Bài-1. KIẾM TIỀN Ở ĐÂU?
Lấy bằng tiến sĩ đút túi thì dễ, chỉ cần chịu khó bám chương trình, bám thầy là ổn. Làm nhà nghiên cứu mới khó, bạn một mình miệt mài với hồ sơ, thêm ít nhiều có đầu óc khoa học. Phê bình khó hơn, nó đòi hỏi khả năng phát hiện và thẩm định cái mới, thêm cái lí luận. Để thành một nhà thơ [sáng tạo] mới thực sự khó. Lạ, Cham thích làm chuyện khó là THƠ, trong khi điều ta cần và rất dễ làm là kiếm tiềm, ta không chịu… làm. Kiếm tiền, không cần nhiều kiến thức như nhà nghiên cứu, không đòi hỏi tài năng bẩm sinh của thi sĩ, mà chỉ cần ý MUỐN KIẾM TIỀN.
Năm 2017, đăng loạt bài “Cham vẫn có thể làm giàu” với nhiều dẫn chứng cụ thể, anh em vào bình xôm tụ. Này xin tinh gọn lại trong 3 bài, làm bài học khởi nghiệp cho bạn trẻ Cham: Triết lí căn bản về tiền & cách kiếm tiền – Cham vẫn có thể giàu – Nhiều tiền, để làm gì?
Ngày xưa, Cham giỏi buôn bán. Thế kỉ XI, lưu lạc qua Philippines, chỉ qua 200 năm, Cham dựng lên thành phố sầm uất nhất. Thế kỉ XIII, Yên Sở làng Cham, là một trong vài làng giàu nhất đồng bằng Bắc Bộ. Cả khi là tù binh, thế kỉ XIV “phiên” Ma Lôi một sinh linh Cham qua Lào để thành vua buôn bán nơi ấy.
Tôi đã từng có tiền, xin kể vài điều/ chuyện.
Trước tiên, tạm nêu vài nguyên lí rất thực:
[1] Bạn hóng tìm tin [cuộc chiến Thông tin], phát hiện nhu cầu của người tiêu dùng, nếu chưa có, bạn biết tạo ra nhu cầu đó.
[2] Câu hỏi: Làm thế nào đáp ứng nhu cầu kia, sớm nhất, nhanh nhất và chất lượng nhất?
[3] Tiếp: Làm sao khách mua và trở lại mua tiếp, mua nhiều hơn? Nếu làm du lịch, khách đến và hẹn quay lại, chớ không chào từ biệt như du lịch ta hôm nay.
[4] Cuối cùng khách vừa bỏ tiền ra mua, còn nói lời cám ơn mình.
Kiếm tiền, dễ lắm.
Đầu năm 1991, mở quán tạp hóa nhà quê, chỉ qua năm rưỡi, [chúng] tôi có tiền, qua KHAI THÁC tối đa nhu cầu của bà con làng xã.
Vào Sài Gòn, mở cửa hàng ở thương xá TAX, tôi phất lên, nhờ PHÁT HIỆN nhu cầu của người thành phố về các mẫu mã hàng thổ cẩm.
Cũng ở Sài Gòn, ngoài hàng Cham, chúng tôi [ở đây Hani công lớn] còn nhập lượng lớn khăn mỏng Thái Mai Châu vào bán, tôi gọi đó là TẠO NHU CẦU. Tương tự, qua Nhật, dạo một vòng siêu thị, tôi vẽ một mẫu độc, về – tổ chức chế tác và thu tiền, cũng là cách tạo nhu cầu.
Vân vân…
Vụ dự án thép Cà Ná đang cao trào, ở bài “Việt Nam: giàu, đẹp và tanh bành” đăng RFA, tôi đặt câu hỏi: “Ninh Thuận thực sự cần gì? – Nước, du lịch văn hóa Cham và du lịch bán sa mạc”.
Tại sao Cham không thể kiếm tiền từ du lịch văn hóa làng?
Từ Chakleng với [Làng nghề] Thổ cẩm, Đồng Sen [Isvan và…], Homestay INRA [Jaka], Nhà Trưng bày Văn hóa Cham [Jaya quản lí] sang Gốm Bàu Trúc [Phú Thuần và…] qua vùng Paprong [palei Boh Dana, Kacak…] rồi tới Bal Riya, hay Pabblap với nghề thuốc nam [Kiều Maily, Xuan Bao]…
Tôi thử đi một vòng, nhìn ra ở đó cả suối tiền chảy vào túi Cham.
Có ai NHÌN RA và làm THẬT chưa?! Không tị nạnh mà biết kết hợp, hỗ trợ nhau làm. “Buôn có bạn, bán có phường”. Làm được, mình vừa giàu vừa sang, thêm: Thu hút người ngoài hiểu văn hóa Cham, họ sẽ quý Cham hơn.
