[hay. Không biết học thái độ học]
Tút “Bí mật của thất bại-26”, bạn Đôn Nguyễn nhờ tôi chỉ cho biết có Trường nào đào tạo đa hệ để có thể đi đến thành công kiểu Sara không. Đơn giản lắm – TRƯỜNG ĐỜI. Nói thế thì ai mà chả trả lời được, cần chi đến ông Inrasara!
Xin nói ngay: Dẫu mặt chữ hệt nhau, hai đứa lại khác nhau cả vực thẳm.
Câu chuyện
[1] Bạn học thời Pô-Klong, sau này có làm nghiên cứu, đi thực địa mà cứ lo cãi kẻ “dân gian”. Thói tật ấy mãi tuổi lục thập vẫn không chừa, ai lại thế. Nghiên cứu là hỏi, gợi ý cho đối tượng nói nhiều hơn, nhiệm vụ của mình là ghi chép.
Ham cãi, để thể hiện mình – hỏng từ gốc.
[2] Bạn thơ trẻ Cham ra một tập thơ song ngữ. Ở lời nói đầu, kêu đó là thơ Tân hình thức, tôi tút không phải đâu. Thay vì hỏi để biết cho đúng, bạn cãi rất căng.
Mèng! Tôi có sáng tác thơ Tân hình thức, từng thuyết về món này ở Cà phê thứ Bảy Văn học, thêm: chủ trì 2 buổi nói chuyện của nhà thơ Khế Iêm từ Mỹ nói chuyện về Tân hình thức Việt.
Có ngưng tại đó đâu. Bạn trẻ [25 tuổi] hô to đã in 2 tập thơ tiếng Cham, còn “ông chỉ toàn làm thơ tiếng Việt”! Tôi nói: 18 tuổi Sara đã viết 2 trường ca tiếng Cham dạy ở Khóa tiếng Cham tại Chakleng, đến nay tôi đã có hơn 200 bài thơ tiếng mẹ đẻ, trong đó đã xuất bản 1,5 tập, 5 bài được tuyển vào sách Ngữ văn Chăm.
Thế là bạn qua tận Champaka viết bài chưởi ông… Inrasara! Kiểu ấy đòi thành công sao đặng.
Tôi thì khác:
[1] Đi thực tế, dân gian nói dù sai, tôi vẫn ghi chép, để đối chiếu.
[2] Các bác có chê, tôi hỏi “còn gì khác nữa không”, để mình tu sửa.
[3] Ngay bạn học Pô-Klong cùng tuổi từng la tôi, dù rất sai – tôi không cãi lại, mà nhỏ nhẹ: “bạn cần bổ sung gì thêm không”? Thế là hai đứa lặng lẽ cà-phê, để mãi qua tuần, tôi mới giải minh!
[4] Chuyện này mới ác! Anh Hán Văn Thọ, bạn học lớn tuổi thuở Pô-Klong, khi không viết thư lên Trung ương thêm 2 chữ kí của nhân sĩ Cham, tố tôi “bán Mỹ Sơn cho người Việt”. Tôi nhắn tin qua người bạn, ông anh nói oan cho Sara rồi đó. Mãi 3 năm sau ghé anh, tôi hỏi chuyện, thì ra đó là ngộ nhận.
– Từ nay tao chỉ tin mỗi mình mầy thôi, anh kêu lên.
Đó chính là THÁI ĐỘ HỌC, từ chuyên môn, đến nghệ thuật, lẫn chuyện đời thường. Ta cứ bình tâm tiếp nhận ý kiến khác mình, để suy ngẫm. Là điều kiện cần, cho thành công. Cụ thể:
Câu cá, tôi đạp xe qua nhà anh Cầu ở Long Bình hỏi ngón nghề.
Mở quán tạp hóa, tôi bắt xe đò vào Sài Gòn ôm về mớ sách dạy buôn bán, nghiền ngẫm, rồi tóm và làm theo.
Võ, tôi học ở bạn thân Đàng Năng Hảo cấp bậc Vovinam cao nhất Cham; Thiếu Lâm tự, tôi học lóm ở ông anh họ Dương Tài Tin.
Cách ghi chép, tôi học ở Chế Lan Viên, Nguyễn Hiến Lê.
Đó là chưa kể thi ca, nghiên cứu hay diễn thuyết… tất cả đều cần đến thái độ nhún nhường, khiêm hạ tối đa, để HỌC.
Kiểu ấy, không thành công mới lạ.