Khổng: 15 tuổi để chí vào sự học, 30 tuổi thì trụ vững, 40 tuổi hết ngờ, 50 biết mệnh trời, 60: nghe thuận tai, 70: muốn làm gì làm nhưng không ra ngoài khuôn phép.
Bà-la-môn khác hơn, phân đời người làm 4 giai đoạn: Dưới chơn thầy [học], Làm chủ hộ, Vào rừng và Phong phanh giữa trời đất.
Tôi thử phân loại theo kiểu mình, hợp thời và vui hơn: Đời người có 4 hiệp. Ở đây tôi cố gắng diễn bằng ngôn từ dễ hiểu nhất có thể.
Hiệp-1. Luyện kĩ năng, tinh thần và chiến thuật
HỌC, bạn cần đọc [sách] rất nhiều, và đọc nhiều loại khác nhau. Đây là tuổi tò mò gì cũng muốn biết, tiếp thu nhanh nhất, thế nên bạn cần tời sự hướng dẫn đúng cách [“dưới chơn thầy”].
Cạnh đó, tiếp xúc với nhiều thành phần người cũng là cách học-hiểu.
Hiệp-2. Ra sân đấu với đối phương
CHIẾN, để tồn tại, để sáng tạo.
Thành công hay thất bại không là vấn đề, khi ta quan niệm đời là một hành trình. Chiến, làm cho ta trưởng thành, và sống cuộc đời phong phú. Ta ban cho cuộc chiến đó ý nghĩa, không gì cả, chỉ để thành một NGƯỜI.
Malraux: Không phải chín tháng mươi ngày, mà cần đến 60 năm mới làm thành một con người. Để rồi tốt hơn cả, bạn nên chết đi. Tại sao?
Hiệp-3. Quay xe đấu với đội mình
Bạn phải vượt qua 10 “đồng đội”, để ghi bàn quyết định vào lưới nhà.
[1] Sau mấy thành tích đạt được, bạn sanh tâm Ngạo mạn. Đòi hỏi đầu tiên là bạn phải dẫn bóng vượt qua, bỏ nó lại sau lưng, và hãy để nó như là thế
[2] Bạn đã biết đủ để “tri túc”, và vượt qua cầu thủ thứ hai: Ham muốn
[3] Hiểu đời là vô thường, bạn chấp nhận sự khác biệt: Yêu mệnh
[4] Khoan dung và tha thứ, bạn Mở lòng với tất cả
[5] Sống Giản đơn: có ít, ăn ít, ngủ ít…
[6] Tùy duyên, không can thiệp vào nỗi đời, sống qua mỗi giây phút “ở đây và lúc này”
Khi đã vượt qua 3 Tiền đạo cùng 3 Tiền vệ trên, bạn Vô ngại với:
[7] Yêu nỗi Cô đơn như quê hương của mình
[8] Tạ ơn những ngày qua, tạ ơn được nhìn thấy mặt trời mỗi sớm mai
[9] Truyền lửa, với tâm thế “Cho và đi, cho và đi mất về biển xa”
[10] Cuối cùng, bạn Ghi bàn vào lưới nhà: VUI VẺ
Hiệp-4. Bạn dạo chơi vô phân biệt sân nhà, sân đối phương hay khán giả, sống “phong phanh giữa trời đất”.