Muk Thruh Palei ghét tệ cái nghèo. Nghèo, là đầu mối mọi tội lỗi, Nguyễn Công Trứ:
“Lục cực bày hàng sáu, rành rành kinh huấn chẳng sai
Vạn tội lấy làm đầu, ấy ấy ngạn ngôn hẳn có”.
Qua loạt bài, tôi từng bày nhiều Cham cách kiếm tiềm, chỉ ra rất CỤ THỂ, nhưng rồi hoặc do kém tinh thần phiêu lưu hoặc thiếu tự tin thành đánh rơi nhiều cơ hội. Xưa, Cham làm thương mãi có hạng, nay – hà cớ ta không thể tiếp nối truyền thống siêu đẳng ấy?!
Bài-2. CHAM VẪN CÓ THỂ GIÀU
Con người sống trên mặt đất, ngoài người tu hành và nhà tư tưởng, nhìn chung chỉ là kẻ BÁN HÀNG, không hơn không kém. Nhà văn hay công nhân, bác sĩ hay nhân viên Nhà nước cũng hệt. Muốn vượt trội, vấn đề của mỗi cá nhân là bán hàng thật giỏi, vậy thôi.
Thuyết Kim Tứ Đồ phân con người làm 4 loại: [1] Nhóm làm thuê, [2] Nhóm tự kinh doanh riêng, [3] Nhóm chủ doanh nghiệp, điều khiển người giỏi làm việc cho mình, và [4] Nhà đầu tư, chuyên điều khiển dòng tiền.
Từ thực tiễn đời sống Cham hôm nay, tôi tạm phân loại theo 5 nhóm:
[1] Nhóm bán sức lao động có 2 loại:
Tay trắng, ta bán thân [vốn tự có] đến bán sức: từ công nhân đến ô-sin giúp việc. Bộ phận này, lực tàn là hết cái ăn.
Cao hơn xíu là loại người thay vì bán sức chuyển sang bán kĩ năng: giáo viên, nhân viên, kĩ sư… Nhóm này dù “ổn định” nhưng lệ thuộc chủ, khi tài suy là hết thu nhập, sống dựa vào lương hưu.
Nhóm [2] gồm các ông/ bà chủ nhỏ: Nông dân có tư liệu sản xuất, chủ tiệm cà-phê hay chủ quán tạp hóa, bác sĩ mở phòng mạch… Nhóm này có của ăn của để, nhưng cực và ít có thời gian sống, bởi họ bao xâu tất tần tật.
[3] Nhà tổ chức sản xuất, sử dụng sức và chuyên môn của nhóm người cần bán sức và bán kĩ năng. Đây là nhóm người có cơ may giàu.
[4] Nhóm lưu thông phân phối sản phẩm của nhóm [1] và [3], là kẻ ngồi mát ăn bát vàng. Và [5] Nhóm đầu tư, họ giỏi kĩ năng huy động vốn, để tiền đẻ ra tiền. Đại đa số tỷ phú thời hiện đại nẩy ra từ nhóm này.
Cham chưa ai mon men tới hai nhóm cuối này.
Thử nhìn lại mình, tôi đã làm gì?
[1] Làm thuê
1977, bỏ Đại học về quê 1 năm cày ruộng thuê theo nghĩa đen. Năm 1982, làm nhân viên Ban Biên soạn sách chữ Chăm, cũng là làm thuê.
[2] Làm nông
1983, Nhà nước cấp phát 2 sào ruộng tốt ở Cok, dù làm 2 mùa rất được, tôi quyết biếu không. Biết đó là nghề không thể sống, tôi qua mảnh đất hoang khác, chuyển sang làm V-A-C ngon lành.
[3] Thế vẫn còn là bán sức
Năm 1991, mở Tạp hóa tại Chakleng, để qua năm, tôi thu nhập có hạng trong Cham ở thời điểm ấy.
[4] Dẫu sao đó chỉ là bán lẻ cho dân quê
Năm1993, tổ chức Cơ sở sản xuất Thổ cẩm đến năm 2000 là Cty tại Sài Gòn, mới lên mạnh!
Như vậy, tôi đã đi từ bán sức lao động thuần túy [1], đến dùng sức với tư liệu sản xuất sang mở quán tạp hóa [2] đến mở Cty: tổ chức sản xuất, và cả lưu thông phân phối sản phẩm của mình [3].
Bằng tư duy phát triển đầy ý thức, tôi đã thành công lớn, nhưng rồi chịu thất bại. Tại sao? – Tại đây, có bước ngoặt mang tính quyết định.
Nhớ là, từ khởi nghiệp đến giai đoạn nhóm [3], tôi với Hani luôn thuận, đến bước chuyển, Hani – lúc này đã 60, khựng lại. Mà một doanh nghiệp bất kì, không tiến ắt là lùi.
Hani ham làm, tôi nói:
– Giám đốc là không được quyền làm, mỗi tuần mẹ nó cứ la cà cà-phê Quận-1 cho anh, chơi cho đầu óc thoải mái và tìm đối tác thôi.
