[& Vài minh định về ngôn từ]
Trước khi đi vào phân tích “phong cách”, điều khiến Minh Tuệ có được sứt hút không thể cưỡng nhiều thành phần người khác nhau, xin có vài minh định về ngôn từ để tránh thêm ngộ nhận không đáng.
[1] Tít “Bài học Minh Tuệ” là nói ngắn gọn, dài dòng hơn phải là “Bài học từ/ qua hiện tượng Minh Tuệ”. Bài học làm thành serie, chủ yếu:
– Qua “hiện tượng” này, tôi soi lại bản thân mình, CÁI TÔI đã có [giống ông] mà CHƯA ĐẦY ĐỦ, đã có và KHÁC, đã có và CÒN HƠN THẾ. Có bạn còm: Inrasara thua gì ông Minh Tuệ, có khi còn hơn. Hơn ở đây không có ý hơn kém về tầm, mà là đa dạng hơn về hoạt động, về…
– Qua hiện tượng Minh Tuệ, tôi dùng nguồn sáng ấy soi rọi vào sự việc diễn ra quanh tôi, cụ thể hơn: ở cộng đồng Cham và thế giới chữ nghĩa Việt Nam, để MỌI NGƯỜI rút ra bài học nào đó cho mình.
[2] Gọi “Bài học Minh Tuệ”, không phải tôi là học trò của ông, dù tôi vô cùng trân quý hiện tượng này. Tôi từng coi ông như một Biểu tượng dài hạn, chứ không là hiện tượng nhất thời.
Thế nào là “học trò”? Lấy ví dụ dễ hiểu hơn:
Tiểu học tôi học thầy Quảng Đại Hồng, tôi là học trò. Trung học, Nguyễn Văn Tỷ là thầy dạy của tôi. Lên Đại học, dù chỉ học cô Thủy 1 tuần rồi tôi bỏ giảng đường không lần trở lại, gặp cô, tôi vẫn kêu cô xưng trò.
Tôi xách cơm qua nhà cụ Thiên Sanh Cảnh một buổi để nghe cụ giảng về Xakawi, tôi nhận mình là học trò của cụ. Ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm, tôi học ở ông Lâm Nài khoảng mươi từ Cham “độc và lạ”, ở đó ông là người duy nhất tôi gọi ‘gru’ thầy.
Ngược lại, 47 năm tôi đọc và đọc lại hầu hết tác phẩm của triết gia Heidegger, và có thể nói trong đời sống tinh thần, tôi học ở ông nhiều nhất; tôi ngồi nghe nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn thuyết giảng vài lần; tôi dõi theo bước chân đạo sĩ Minh Tuệ… nhưng tôi không là học trò của họ.
Tự xưng học trò, vừa sai có khi dễ bị cho là mạo nhận.
[3] Đạo sĩ Minh Tuệ nhận mình “làm theo lời Phật dạy”, nhưng ông là người của thời đại này nơi đất nước Việt Nam trong hoàn cảnh rất cụ thể này, được ngẫu nhiên hỏi-trả-lời, ông đáp lại theo cách của ông: giản đơn mà minh triết qua những gì ông trải nghiệm.
Các phát ngôn ấy nếu truy nguyên thì “đụng hàng” rất nhiều nhà hiền triền trước đó, chứ không riêng gì Đức Phật.
Ví dụ ông nói: “Sống chết ai biết khi nào đến với mình đâu, thế nên còn thân là còn tu, nhỡ mai thân này mất rồi lấy gì mà tu nữa”. Là điều ai cũng biết, cũng nói nhưng chỉ ở sát-na ấy trước câu hỏi bất ngờ ấy, lời lẽ giản đơn kia mới bừng lên ánh sáng Minh triết.
Ở đây, hãy tạm bỏ qua thao tác “nghiên cứu”, nêu lên để làm bài học cho đại chúng chung.
Thuk siam!