[hay. Toàn cảnh đạo sĩ Minh Tuệ nhìn từ ánh sáng Minh triết Cham]
[1] Tại sao cần “dưới chơn thầy”?
Bài học từ Cham…
Tiếp nhận triết học Ấn Độ, Cham có 4 loại kinh. Kinh tụng do Gru Urang nắm giữ, Kinh lễ hiện dành cho việc cúng tế, Kinh rừng và Kinh tuệ.
Kinh rừng thuộc dạng bí tuyền, ở Cham hiện đại mỗi ông họ tôi Phok Dhar Cơk sở hữu và dùng. Do thiếu thầy hướng dẫn, ông thực hành sai đến tẩu hỏa nhập ma. Cuối đời ông lang thang “ăn xin” rồi mất.
Kinh tuệ thuộc hàng cao cấp, từ Champa mất, kinh thất truyền, riêng anh họ tôi Hàm Bộ lượm nhặt từ “mốc bụi dĩ vãng”, để hành. Và, cũng như nhân vật trên, thiếu thầy hướng dẫn, anh bị lệch. Sau này anh mất sớm bởi chuyện khác.
Đây là hai “nhân vật” xuất hiện đậm đặc trong chữ nghĩa tôi.
Tôi may mắn hơn, do cơ duyên, sớm biết Đạo Phật, Krishnamurti, Heidegger, trường ca Ariya Glơng Anak – và thoát! Từ đó tôi trung dung ở mọi lĩnh vực: nghiên cứu, thơ, phê bình và đạo.
Đến đạo sĩ Minh Tuệ
Đoàn tăng 71+1 tan đàn ở Huế, nhìn cách minh triết, là cần thiết. Để sàng lọc. Còn lại trên dưới mươi “tăng” bất thối chuyển. Tại sao họ cần đến Minh Tuệ? – Đơn giản, họ cần được trui luyện qua giai đoạn “dưới chơn thầy”, không phải tìm cầu kiến thức, mà tiếp nhận ánh sáng từ thầy, và kinh nghiệm thực tế bộ hành của người đi trước.
Không được gặp thầy [ở “ngôi chùa” tại Gia Lai], nguy cơ mươi học trò này giẫm vào vết xe đổ hai vị Cham trên là rất lớn. Thương không!
[2] Thầy & Luận
Tôi tin Minh Tuệ đã giác ngộ. Do xuất thân và hoàn cảnh, khác với Đức Phật là đấng Toàn giác, Minh Tuệ đạt đến độ thuần khiết của một đạo sĩ [ngoại đi trên con đường tu hành, hay hành giả thực thi đạo] Hạnh Đầu Đà.
Đó là may mắn lớn của Việt Nam. Dân Việt đón nhận [và nâng tầm] đạo sĩ như Đức Như lai tái thế, không phải không nguyên do.
Dẫu sao, nhớ rằng Tất Đạt Đa được các đạo sĩ Bà-la-môn giỏi nhất đào tạo bài bản từ bé, thế nên ngoài sự uyên bác, Thái tử còn sở hữu khả năng ngôn ngữ và “phương tiện thiện xảo” của một Luận sư.
[3] “Quần chúng” hiếu kì?
Có, nhưng không đáng kể, còn lại là hằng hà sa sinh linh đột ngột BẮT GẶP ÁNH SÁNG hiếm hoi chưa từng. Họ là các nhà tu hành trong và ngoài Đạo Phật, các trí thức lớn, văn nghệ sĩ, và quần chúng mộ đạo.
Lão già đáng tuổi ông, sụp quỳ trước thầy giữa quốc lộ. Chị đại gia cùng đoàn từ Sài Gòn đi xe ra Huế, đứng chắp tay cung kính đảnh lễ, chỉ cần bắt gặp ánh mắt thầy trong sát-na, cũng đủ. Chị doanh nhân thành đạt [và trẻ đẹp], dám bỏ tất cả để bay ra “bộ hành” cùng thầy, sau còn tình nguyện phụng sự song thân thầy [nếu có], là một thái độ ngây thơ đáng yêu. Ngay cả nhân vật – do hạn chế ở nhận thức, bị cho là có vấn đề là “thầy Kim cang” cũng không phải không có nét đáng quý. Vân vân.
[4] Lỗi ở Tiktoker, Youtuber?
Không! Đám đông bu đến, điện thoại thông minh giơ lên, đa phần là tùy hứng và tùy tiện, còn lại không ít Tiktoker, Youtuber làm khá chuyên nghiệp. Không có họ, chúng ta không có cơ hội đón nhận ánh sáng, không có dịp theo dõi nhất cử nhất động của đạo sĩ Minh Tuệ.
Họ làm, kiếm tiền không phải không chính đáng, còn là sự SAY MÊ.
[5] Đất hành hương
Hôm qua, đoàn người từ thủ đô bay lên Gia Lai tìm thầy. Dù “ngôi chùa” vắng tênh, họ vẫn cung kính đảnh lễ, rồi cho xe đi vào thôn bản, phát quà cho dân nghèo. Không phải một, mà nhiều đoàn như thế. Không chỉ phát quà, mà còn nhiều hành cử thiện, đẹp khác nữa. Minh Tuệ là một lực hút không thể cưỡng.
Họ sùng mộ thầy, từ đó yêu quý mảnh đất đã sinh ra và cưu mang thầy.
Biến Xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai thành đất HÀNH HƯƠNG, tại sao không?!
[6] Vai trò của chính quyền
Nhà thơ mà đi “góp ý” việc trị quốc thì không gì buồn cười hơn! Dẫu sao, nhìn toàn cảnh vấn đề Minh Tuệ từ ánh sáng Minh triết Cham, có 2 điều cần xét đến:
Việc dẹp loạn quần chúng hiếu kì vô trật tự, dẹp cả mấy Smartphoners tùy tiện, là chuyện dễ ợt. Đã có “ngôi chùa”, Đất Hành hương và Thầy cũng đã có, thêm mươi “tăng sĩ” nữa là đủ.
Đủ cho nỗi khao khát tâm linh của người Việt Nam.
Đủ cho niềm kiêu hãnh mới của đất nước hình chữ S xinh đẹp này.
Heleh & Thuk siam cho tất cả!
P.S. Chú thích quan trọng
Gọi tu Mười ba Hạnh Đầu đà là khổ tu hay tu khổ hạnh, là sai; sai nốt, khi so sánh kiểu tu này với khất sĩ hành đạo ở Thái Lan, hay miền Nam trước 1975…
Đạo sĩ Minh Tuệ là ngàn năm có một, không phải trước ông Việt Nam chưa từng, mà hiện tượng này được thiên thời, địa lợi, nhân hòa: Đất nước Việt Nam thống nhất, Phật tử đang khao khát tâm linh, và Hiến pháp đảm bảo “tự do tôn giáo”.