Hani vẫn quyết làm [quay lại nhóm 2]. Tôi bày:
– Ta cũng không cần SẢN XUẤT nữa, mà thuần LƯU THÔNG PHÂN PHỐI. Hàng hóa cứ cho bà con ở quê làm, gợi ý họ nâng cao chất lượng, mang vào ta bán, tìm đầu ra cả trong lẫn ngoài nước. Mẹ nó vẫn giám đốc, sang và đẹp, suy nghĩ cách bán được nhiều hàng hơn, có giá hơn.
Nghĩa là nâng NGHỆ THUẬT BÁN HÀNG lên cấp độ cao nhất [4]: Bán sức lao động, trí tuệ và thời gian của người khác. Chỉ vậy mới hi vọng ĐẠI PHÚ.
Hani không hiểu! Chưa tới giai đoạn “nhà đầu tư”[5], ngay giai đoạn [4] là Lưu thông phân phối thôi, ta vẫn chưa. Thế là tôi nghỉ, và Cty thất bại!
P.S. Thời hiện đại, giỏi chuyên môn cũng bấp bênh.
Chuyên viên ngân hàng chả hạn, giỏi ngang nhau, ta còn phải đấu với 4 loài: Quan hệ, Tiền tệ, Tuổi trẻ, và Tâm tính. Cả khi đã có chân đứng, nguy cơ bị người giỏi khác hất văng ra không phải không thể.
Làm gì? – Nếu có khả năng, bạn hãy chọn nghề tự do; còn không cứ tạm bán sức lao động bậc thấp và cao [1], rồi tập trung vào 8g dôi ra của một ngày, quyết tâm chuẩn bị chuyển đổi vào “sinh thái” khác: đầu tư cho mục [2], nếu ngon hơn tấn công vào mục [3] hay [4].
Bài-3.
NHIỀU TIỀN, ĐỂ LÀM GÌ?
Bài-1&2 bàn về chung, bài-3 luận về cá nhân.
[1] Câu hỏi đầu tiên: bạn muốn có tiền không?
Tôi biết có nhiều bạn không làm gì ra tiền, rất cần tiền, nhưng luôn ra vẻ khinh tiền, khinh người có nhiều tiền, để tỏ cho xung quanh biết ta trí thức, ta cao cả. Tội không!
Muốn có tiền, bạn cần có tư duy kiếm tiền. Tư duy này không từ năng khiếu, mà trui luyện và qua nhiều thử thách mới lên đỉnh.
Trui rèn gì? – Kĩ năng kiếm tiền, có sức khỏe để kiếm tiền, và điều tối quan trọng: Tâm tính kiếm tiền.
[2] Buôn bán, tôi có 4 nguyên tắc:
1. Tuyệt đối không tham lam và nhất là không nói dối.
Tham lam, bạn dễ mắc mưu. Lừa dối, bạn mất uy tín, và không dài lâu.
2. Dám nghĩ mới & dám làm kẻ đầu tiên
Làm thổ cẩm, tôi là kẻ mở đường làm khác, từ đó thành công. Nhất là nghĩ mới, khi qua 5 lần cải cách, không có gì mới nữa, Cty đã khựng lại.
3. Buôn bán với người giàu, càng giàu càng tốt
Người Việt có câu: “Buôn mọi lỏi xương”, tục ngữ linh nghiệm đến mọi người mê tín. Nghề thổ cẩm, tôi không làm như cũ: ‘Nao Cru’ bán cho bà con Tây nguyên. Còn mở tạp hóa ở quê, tôi giàu nhỏ; chỉ khi vào thành phố, nhất là bán thổ cẩm cho các nước giàu, Cty mới phất lên.
4. Làm việc với con số.
Nghĩa là phải thực tế và cụ thể, “sai con toán, bán con trâu”.
[3] Nhiều tiền, để làm gì?
Câu hỏi cần đặt ra trước tiên: Muốn thành, bạn phải bám kế hoạch, chớ không thể tùy hứng. Hỏi chớ làm việc theo kế hoạch có mất tự do? – Có, nhưng đó là tự do bé nhỏ, nhất thời còn thì bạn đạt TỰ DO lớn, và dài hạn!
Có sức khỏe, không bị bệnh tật níu kéo, bạn tự do. Có kế hoạch, không nô lệ vào tính tùy tiện, bạn tự do. Có tiền, không phải lệ thuộc vào ai khác, bạn tự do. Khi có tự do, bạn có NIỀM VUI.
Cuối cùng có tiền,…
Bạn có thời gian làm công trình phục vụ cộng đồng, bạn có điều kiện hỗ trợ đồng nghiệp và xã hội. Có tiền, bạn khỏi làm phiền ai khi về già.
Còn ai có lí do chống việc làm ra tiền lương thiện không?