Sống tôn giáo-44. BẠN KHÔNG TIN MÙI COCA THẾ NÀO, NẾU…

[Minh Tuệ đã “dạy” cho người Việt Nam biết… xếp hàng]

Ông thật đến không thể thật hơn, rồi từ cái CHÂN ấy, nguồn sáng THIỆN lành lan tỏa khắp – một cách tự nhiên như nhiên, để chính thân ông toát ra cái ĐẸP thuần khiết. Chân – Thiện – Mỹ, là ông: đạo sĩ Minh Tuệ.

Tôi không ngạc nhiên khi vài “trí thức” không tin ông THẬT.

Chuyện kể, thấy môi ông chảy máu, một anh hỏi thầy sao thế, ông nói tránh đi rằng do bị mụt trong miệng. Ngay khi người ấy rời đi, ông sực hiểu mình đã phạm giới nói dối. Sáng hôm sau ông vào làng tìm người ấy để nói lại, chả thấy đâu. Qua năm, tình cờ được Youtuber hỏi về chuyện cũ, ông mới kể sự thật, và mong được người ấy nghe, cho tâm mình rỗng rang.

Kỉ luật tự thân nghiêm ngặt là vậy.

[Hệt chuyện tôi, đã kể] Pô-Klong trường Cham – cô giáo Huế, Nguyễn Vân Như Ý trẻ, đẹp, dạy hay, yêu thương học sinh Cham, tôi chỉ nhớ thế. Cô dạy thay, và đụng sự cố.

Sáng vào lớp, lên chỗ bàn giáo sư, cô không nói gì, mặt tái đi, và kêu cả lớp đứng dậy. – “Ai nhại cô?”. Cô nhắc hai lần, cả lớp im phăng phắc. Hai phút trôi qua, cô bảo nửa dãy bàn bên kia ngồi. Rồi: nửa sau dãy này, và rồi còn lại bàn đầu tiên: Xoài, Đạt, Đảo và tôi.

– Cô không phạt đâu, nói đi, em nào nhại cô? Không ai cả! Thế là cô cho 4 đứa bước ra ngoài cầm theo tờ giấy với cây bút, tự khai [rất tế nhị].

Vẫn là giấy trắng! Cô xếp cuốn sổ, nói gì đó [dường cô muốn khóc] và bước ra khỏi phòng, từ đó cô không dạy lớp chúng tôi nữa.

Học sinh Cham dân nhà quê, không ai biết “nhại” cả, mà chỉ biết “nhái”, cô lại phát âm Huế, mới khộ. Mãi sau vào Sài Gòn làm sinh viên chung trọ với Triêm dân Huế, tôi mới biết chính tôi là TỘI ĐỒ.

Mấy năm qua, 2 lần Website với Facebook tìm cô để nói lời xin lỗi, nhưng bất thành. Năm ngoái họp lớp, tôi nhờ các bạn ai biết cô ở đâu mách giùm với…

Xin lỗi đã vậy, cảm ơn cũng không khác.

Trường Pô-Klong, lớp Đệ Tứ, thầy Phạm Đăng Phụng dạy văn lớp tôi. Rất ngẫu nhiên thôi, thầy nói, dân tộc Cham phải có văn học chứ, sao thầy không thấy ai viết về nền văn học ấy nhỉ.

20 năm sau, tôi đã cho trình làng bộ ba Văn học Cham. Trả lời báo Tuổi trẻ 4-7-1995 “Inrasara, người nghiên cứu tâm hồn dân tộc Chăm của mình” (Nguyễn Lương Hiệu thực hiện), tôi có nhắc đến thầy, người gợi ý cho tôi. Giữ tờ báo nhưng chả biết tăm hơi thầy đâu để “cảm ơn”. Sau 1975 thầy bị nạn thời cuộc, gia đình lênh đênh rày đây mai đó.

Mãi hè 2016, bạn học Nguyễn Thị Quý rủ tôi ghé nhà thầy ở Tri Thủy, cạnh nhà từ đường TT Nguyễn Văn Thiệu. Thầy xúc động nói:

– Đời thầy, thầy biết thế nào cũng sẽ có ngày như ngày này.

Tôi kể chuyện cũ và nói lời cảm ơn thầy, và copy lời thầy: Em cũng thế, dẫu sao rồi cũng sẽ có ngày như ngày này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *