Khoe thành tích ư? – Tuổi này mà còn làm thế, có mà kh[ờ]ùng.
Đưa ra bài học cho người đời ư? – Có, nhưng chỉ là thứ yếu. Mà chủ yếu là, tìm HẬU DUỆ.
Như Nietzsche nói đầy hình ảnh: Mặt trời Zarathoustra lên đỉnh và dần xế bóng, ánh nắng càng lúc càng rực, chiếu vào mọi miền xó xỉnh – để soi tìm những đứa con còn mê ngủ hay lạc lối.
Tôi cũng thế! Đùa [mà thật] rằng…
Đứng trên 3 chân kiềng: Tư tưởng Phi tâm hóa hậu hiện đại, Tinh thần Hóa giải & hòa giải của Pô Rômê và Thái độ Nhập cuộc về hướng mở của tôi, đắc Đạo Cham và Đạo Thơ, tôi lên đường đi tìm hậu duệ, qua nhiều phương tiện khác nhau, facebook là một.
Đây là tút cuối, tóm các “cuộc chiến của tôi”:
[1] Bài-1: “Lâm trận” và bài-2: “Kinh nghiệm tam trị”.
Xiển dương Tinh thần nhập cuộc, không chỉ theo tinh thần trí thức hiện sinh (engagement), mà hơn thế: “nhập cuộc chịu chơi” [chữ dùng của Bùi Giáng]. Hết mình, tới cùng mà vẫn vui vẻ.
Trị từ đất, thú vật cho đến sự việc.
Lên tiếng từ sự cố nhỏ nhất, như Đại tiệc trong khu vực Tháp Pô-Klong, cho đến sự kiện lớn nhất: Dự án Nhà máy Điện hạt nhân.
Hỗ trợ vụ việc nhí như “Ng mất tích” đến đại nạn to cồ là Covid-19.
Giải tán sự thể hèn kém, như chuyện 3 nhà thơ: ĐH, ĐL, TMH cho đến giải minh sáng tạo ở tầm cao: Bùi Chát, Hoàng Hưng, Lê Anh Hoài.
[2] Bài-3: “Ở thế giới Cham” và bài-6: “Thương trường không là chiến trường”.
Nghiên cứu, Văn học Cham hay Minh triết Cham, Hải sử & văn hóa biển hay San định Kinh sách Cham… không có ai cạnh tranh với tôi cả.
Kinh doanh, Tạp hóa Haly’s ở quê hay Cty Thổ cẩm Cham tại Sài Gòn, tôi chiến đấu với chính mình để vươn lên đỉnh, ở đó không ai theo kịp để tại cuộc chiến.
[3] Mà chính là “Cuộc chiến tinh thần” của tôi [bài-11]
Bởi tôi luôn khác [bài-9: “Khác người để giúp người”], khác từ tuổi thanh niên cho đến hôm nay, khác từ chủ đề nghiên cứu cho đến hệ mĩ học sáng tạo.
Luôn dịch chuyển [bài-10: “Tôi, từ dễ thương đến dễ ghét”], ở đó tôi sáng tạo trò chơi và chơi trong đó [bài-8: “Cuộc chiến sáng tạo”].
[4] Từ bao nỗi khác ấy, được thành quả lớn nhỏ, tôi quay trở lại giúp đời, cứu người. Như Bồ tát tự nguyện quay lại bờ, để phổ độ chúng sanh. Hơn thế nữa, hắn còn là một Bồ tát nghệ sĩ!
Nghiên cứu và dịch thuật, viết báo và hoạt động xã hội, thuyết trình và tổ chức sự kiện, sáng tác và phê bình… con mắt chữ nghĩa nhìn sâu vào bóng tối cuộc đời, để tìm hậu duệ.
[5] Cuối cùng, với “Tinh thần bất tranh” [bài-12], tôi biết tất cả là vô thường, thế nên khi nghe tiếng gọi của Tư tưởng, tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả. Giảng đường Đại học hay Tagalau, Cty Thổ cẩm hay Chủ tịch Hội đồng Thơ…
“Dù gì đi nữa, vẫn luôn luôn giữ phong thái của kẻ sắp lên đường, như chúng ta sống mà vẫn luôn luôn từ biệt” (R-M. Rilke).
Nhẹ nhõm, và vui vẻ.