Sống tôn giáo-30. THẾ NÀO LÀ TINH TẤN?

“Người ấy” của Rilke bất chợt nhớ, đứng dậy khỏi bữa cơm chiều, và đi – tìm ngôi giáo đường người ấy bỏ quên, biệt tích về miền vô danh. Minh Tuệ thấy, xin phép cha mẹ rồi đi, 6 năm không ngưng nghỉ và còn hứa hẹn, cho đến chết.

Đó là tinh tấn mang tính tâm linh.

Hãy nghiệm, dường các cuốn sách, tác giả mình đọc hay điều mình làm ở tuổi 20 qui định và quyết định những gì diễn ra sau đó, cả đời người. Lãng đãng tùy hứng hay quyết liệt, tùy – nhưng nó là thế.

Tôi cũng vậy, khác điều tôi luôn “hết mình & tới cùng” cái đã dự phóng trước đó, từ tuổi 20. Đoạn thơ viết vào năm 1982:

Khi tôi chỉ còn bóng tối làm bạn đồng hành

và con đường nằm trong bước chân

con đường bạt núi đồi, thành phố

con đường băng tìm con đường chưa khai mở ở trần gian

Con đường dù mơ hồ và vô định, tôi vẫn đi, tận… hôm nay.

Là tinh tấn thuộc phạm trù Tư tưởng.

Tuổi 15, tôi lang thang khắp palei Cham, tìm đến tận nhà các vị giỏi nhất Cham thời ấy, săn tìm bản chép tay để chép, và học. Từ Thiên Sanh Cảnh, Châu Văn Mỗ đến Huỳnh Phụng…

Năm 19 tuổi, ngồi giảng đường Đại học Sư phạm nửa năm, khi thấy “không có gì đáng để phải học ở đây cả”, tôi bỏ học, để… học theo kiểu của mình.

Năm 20 tuổi, cơ duyên biết Krishnamurti, Heidegger, tôi nhảy xe lửa vào Sài Gòn truy tìm tất cả những gì họ viết, để học.

Năm 21 tuổi, tôi cạo đầu lên núi học Phật, rồi khi thầy cho biết “con còn đời lắm”, tôi xuống núi xuôi biển trụ ở nhà bà Hai Mót thôn Hải Chữ, ăn Oshawa kiểu số 7, không làm gì cả, ngoài thơ và suy tư.

Đi hay trụ, tôi luôn một mình. Đây lại là thời kì sáng tạo mạnh nhất của tôi. Thơ tiếng Cham lẫn tiếng Việt, thơ ngắn lẫn trường ca – đa phần thiên về triết lí. Thứ triết lí tưởng như non dại và ngây ngô ấy lại quyết định hướng đi của tôi.

Cho đến năm 1979, dượng Dương Dọng – chủ nhiệm mời tôi về làm kế toán trưởng HTX Nông Nghiệp Mỹ Nghiệp. Chưa đầy hai năm, tôi tiếp tục rời bỏ vai kế toán với bổng lộc đủ đầy để vào làm việc ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm lương chết đói, mục đích chính: HỌC, và “đi tìm con đường chưa khai mở ở trần gian”.

Hết mình & tới cùng kiểu ấy, đích thị là chánh tinh tấn của một “học sĩ” [chữ dùng của nhà thơ Phan Huyền Thư dành cho tôi].

P.S.

Tôi hơn mươi lần “buông bỏ” (xem: “Sara & 10+4 trận ra đi… lớn”, 7-2022). Tôi buông, và chặt đứt cây cầu trở lại, ở đó 3 trận mang tính quyết định: Bỏ Đại học, để học; bỏ Cty, để hết mình cho chữ nghĩa, và buông “sự nghiệp”, về làm 3 thứ: Lan tỏa Đạo Thơ, Đi tìm Sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal, và kể câu chuyện Cham ra thế giới. Cho đến… chết.

Tinh tấn, nhẹ nhàng vậy thôi, không căng thẳng bật máu chi cho khổ.

Phật thuyết tinh tấn tức phi tinh tấn thị danh tinh tấn Ba-la-mật.

Nhiên!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *