Nỗi Cham-12. KỂ, NHƯ LÀ TẠ ƠN

Tôi đã kể câu chuyện Cham: 48 URANG CHAM, các nhân vật đóng góp cho tồn tại Cham hôm nay, đăng website Inrasara 2016, không ai ý kiến cả. Đến Hani, một Cham còm đại ý: Chuyện Hani làm tốt, Inrasara làm hay hãy để cho anh em khác khen; tự viết về mình mất hết giá trị.

Một phát ngôn mới dòm qua có vẻ đúng, ngoảnh nhìn lại thì không.

Năm 1988, anh Đàng Năng Trốn kéo điện về Chakleng, lần đầu tiên trong các palei Cham. Là chuyện thiên nan vạn nan, mọi người biết, không ai kể cả.

Năm 1991, Pô Adhya Hán Bằng, chú Đạt Chữ, và… cải cách [nếu không nói là cách mạng] Kut Gađak. Là lần đầu tiên, từ đó các palei Cham làm theo. Lạ, chưa thấy ai kể thành văn bản cả.

Năm 1999, Hani xin Sứ quán Canada làm hệ thống nước sạch cho Chakleng – đi trước các làng Cham khác cả chục năm. Trước nữa, Nội san Panrang khiêm cùng mà vĩ đại, hiện có Cham nào biết nó đi qua bao gian nan, khổ ải không?

Năm 2004, tôi đặt hàng anh Cựu Chi Tơ viết về thời kì đầu Hội Đồng hương Cham ở Sài Gòn đăng Tagalau. Kể tập trung và khái quát nhất, 10-15 trang. Anh hứa, rồi anh quên. Chớ hỏi, hiện có ai còn nhớ đủ và đúng về hoạt động của Hội ấy giai đoạn kia?

Vân vân.

Tất cả sẽ làm kí ức, và mớ kí ức hay-đẹp kia sẽ mờ phai theo năm tháng, nếu không có người kể thành văn bản, lưu trữ.

Nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc. Tôi là nhà văn, tôi kể. Chuyện mình, chuyện người xung quanh mình, chuyện dân tộc mình… Kể trực tiếp, kể qua văn chương, qua video clip, ở đó phim về Ban Biên soạn sách chữ Chăm và Trường Pô-Klong là một.

Trở lại với chuyện hôm nay. Hani hai lần tổ chức mổ đục thủy tinh thể cho bệnh nhân Cham huyện Ninh Phước với bao gập ghềnh sóng gió. Chuyện tốt kia, ai kể? Ai biết mà kể? Và ai có khả năng kể, nếu không là nhà văn?

Ngay việc 5 lần cải cách ngành nghề Thổ cẩm Chakleng, Hani làm mà không biết đàng mà kể. Một hôm tôi hỏi, mẹ nó có biết mình đã làm được chuyện “tày trời” đó không? – Không! Làm, không chỉ một mà năm lần không? – Càng không! Không kể lại, bài học kia sẽ đi theo nàng. Bài học ấy có đáng để cho nó chết không?

Là điều chị em Chakleng mơ hồ biết, rồi quên. Chớ chuyện tôi “Nhật du” một tuần, nói chuyện ở 3 Đại học và 2 tổ chức phi chính phủ, là vụ to liên quan đến Cham được báo chí Nhật làm rềnh rang, có tờ còn đưa lên trang nhất – điều tuyệt đối không Cham nào biết, hỏi tôi có nên kể lại không?

Vậy đó, thây kệ ai cho là không nên kể chuyện hay đẹp của mình, tôi – là nhà văn, cứ kể. Kể, mới có được tập bút kí 34 Đối thoại Fukushima-2019.  

Tôi luôn hối thúc các “nhà văn” Cham bản quán kể câu chuyện về palei mình, cái thực, tốt, hay, và độc đáo nhất. Kể để tạ ơn, kể như là TẠ ƠN.

Sống nghĩa là tạ ơn – ơn ngãi đầy tràn

nằm ngoài chân trời đếm đo được mất

tạ ơn làm cho ta lớn lên.

Quỳ gối trước đoá hoa dại nở đồi trưa

tạ ơn bàn tay đưa ra bất chợt

tạ ơn câu thơ viết từ thế kỉ trước

giọng cười xa, nụ hôn gần.

Quỳ gối trước mặt trời thức giấc mỗi sớm mai

tạ ơn chén cơm đói lòng, điếu thuốc hút dở

tạ ơn dòng sông mơ hồ chảy qua tuổi nhỏ

tên ngọn đồi, cánh rừng trong mơ chợt vang lên

tạ ơn bước chân hoang, trái tim lầm lạc.

Bởi không thể sống mà không tạ ơn

tạ ơn trang giấy trắng, tạ ơn dòng thơ cuối cùng chưa viết

tạ ơn không gian vô cùng, thời gian bất tuyệt

dẫu không là gì cả tôi vẫn cần thiết có mặt

vậy nhé – tôi xin tạ ơn TÔI.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *