăn của để hầu qua được ngày giáp hạt; hoàn toàn vắng bóng sự lo xa… Như thế, do đâu lại có những thói quen này mà chúng ta cho là “cha đẻ” của sự đói nghèo, lạc hậu ? – Chỉ do sự thiếu giáo dục căn bản và không có giáo dục căn bản thì khó rèn luyện được những thói quen để tạo thành những tính cách tốt hầu vươn lên trong cuộc sống…
Về đời sống tinh thần, chúng ta cũng dễ thấy có sự khác biệt giữa người có kiến thức rộng và người thiếu kiến thức cần thiết. Người có kiến thức rộng thích tìm hiểu, suy nghĩ nên thường có TẦM NHÌN XA trong lúc người thứ hai chỉ biết làm theo LỐI MÒN, ĐƯỜNG CŨ nghĩa là luôn luôn là nô lệ của thói quen lâu đời . Chỉ có người có kiến thức rộng mới biết vạch ra cho mình một con đường để tiến đến đích trong bối cảnh và tổng thể của cuộc sống hiện tại. Bối cảnh và tổng thể ấy sẽ tạo ra nhân sinh quan của con người – tức những quan niệm của cuộc sống. Nhân sinh quan đó sẽ định mục tiêu cho cuộc sống cùng những hành động để đạt được mục tiêu đó. Muốn đi nhanh và chính xác thì ta phải có chương trình và kế hoạch hành động cụ thể cho từng tháng, từng quí và cho cả năm.
Trong thực tế, giáo dục mang lại cho con người các giá trị vô song: Biết lẽ phải, biết nhẫn nại, biết tự kìm chế trước những cám dỗ nguy hiểm, biết trọng danh dự, có tinh thần trách nhiệm v.v…Kinh nghiệm trong cuộc sống cũng cho thấy rất hiếm người có học lại hành hạ, đánh đập vợ con trong lúc bản thân đang say xỉn; ngược lại việc tồi tệ như thế thường xảy ra với hạng người thiếu học mà báo chí nêu hàng ngày…Mặt khác, chúng ta cũng nhận thấy người có kiến thức rộng thường có tình thương đồng loại rất sâu đậm, khi ăn nên làm ra thì sẵn sàng chia sẻ đúng mức gia tài của mình để làm từ thiện, thoả mãn lòng bác ái vị tha của mình trong lúc đó thật khó tìm một người thiếu học giàu có chi ra bạc triệu để làm từ thiện, nếu không nói đó là chuyện “cúng dường” nhằm “lưu ý” thượng đế giúp thêm cho họ làm giàu hơn nữa mà thôi!

3. Giáo dục và cuộc sống văn minh tiến bộ:
– Học để làm người: Tôi còn nhớ rất rõ, vào năm 1947 tôi phải xa nhà đế theo học lớp 3 ở làng Văn Lâm. Dĩ nhiên , tôi là người đầu tiên ở xã tôi được hân hạnh đi “du học” như vậy. Cả làng thắc mắc, hỏi mẹ tôi: “Học để làm gì? Học có bỏ vào nồi được không?” Mẹ tôi không những rất lúng túng mà còn mang mặc cảm nặng vì nhà nghèo lại “Xài sang không giống ai”. Hôm nay mọi việc đã thay đổi. Câu trả lời đơn giản nhứt, đầy đủ nhứt mà gói ghém được tất cả tính nhân văn và khoa học là câu trả lời của vị lãnh tụ cách mạng, chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học để làm người, học để làm việc”. Thật gọn và súc tích!
