“Thương trường không là chiến trường”, tại sao? Bởi tôi luôn nghĩ ra cái khác, điều chưa ai [dám] làm, ở đó không có ai cạnh tranh để tạo ra chiến trường.
Chuyện Thổ cẩm
[1] Trong khi bà con làm hàng thô, chúng tôi – từ hàng thô, chế tác thành nhiều mẫu mã hợp thị hiếu thị trường, đến 5 năm sau bà con mới theo kịp, mà chỉ một phần nhỏ.
[2] Khi người Chakleng còn lên Cao nguyên ‘nao Chru’, chúng tôi đã có quầy ngay Thương xá TAX trung tâm Sài Gòn, bên cạnh mở đại lí ở các thành phố lớn.
[3] Khi trong nước [có cả người Việt] xuất hiện dấu hiệu cạnh tranh, Cty Inrahani đã mang thổ cẩm ra thế giới: Nhật, Thụy Sỹ, Pháp, Đức…
[4] Chưa kể cách phối màu đa dạng, trong khi chị em Chakleng còn ở lại với khung dệt truyền thống, chúng tôi đã nâng cấp máy dệt: đẹp và nhanh nhiều lần, để hôm nay nó thành truyền thống mới…
Vậy đó, chính là CHIẾN TRƯỜNG TỰ TẠO để tôi vượt qua chính mình.
Chuyện nghiên cứu
Năm 1975, 18 tuổi tôi đã mở khóa dạy cho hơn trăm sinh linh Cham biết chữ mẹ đẻ, ở Chakleng rồi Phan Rang. Hai năm sau vào làm sinh viên Sài Gòn, đã có bạn Quang Cẩn, Lưu Văn Đảo, Trượng Ngạt… thay vai, tôi rút lui.
Khi các bạn học cũ mãi “mang vợ con bên đời”, tôi cặm cụi soạn Từ điển và viết cuốn Từ vựng học tiếng Cham.
Viết bộ Văn học Cham – điều không có nhà nghiên cứu nào cạnh tranh với tôi, sau đó tôi còn phát kiến thêm các chủ đề mới lạ nữa.
Sáng lập và chủ biên Tagalau, đặc san chưa có DTTS nào làm được.
Ở cộng đồng Cham cũng nẩy ra vài website, riêng Inrasara.com đa dạng nhất, thu hút nhiều tác giả đóng góp nhiều bài vở nhất và tồn tại lâu dài nhất, từ 2007 đến hôm nay.
Ở cuộc chơi văn chương chữ nghĩa
Sáng tác, không dừng lại Lãng mạn hậu thời như Tháp nắng-1996, thơ tôi công phá vào mĩ học Hiện đại, Hậu hiện đại, và chơi cả Tân hình thức.
Chủ đề không quanh quẩn ở không gian và đời sống Cham, mà bao quát cả nước [Và sống sót và kêu từ cõi chết lạ], ra thế giới [Ở nơi ấy [thơ thời cuộc].
Theo chỗ tôi biết, nhà văn ta chưa có ai chơi Youtube như là một kênh lan toả tri thức, các giá trị văn hoá – giáo dục, tôi đãcó Inrasara-TV với non trăm videos, với các chủ đề: “Văn hóa Cham nhìn từ Cham”, “Nhà văn, làm gì?”, “Mỗi kì một chân dung”, “Đối thoại Inrasara”….
Chắc chắn tôi thuộc số ít nhà văn Việt Nam nhập cuộc chịu chơi nhất [chữ của nhà thơ Đinh Linh]: Ngoài sáng tác và phê bình, tôi còn hoạt động 6 lĩnh vực khác: Nghiên cứu, dịch thuật, báo chí, thuyết trình, hoạt động xã hội, tổ chức sự kiện, món nào cũng nên cơm cháo.
Nghĩa là luôn vượt ra ngoài, một Outsider, nhảy qua chân trời khác ở đó không sự cạnh tranh, thế nên không có “chiến trường”.
Nhất là, tất cả mọi hoạt động của tôi đặt trên 3 chân kiềng: Tư tưởng Phi tâm hóa hậu hiện đại, Tinh thần Hóa giải & hòa giải của Pô Rômê, và Hành động Nhập cuộc về hướng mở của tôi. Xuyêt suốt!