[1] Trông người…
Một tu sĩ đạo Phật có chức tước, giảng: “Nhiều tôn giáo súc vật hóa con người, xem con người như con cừu, con chiên, mà con cừu, con chiên là con ngu, nó không biết gì hết, chỉ theo chủ chăn. Còn đạo Phật là giác ngộ hóa con người, đề cao tất cả mọi người có thể thành Phật ở tương lai…”
Một tu sĩ khác tuổi trên 30, nói theo, giọng bỡn cợt: “… ở kia buồn buồn nó bỏ vô chảo nó chiên, bởi là con chiên mà”.
Một tu sĩ bên Đạo Chúa biết, và giải minh:
“Nước Trời ở trong mỗi chúng ta, mà bổn phận chúng ta là làm cho Nước Trời lớn lên. Một khi Nước Trời lớn lên thì chúng ta càng giống Chúa Jesus…”
Ki-tô hữu là “con chiên”, là lối nói mang tính hình tượng, “con chiên nói lên sự hợp nhất của Giáo hội có một chủ chăn với rất nhiều tín hữu…”
“Nước Trời ở trong mỗi chúng ta”, được Nikos Kazantzakis diễn ngôn đầy hình ảnh: “Giải đất mới ở trong lòng người. Bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, rộng lượng và không hy vọng.” – Phạm Công Thiện dịch.
Phát ngôn công kích một tôn giáo khác là tối kị. Không hiểu mà công kích, là chí nguy. Công kích khi mình có vai vế, thì càng.
[2] Ngẫm đến ta
Xung đột Bà-la-môn và Islam khi Champa suy yếu, được tái hiện trong Sử thi Akayet Um Mưrup, là bài học.
Câu 34:
‘Um Mưrup nưmơx thukal thong Dêbita
Asulam prong pabha klong halar khing tamư’
“Um Mưrup trình tâu lên Đấng Tối cao/ Islam cao vời, con tuân phục xin được nhập đạo”.
Câu 104:
‘Ahar patao halun bbang dak tamư
Ahar haram biak lô, ahar siam pak akhirah’
“Bánh trái nhà vua [cha Um Mưrup] con ăn không thể vào/ Loài bánh trái ô uế, còn bánh ngon trên thiên giới”.
Câu 154: ‘Um Mưrup laic amư mưnwix haram’
“Um Mưrup bảo vua cha là kẻ ô uế”
Khuyên bảo sao cũng chả được, không nỡ giết con, nhà vua liền sai người trói Um Mưrup lên lưng ngựa, cho bỏ ngoài rừng. Thế là Um Mưrup kéo đoàn quân ngoại bang về phá nát kinh thành [‘mưthuh tayah mưdhir gilang’ – câu 225], đền tháp [‘jalơh kalan takaprah’ – câu 227] vương quốc, giết hại vô số binh lính vua cha.
Câu 214:
“Nhu tak bôl gah amư yau ra jah
Darah đôic daup rong atheh mưtai yau ra ppabbuk’
“Um Mưrup chém giết, càn quét binh lính vua cha/ Máu chảy ngập lưng ngựa, thây chết chất thành đống”.
Mọi tàn phá, hủy diệt đều xuất phát từ quan niệm: những gì của Bà-la-môn [đang là quốc giáo Champa khi ấy] đều HARAM ô uế. Champa suy và vong, từ đó. Là bài học lớn của & cho hôm nay: CON CHIÊN LÀ CON NGU.
Hà cớ chúng ta không chịu học?! Nguy tai nguy tai…