Thật thế, trong cuộc sống hàng ngày, con người rất chú trọng đến việc xử thế và giao tiếp, quan trọng hoá chúng đến mức độ đánh giá thành bại của cuộc sống qua nghệ thuật cư xử giữa con người với con người và con người với cộng đồng. Việc xử thế và giao tiếp của một cá nhân trong xã hội có khôn ngoan hay không là tuỳ thuộc vào những tính cách của cá nhân ấy có tốt hay không, nghĩa là có được hấp thụ một sự giáo dục căn bản chuẩn mực hay không. Chung quy, những tính cách tốt như: ngăn nắp, trật tự, cẩn thận, chín chắn, tự trọng, trách nhiệm, lương thiện v.v… hợp lại tạo thành cái gọi là NHÂN CÁCH – yếu tố quan trọng nhất, thiết thực nhất để đánh giá phẩm chất của con người. Học được những tính cách đó chính là học làm người vậy, dĩ nhiên không dễ chút nào! Chính vì thế mà CH.Rivet than phiền: “Nguời ta lo khai trí những bạn trẻ, nhưng người ta không luyện chúng nên người”
Ngược lại, nếu ai đó được đánh giá là “thiếu tư cách” thì ấy là người rất vụng về trong giao tiếp và được người đời cho là “bất lịch sự”. Người như thế sẽ không bao giờ chinh phục được lòng người, nghĩa là luôn luôn thất bại trong cuộc sống. Vì vậy mà Bartol khẳng định rằng: “Tư cách là kim cương, nó cắt được mọi thứ ngọc khác”
– Học để làm việc: Nếu đời sống trước kia rất đơn giản chỉ lo “ăn no mặc ấm” là được, thì đời sống hôm nay đã trở nên phức tạp nhiều vì nhu cầu cuộc sống quá lớn như: ăn, ở, mặc, học, di chuyển, giải trí, sinh hoạt cùng nhu cầu phát triển nghề nghiệp để phát triển kinh tế. Tất cả các nhu cầu đó đòi hỏi phải được trang bị và phục vụ ở mức tốt nhất, đúng theo nếp sống văn minh hiện đại, mọi người đều ước muốn như thế. Vì vậy trong cuộc sống hôm nay, vấn đề cấp bách nhất và có tầm quan trọng đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế gia đình: phải làm cho ra tiền để thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống. Vì thế, việc làm giàu cho gia đình, cho xã hội là một nhu cầu bức xúc hàng đầu của con người. Ngày xưa, việc phát triển kinh tế thường chỉ dựa vào sức mạnh của hai bàn tay là chủ yếu. Hôm nay mọi sinh hoạt đã thay đổi theo đà phát triển tiến bộ chung của nhân loại, con người phải biết sử dụng tư duy, vận dụng tối đa trí thông minh để giải quyết những khúc mắc của cuộc sống mới mong phất lên làm giàu được. Tựu chung, của cải làm ra hôm nay là do biết suy tính, biết nắm cơ hội và biết hành động một cách khôn ngoan và khoa học, nghĩa là luôn tỷ lệ thuận với lượng kiến thức tích luỹ được bằng sự kiên trì học tập trong quá khứ, chứ không phải do sức mạnh của bắp thịt nữa. Còn việc bám víu vào các cơ quan xí nghiệp Nhà nước để kiếm sống bằng đồng lương thì là cả một vấn đề phải tính toán: Nếu là công nhân thì phải đáp ứng được đầy đủ nhu cầu chuyên môn và có tay nghề khá, giỏi mới được tuyển dụng và hy vọng được lương cao; nếu là công chức thì ngoài bằng cấp chuyên môn còn phải biết vi tính và ngoại ngữ tương đối khá và giỏi mới chen được chỗ tốt. Tóm lại, muốn làm ra tiền phải có căn bản vững chắc về GIÁO DỤC và ĐÀO TẠO, đó là con đường “độc đạo” dẫn đến thành công vậy. Hel Vétius, một nhà giáo dục phương Tây nói: “Mọi người sinh ra bằng nhau, với những người năng khiếu đồng nhau, chỉ có sự giáo dục làm cho sự hơn kém.”

III. GIÁO DỤC ĐÀO TẠO và SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI CHĂM:
1. Việc đào tạo ngành nghề có một tầm quan trọng đặc biệt:
– Mặc dù đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, xã hội Chăm vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc đào tạo ngành nghề cho con em mình, vì chưa có thói quen như thế. Ngược lại nhiều gia đình vẫn mong muốn cho con em mình học lên Đại học, chứ không muốn thi vào Cao đẳng hay Trung cấp.
Chúng ta thấy cách suy nghĩ như vậy hoàn toàn không hợp lý vì nhiều lẽ :
– Ngày nay, việc thi vào Đại học rất gian khổ, không phải cứ thi là đậu ngay. Nếu không có năng khiếu thì dù kiên trì đến đâu cũng vẫn khó đậu và nếu được may mắn đậu cũng học không có kết quả tốt được.
– Việc thi vào Trung cấp hay Cao đẳng có vẻ dễ dàng hơn, có nhiều hy vọng đổ đạt hơn lúc vào cũng như lúc ra, và sau này đi tìm việc làm hay tự lập nghiệp cũng ít khó khăn hơn.
– Trong hoàn cảnh đất nước đang trên đà xây dựng mới, đang phát triển về mọi mặt, đâu đâu cũng rất cần thợ giỏi và lành nghề để góp công, góp sức vào các công trình xây dựng đất nước, kiến tạo xã hội mà tuổi trẻ Chăm nói riêng và Kinh nói chung, gần như quay lưng với các ngành đào tạo kỹ thuật, dạy nghề thực dụng thì thật là bất hạnh cho xóm làng, hụt hẫng cho xã hội và gây khó khăn cho đất nước đang cố vươn lên cùng sánh vai với các nước phát triển trong khu vực.
