[Ở đời thường: Trị tự nhiên, thú vật, sự việc – bài mở cho serie này]
[1] Trị tự nhiên
Năm 1984, 1,4 sào đất bỏ hoang ở palei Cok ngay đầu sân banh, tôi xin và làng cho. Thuở ấy tôi đang làm việc ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm, Phan Rang cách làng hơn chục cây số. Chiều 4g đạp xe về, tôi lao vào cải tạo đất cho đến tối mịt. Sáng thức 4g, và tiếp tục, cứ thế.
Từ tay trắng, để chỉ qua nửa năm tôi biến nó thành vườn-ao-chuồng nuôi sống cả nhà. Như ảo thuật, đến nỗi vài chị nhà quê cứ nhảnh chồng “đi cắn c. ông Trạm!”
Tại Nhà Trưng bày Văn hóa Cham INRA hiện nay, trước là đất cằn đến cỏ dại không mọc nổi, xung quanh không một bóng cây. Tôi đào hố sâu ngang lưng rộng 1,5m, thay đất ruộng vào, trồng dương – 5 cây lên ngon ơ, để chủ tịch Thị trấn trong một buổi họp, lấy tôi làm gương sáng.
Bạt núi ngăn sông con người còn làm được, huống chi mảnh đất nằm yên đó mà chịu thua, ai lại thế!
[2] Trị thú vật
Thập niên 1980, dưới khoảnh đất cát sau Ban Biên soạn miệt bắc thành phố Phan Rang ngày nay, là chốn trú của lũ dông – đặc sản Ninh Thuận. Quý thầy ở Ban mỗi ngày mỗi ngó mấy đứa nó chạy giỡn mà thèm. Hang nó sâu lút đầu người lớn, sao mà bắt. Anh nông dân Việt cả buổi hì hục đào có khi không được 1 con. Thế nào cũng phải có cách thông minh hơn, chả tốn công sức.
Loài này trời nắng là rời hang đi tìm mồi. Canh thấy nó đi xa, tôi phóng thật nhanh đến hang. Động bóng người, nó chạy tìm hang khác tạm trú, trú mà vẫn nghe sợ, bởi không biết có thứ gì trong ấy.
Tôi đánh dấu hang, dùng que chọc vào đầu hang khoảng 3 gang, lấp chặn lại phía trong, qua chỗ khuất núp đợi. Nghe yên ắng, nó mới mó ra và chạy về nhà mình, cùng lúc tôi phóng tới. Thế là anh chàng mắc kẹt, thò mỗi cái đuôi ra cho tôi tóm.
Rồi chỉ cần 15 phút, “tay không bắt giặc”, tôi nắm cổ 2 con to cồ về biếu quý thầy mặc sức lai rai.
Ở Sài Gòn, Cty Inrahani chú mèo hoang đến viếng, viếng và thải mùi không cách nào trị được. 5 thợ may cả tuần cũng chịu thua, tôi – không. Loài thú hoạt động bản năng, con người có trí, khác nhau ở đó.
Nó đi theo luồng. Phòng lớn 2 cửa sổ, 2 cửa ra vào. Tôi cho đóng cửa sổ lại, canh nó vào, anh chàng thợ may chặn đầu kia. Vậy là nó chỉ có lối thoát duy nhất: cửa này, nơi tôi mở hé vừa cho thân nó. Sọt chực sẵn đó, nó vừa ló đầu ra, sọt úp lại, là xong phim!
[3] Trị sự việc
Đặc san Tagalau ra số đầu tiên ngon lành, qua kì 2 sau đó là kì 8 nó rơi vào khủng hoảng to, bà con Cham chắc mẩm nó chết tới nơi. Nhưng không, ngay trong năm tôi tìm cách xoay sở vượt qua ngon lành.
Vụ Ghur Raneh, suốt 19 tháng ròng rã, từ mở màn cho đến kết thúc. Tôi khơi mào, bàn bạc, theo dõi, thúc giục… Ở đó bao nhiêu sự cố xảy đến, tôi theo sát, mãi khi soạn diễn văn cho ông Nhung đọc ở lễ khai trương, sau đó lập Hồ sơ Ghur Raneh in 70 bản tặng cho 7 Sang Mưgik, tôi mới biết mình xong nhiệm vụ.
Giải quyết “khủng hoảng” Từ điển Cham Việt ở Đại học Tổng hợp năm 1994 hay tìm lối thoát cho đống hàng tồn đọng của Cơ sở Dệt Thổ cẩm Inrahani hồi năm 1993, cũng tuân theo hướng đó: suy nghĩ, nhìn thấy, và bắt tay vào hành động.
Làm nửa chừng rồi bỏ, chỉ thể hiện sự yếu đuối tinh thần. Thất bại, ta không nghĩ cách hay hơn giải quyết, mà hết bao biện đến đổ lỗi, đổ thừa. Lỗi ở tất cả, chứ không phải ta!
Thủy tận chung, đầu đến cuối – trọn vẹn, đó là cách của tôi.