[hay. Tôi đã đấu như thế nào?]
Bỏ qua mấy thị phi là chuyện ngoài lề, có nói cũng là nói cho vui. Còn thì, từ khi hành cước qua cánh đồng chữ nghĩa Việt Nam, với tư cách biện sĩ – tôi nhấn về sai lầm chuyên môn, các sai lầm lặp đi lặp lại làm vẩn đục khí quyển văn chương. Là chuyện không thể không nói.
22 năm hành cước thơ, tôi dự nhiều cuộc “đấu” mà tôi gọi là “đính chính”, “minh định”, “giải minh”. Tạm nêu 5 trong các điển hình:
[1] Ngay ở phương Tây, nơi Hậu hiện đại sinh ra, họ không còn bàn đến nữa, hoặc chỉ nói đến như thứ đã bị nhét vào sọt rác của lịch sử.
– Là ý được lặp đi lặp lại từ năm 2006, dù tôi đã minh định, mà mãi năm 2020 vẫn có người nhắc lại! Tôi hỏi, bạn lấy thông tin đó ở đâu? – Không đâu cả!
Căn bệnh “nói đại” này còn nguy cơ kéo dài, nếu nhà văn không tự thức. Có người còn đồng hóa Tân hình thức với Hậu hiện đại, kẻ thì kêu Tân hình thức là phong trào nghệ thuật [gồm thơ, họa, nhạc] nữa, mới chết.
[2] Người Việt học hậu hiện đại từ ngọn chớ không lên tận nguồn, lại lấy cái sai hậu hiện đại từ Nga.
– Phán khơi khơi vậy mà có cả khối người vỗ tay, mới tài!
“Quảng bá” hậu hiện đại nhiều và đậm hơn cả, có ba người Việt [sống và viết ở Úc]: Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Minh Quân; ba người Việt [Nam ở Sài Gòn] có Bùi Văn Nam Sơn, Nhật Chiêu, Inrasara.
Không ai chịu leo lên tận “ngọn” hậu hiện đại để học, cũng chả truy ra ai từng cắp sách đi học cái sai về hậu hiện đại từ Nga!
Bạn nhặt đâu đó 1-2 học trò hậu hiện đại kém hay tay ngang vừa tạt sang rồi la lên rằng, người Việt không biết học, không biết tư duy thì… ô là là.
[Trang Tiền Vệ ở Úc còn có cả chuyên mục Hậu hiện đại ngon lành nữa là]
[3] Thơ trẻ giống nhau quá!
Tại một hội thảo văn học, một nhà thơ chỉ ra hạn chế của thơ trẻ hôm nay, rằng chúng giống nhau quá. Tôi nói có đâu, đó là do bạn chưa đọc nhiều, chưa có cái nhìn toàn cảnh.
Cùng khu vực, ngay đất Sài Gòn thôi dù cùng thế hệ, Nguyễn Hữu Hồng Minh khác Lê Thiếu Nhơn khác Bùi Chát. Còn cùng hệ mĩ học sáng tác, Lý Đợi khác Phan Bá Thọ khác Lê Vĩnh Tài. Khác cả vực thẳm luôn!
[4] Thơ DTTS Kinh quá!
Năm 1997, một nhà thơ bảo thơ tôi “thiếu bản sắc Cham, vì đó là thơ hiện đại, rất gần với thơ Việt từ giọng điệu, ngôn từ, cách thể hiện”.
Sau đó lai rai vài người nói theo. Rồi 20 năm sau, nhà phê bình khác lặp lại y hệt: “Cách cảm, cách nghĩ, lối diễn đạt trong thơ trẻ DTTS có điều gì đó giống thơ của tác giả người Kinh!”
– Bạn muốn thơ DTTS phải thế nào? Hình ảnh gần gũi, cụ thể, lối nói đơn giản, mộc mạc, và thơ bằng thứ tiếng Việt ngô nghê, ngọng nghịu sao?
Riêng Cham, bạn chưa biết văn học cổ điển Cham thế nào, thì sao biết “thơ Inrasara thiếu bản sắc Cham”?
Chớ các kĩ thuật thơ Việt hôm nay đâu phải độc quyền của người Kinh? Nó là kho trời chung của nhân loại, sao chúng tôi không thể dùng tới? Nữa, khi đã nhìn ra bản sắc văn học Cham [và DTTS khác], lẽ nào tôi [và nhà thơ DTTS] cứ bám vào mà sáng tạo? Tại sao kẻ sáng tạo không dám cắt đứt nó, để làm cái mới?
[5] Ở một buổi Bàn tròn Văn chương, một độc giả gán cho tôi xiển dương hậu hiện đại. Tôi nói, cái cũ đã quen thuộc, xiển dương cái mới là cần thiết. Dẫu sao tôi không cho Siêu thực thì sang hơn Hiện thực, Tượng trưng tiến bộ hơn Lãng mạn. Hậu hiện đại là trào lưu “mới”, qua cảm thức mới, nó cung cấp cho nhà thơ cách nhìn hiện thực mới, phương tiện diễn đạt mới.
“Nhà thơ vẫn ưu ái Hậu hiện đại” – một ý kiến khác. Tôi nói, Hậu hiện đại và [một phần] Hiện đại đến hôm nay vẫn còn bị ngộ nhận, các ngộ nhận cần đến sự giải minh. Thông diễn, để “Hóa giải và hòa giải ba loài thơ hôm nay” – tên tiểu luận được Tặng thưởng “Tác phẩm hay trong năm” 2012 của tạp chí Sông Hương. Thơ cổ truyền, Thơ cách tân các loại và Thơ phiêu lưu khai phá cần có mặt bình đẳng, phục vụ công bằng cho bộ phận độc giả khác nhau.
Theo bạn, biện [hay: đấu] như thế có nên không?