Một nước đang phát triển – nghĩa là đang cố gắng thoát khỏi sự nghèo nàn lạc hậu – như Việt Nam cần có công nhân lành nghề gấp 10 lần tỷ lệ các kỹ sư để được cân bằng và hợp lý, nay người ta đang than phiền về tỷ lệ này là thầy đông hơn thợ! Tôi thấy tư tưởng không trọng ngành nghề tay chân là tư tưởng phong kiến còn rơi rớt lại. Thực tế cho thấy hàng ngàn công nhân đang làm việc ở nhiều công trình khác nhau trên khắp mọi miền đất nước, có người đã làm chủ một công ty, xí nghiệp hoặc một nông trại lớn, có người đã trở nên giàu có. Họ có thể trả lời cho ai đó ngần ngại xin vào các Trường kỹ thuật dạy nghề…Hôm nay ta chưa hiểu đúng mức tầm quan trọng của ngành nghề đối với cá nhân cũng như đối với xã hội như người xưa đã từng tôn vinh nghề nghiệp và răn dạy con cháu: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, hoặc “ cho dù ruộng cả ao bề, làm sao bằng có một nghề trong tay”.v.v…
Mặt khác, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào thực tế để cho sự việc được khách quan là ngay bản thân Nhà nước cũng chưa quan tâm đúng mức trong việc mở rộng mạng lưới các Trường kỹ thuật dạy nghề cho một đất nước đang phát triển cũng như chính sách khuyến khích học nghề nên mới có kết quả ngược đời là thầy đông hơn thợ của ngày hôm nay!

2 .Việc chọn nghề quyết định tương lai của con người:
Bấy lâu nay, người Chăm chỉ chuyên sống về nông nghiệp thuần tuý, mở mắt chào đời là đã thấy cái cày và con trâu rồi! Nếp sống nông nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức người Chăm đến nỗi không còn suy tính được đến một nghề gì khác nữa hoặc nâng cao hay mở rộng nghề nông của mình! Cứ ông cha ta làm như thế nào thì ta làm như thế đó, một cách máy móc. Chính sự nô lệ của thói quen như thế làm cho người Chăm lười động não và hay “dị ứng” với sự đổi thay…
Nếu ta quan sát kỹ nếp sống của xã hội tương đối phát triển của thành thị, ta sẽ thấy việc chọn nghề nghiệp là rất quan trọng, quyết định cả tương lai con người: Khi chọn nghề phù hợp với hoàn cảnh gia đình, phù hợp với thời đại đang phát triển thì ta có nhiều cơ may phất lên làm giàu không mấy khó khăn. Ví dụ ở thành thị ta chọn nghề phù hợp với môi trường sống nơi đó như: nghề sửa đồng hồ, sửa máy điện tử, điện lạnh, sửa xe ôtô, xe gắn máy, chế biến gỗ xuất khẩu; nếu có vốn và có năng lực thì làm nghề thầu khoán để nhân lãnh các công trình xây dựng, đường sá, cầu cống; nếu ít vốn thì làm dịch vụ mua bán các mặt hàng kỷ niệm cho các khách du lịch, hoặc bán các thức ăn nước uống…Như thế, việc bán buôn dịch vụ sẽ có nhiều thuận lợi và có cơ may phát đạt. Còn hoàn cảnh ở nông thôn thì ta nên bỏ công sức suy nghĩ, nghiên cứu về mô hình trang trại: chăn nuôi các thú có sừng kết hợp với làm vườn, trồng cây ăn trái hay cây công nghiệp. Mặt khác vùng nông thôn cũng rất thuận lợi cho dịch vụ buôn bán nhu yếu phẩm (kiểu tiểu siêu thị) và dịch vụ phục vụ cho việc cúng quẩy cùng các lễ hội, đám đình của địa phương…Dĩ nhiên các ngành nghề như: hớt tóc, may mặc, sửa xe, kỹ nghệ sắt, thợ hồ, bán thuốc tây v.v… cũng rất phù hợp với nông thôn vậy.
Với bất cứ ngành nghề nào, muốn thành công và phát đạt thì nhất định phải bỏ nhiều công sức nghiên cứu ở sách báo, học tập kinh nghiệm trong thực tế và thực sự dấng thân vào công việc. “Trong cuộc đời không có gì mà không trả giá và không có gì tới ngẫu nhiên; càng đào thì hố càng sâu và hố càng sâu thì giếng càng nhiều nước”, Kim Woo Choong, một nhà kinh tế lớn Hàn Quốc, đã phát biểu như thế.

IV. GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO VÀ SỰ XÂY DỰNG XÃ HỘI MỚI:
1. Học để đổi đời:
Chúng ta nhận thấy là muốn thành công trong cuộc sống thì cần phải có nhiều yếu tố: Nỗ lực lao động, thay đổi tư duy, rèn luyện nhân cách, nâng cao kiến thức…Trong các yếu tố ấy rõ ràng việc phải HỌC để không ngừng nâng cao kiến thức là việc quan trọng hơn cả, vì kiến thức là nền tảng của sự phát triển và tiến bộ, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân; từ kiến thức sâu rông ta mới ý thức được những việc cần phải làm và phát huy được tiềm năng khác của con người qua trí thông minh và tinh thần sáng tạo. Như vậy, khi đã hấp thụ được một nền học vấn vững chắc rồi, muốn đạt được mục đích “làm ra tiền” thì con người phải biết sử dụng tư duy một cách nhuần nhuyễn và triệt để? Tại sao trên đời này lại có những nhà tỷ phú và những người bần cùng cùng tồn tại bên nhau? Nếu ta xét những điều kiện sinh hoạt của 2 vùng nông thôn và thành thị thì sẽ thấy nguyên nhân của nó: Vùng nông thôn là nơi dung nạp những tư tưởng nhàn rỗi, thụ động và an phận thủ thường thì không bao giờ có những con người dám suy nghĩ hay hành động táo bạo, phác thảo những kế hoạch làm ăn to lớn để vay vốn hàng tỷ bạc. Rõ ràng những nơi có cuộc sống êm đềm, nhàn hạ như thế rất thuận lợi cho sự sản sinh những người chây lười và nhút nhát. Đó là cái nôi của sự nghèo đói và bần cùng! Ngược lại, chốn thị thành là nơi có cuộc sống sôi động dễ phát triển những tư tưởng tiến bộ, lúc nào con người cũng có ý chí vươn lên làm giàu, có óc sáng tạo, dám cạnh tranh tầm cỡ quy mô quốc tế thì nhất định phải sản sinh ra những người gan dạ, có những suy nghĩ và hành động táo bạo. Đó là cái nôi của các nhà kinh doanh lớn, những bậc kỳ tài và những nhà tỷ phú cự phách !
Tóm lại, một khi đã tích luỹ được một vốn kiến thức nhất định, nếu muốn đổi đời thì nhất định phải thay đổi tư duy.

2. Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời:
Ngày nay, việc học đã phát triển cao độ và trở thành nhu cầu thiết yếu và quan trọng đối với mọi người. Muốn làm tốt bất cứ một việc gì trong mọi lĩnh vực thì con người phải có căn bản về học vấn. Sự học tập của ngày hôm nay liên quan mật thiết đến ngày mai: Một học sinh giỏi trên ghế nhà trường hôm nay là hạt giống tốt cho xã hội mai sau. Hạt giống ấy sẽ nẩy mầm thành cây, rồi sẽ ra hoa kết trái mang lại bao nhiêu quả ngọt cho đời. Một công nhân giỏi sẽ là nhân tố tích cực của một công ty xí nghiệp; chính những lao động giỏi này sẽ là yếu tố làm xoay chuyển nền kinh tế quốc dân. Một giáo viên giỏi là một nhân tố quý báu rất cần thiết cho nền giáo dục của một nước đang phát triển; đó là cái máy chuẩn mực để sản xuất ra những sản phẩm chuẩn mực làm tiền đề phát triển cho một xã hội đang vươn lên…Một nhà kinh doanh giỏi sẽ đem lại sự phồn vinh thịnh vượng cho đất nước. Một nhà chính trị giỏi sẽ dẫn dắt cộng đồng xã hội mình đi đúng hướng trên trục văn minh tiến bộ của nhân loại, làm cho đất nước ngày thêm rạng rỡ…
Muốn đào tạo được những người ưu tú như thế chúng ta phải có một nền giáo dục hoàn chỉnh và tiên tiến! Các nhà chiến lược thời xưa đã có sự tính toán khá sáng suốt và khoa học để cân bằng các ngành hoạt động trongtổ chức xã hội. Để quản lý xã hội và điều hành đất nước một cách hài hòa, cân đối. Người xưa đưa ra 4 nguyên lý sau đây, rất đáng được các thế hệ hôm nay suy ngẫm: Phi nông bất ổn, phi công bất hoạt, phi thương bất phú, phi trí bất hưng. Như vậy, đối với người xưa, vấn đề Trí Dục là vấn đề đáng được quan tâm hàng đầu, vì có trí dục mới có sự hưng thịnh của đất nước.
Ngược lại, một nền giáo dục què quặt, kém cỏi sẽ dẫn đến một xã hội thối nát nhiễu nhương; và một xã hội thối nát nhiễu nhương sẽ sản sinh ra những tuổi trẻ chây lười, kém phẩm chất và những người lao động vô trách nhiệm, sống vô đạo đức chỉ biết giành giựt mọi quyền lợi về cho bản thân mình, sẵn sàng chà đạp lên quyền lợi của người khác, kể cả quyền lợi của đất nước đã và đang nuôi dưỡng họ…Theo nhận định và đánh giá thực trạng xã hội của nhà bác học Lê Quý Đôn thì ta thấy có 5 yếu tố dẫn đến mất nước, đó là :
1. Trẻ không kính già.
2. Trò không kính thầy
3. Binh kiêu tướng thoái
4. Tham nhũng tràn lan
5. Sĩ phu ngoãnh mặt
Thiết tưởng 5 yếu tố trên rất cần thiết và hữu ích cho các nhà giáo dục và các nhà chiến lược tham khảo để hoạch định những chương trình quy mô hầu kiến tạo xã hội, xây dựng Đất nước một cách bền vững…

*

Qua phân tích, chúng ta thấy Giáo dục-Đào tạo trong vùng dân tộc Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận phát triển khá tốt và đều đặn. Mạng lưới trường lớp cũng như số lượng học sinh không ngừng tăng trưởng. Nếu so sánh với mặt bằng giáo dục-đào tạo của năm 1960 thì chúng ta phải lấy làm lạc quan và tự hào. Riêng vùng Chăm Bình Định – Phú Yên và vùng Chăm miền Nam thì sự phát triển giáo dục còn chậm, chỉ theo nhịp điệu và quy mô của vùng sâu vùng xa mà thôi.
Tuy nhiên, ngay trong vùng Ninh Thuận và Bình Thuận, việc học chưa nhằm vào mục đích cụ thể trong một nhân sinh quan rõ ràng, khiến cho giáo dục-đào tạo chưa phát huy tác dụng như mong muốn, nghĩa là chưa giúp giải quyết tích cực những khó khăn của cuộc sống hiện tại. Xã hội Chăm là một xã hội còn lạc hậu nên rất cần đến VIỆC HỌC THỰC DỤNG: Cần phải đào tạo được thợ giỏi và công nhân lành nghề cũng như nông dân có kiến thức phổ thông, tháo vát để làm nồng cốt, sau đó mới cần đến mạng lưới đào tạo bậc cao hơn, nghĩa là các trí thức Đại học và một mũi nhọn của các nhà khoa bảng để làm đầu tàu. Hơn nữa, phải tích luỹ được một số VỐN rất cần thiết cho một sự khởi hành nghiêm túc và có hiệu quả trong mọi hoạt động kinh tế. Như vậy, nếu chúng ta nói giáo dục-đào tạo định hình cho sự phát triển của xã hội trong tương lai thì phải khẳng định rằng chính kinh tế là tiền đề cho sự phát triển ấy, vì thiếu VỐN thì sự phát triển sẽ èo uột và hoàn toàn không hiệu quả; không có kinh tế đi đầu thì sự ƯỚC MƠ không bao giờ trở thành sự thật được! Vậy, hai yếu tố giáo dục và kinh tế là hai yếu tố có liên quan mật thiết với nhau, cùng phát triển song song và hoà quyện với nhau để tác động lẫn nhau…
Mặt khác, trong bất cứ xã hội nào thanh niên luôn luôn là rường cột của Đất nước. Nhìn vào sức sống của tuổi trẻ, ta có thể tiên đoán được tương lai của một quốc gia. Vì thế, trong những cái đáng tiếc của tuổi trẻ, phải nói là sự xao lãng việc HỌC là đáng tiếc nhất, vì thiếu giáo dục-đào tạo thì không bao giờ làm được việc lớn cho gia đình và cho xã hội. Ngày nay, qua kinh nghiệm của các nước tiên tiến, chúng ta có thể khẳng định: Một nền học vấn cao, cộng với nhân lực xuất sắc là tài nguyên vô giá của một quốc gia! Thi Chấn Vinh rất có lý khi nói rằng: “ Sự phát triển có hiệu quả trí lực của toàn dân tộc sẽ quyết định sự tồn vong, hưng thịnh của Đất nước trong tương lai”.

Tagalau 7.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *