CHAM TÂY, GIẠT TRÔI KIẾP LỤC BÌNH

Vương quốc Champa được thành lập năm 192, kéo dài từ Mũi Hoành Sơn – sông Đinh cho đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ thế kỉ XI, qua các cuộc Nam tiến của Đại Việt, biên giới lui dần về nam rồi mất hẳn vào năm 1832.

Suốt quá trình lịch sử ấy, người Cham lưu lạc qua nhiều vùng đất khác nhau, để tạo thành cộng đồng riêng với những khác biệt nhất định về văn hóa và ngôn ngữ. Từ cộng đồng Cham Hải Nam – Trung Quốc đến Cham Malaysia, từ Cham Philippines đến Cham Thái Lan, trong số đó cộng đồng Cham ở Campuchia chiếm số lượng vượt trội.

Sau thời Pô Rômê (1627-1651), người Cham nhiều lần chạy loạn qua đất nước chùa tháp cư trú. Lớn nhất là vào năm 1692, 5.000 gia đình Cham từ Pangdurangga di cư qua, ở vùng đất tốt dọc sông Mekong, sau đó còn mấy đợt di dân khác nữa. Hiện nay, ngoài 22 làng theo tôn giáo Bà-ni, còn lại tất cả đều là Muslim. Cuối thế kỉ XX, người Cham ở Campuchia bị thay đổi họ tên thành Khmer Islam.

Buồn không?

1. Đại khủng hoảng – tan tác, từ miền Trung, sinh linh Cham vượt biển qua Malaysia, băng rừng qua Cambodia, một bộ phận quá mỏi mệt – trụ lại sông nước hoang sơ miền Tây. Rồi không lâu sau, kẻ từ đất Malaysia đi đường vòng trở lại Việt Nam kiếm bà con, người chạy giặc từ xứ chùa tháp quay lại tìm an toàn nơi đất cũ, lập làng dựng ấp.

Ấp Châu Giang và ấp Phum Soài thuộc xã Châu Phong hình thành từ nỗi ấy.

Ông Muhammad Yusoh là cháu năm đời của Dukam Hadj Ahmad cho biết vậy thôi, chấm hết. Không gì thêm. Không lưu ảnh, cũng chẳng có miếng gia phả nào để lại. Ông chỉ biết rằng, sau đó người Cham lấy vợ cưới chồng người Khmer hay Việt thất thế tìm đến làm ăn, và được bà con cho vào đạo. Islam thì phải vậy, tiếc là hầu như không có khuôn mặt nào xuất sắc nổi lên từ sự pha giống này. 

Châu Phong có 4 Masjid, đó là: Azhar, Mubarak, Nek Mah Muhammad Diyah cùng ba Surao. Có vẻ hơi dày so với dân số. Không sao! Cham cần dựng tháp, xây Masjidđể xác định ranh giới cộng đồng.

2. Xác định ranh giới đất để trụ, mà đâu đã yên.

Người Việt tới đông, va chạm nếp sinh hoạt khác biệt, Cham thêm một lần di cư, đi qua bên kia sông, tìm đất hoang mà phát rừng dựng làng, tiếp tục đời sống lây lất.

Ngay đầu thế kỉ XX, ba gia đình dời bỏ bốn puk (xóm): puk Dalam, puk Krưh, puk Kohpuk Nek Mah thuộc xã Châu Phong đi qua – Hadj Hôsên 80 tuổi được xem là “già làng” kể. Bà con dựng puk Koh Pabuak (xóm Suốt Tơ) với chiều dài chạy dọc con đường hiện tại khoảng ngàn thước. Kể, ông cứ tiếc hùi hụi, biết thế này ta ở giãn giãn ra để dành đất cho bà con mình đến. Bởi chưa tới mươi năm sau đó, đã có vài trăm gia đình tụ hội, đến nay dân số lên tới hai ngàn người. Chật chội, ẩm thấp đến nhiều gia đình phải chịu dời lên nhà trên ở tạm vào những mùa nước nổi. 

Masjid đầu tiên dựng lên, phá đi xây lại ba bận mới nên hình hài Masjidnhư hôm nay vào năm 1992. Đó là Masjid“bên cũ”, cách đó không bao xa là Masjidkhác thuộc “bên mới” gồm khoảng vài chục gia đình mới tách ra từ 20 năm trước. Hadj Hôsên cho biết, cũ mới chỉ có mỗi thao tác “vuốt” với không vuốt mặt mà đã chia tách, buồn là vậy.

Dọc theo con lộ, cách khoảng 30km là puk Koh Goy, rồi puk Koh Giê (xã Đồng Ki), puk Ia Đôic (xã Vĩnh Hội), puk Sabao (xã Khánh Bình). Cham An Giang khoảng 14 ngàn người mà cư trú khắp 9 xã, trong khi riêng làng Hamu Tanran tỉnh Ninh Thuận đã đến vạn dân, đủ thấy sinh linh Cham ở đây rải rác thế nào! Ông Hadj này cũng cho biết, trước đây Cham Awal tức Cham Bà-ni cũng có qua đất này, nhưng không lâu sau “họ” biến đâu không thấy nữa.

3. Từ Châu Phong, một bộ phận không trụ đất puk Koh Pabuak, mà đi qua sông dời lên Palao Ba thuộc xã Vĩnh Trường cách đó ba cây số. Ông Đột cho biết vùng này lúc ấy vẫn còn là haluk Kur (đất Khmer). Masjidđầu tiên dựng vào năm 1813, rồi 1907, 1970 và sau cùng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho xây một Masjidlớn Roh Mah khai trương năm 2017.

Thống kê mới nhất vào năm 2018: Palao Ba là xóm toàn Cham gồm 636 hộ, 2.739 người, nhưng sở hữu chỉ 17ha. Thảm vậy đó! Đánh cá sông là nghề chính, mà mươi năm qua sông không còn cá để đánh bắt. Làm gì? Thế là họ đành sống đời phiêu giạt của kiếp lục bình. 60 phần trăm dân làng tản đi buôn bán xa, đi có khi cả tháng mới về dăm ba bữa, lại đi tiếp. Chả khác chi dân Pabblap ở Phan Rang. 15 phần trăm còn lại phân tán đi làm công nhân; riêng Củ Chi đã gom 60 hộ đến tạm trú. Mùa Ramadan hay Roya bà con hiếm khi về. Bởi nghỉ lâu là bị công ty cho thôi việc, không sai. Thế là công nhân bất đắc dĩ này chỉ tập trung về puk những ngày Tết Nguyên đán. Đám cưới hay lễ lạt ngoài tôn giáo đều làm trong mùa đó. Mất gốc chăng? – Không, tuyệt đối không.

Có phong trào mới động phản lại dòng sống hiện đại đó. Nếu phong trào Davah (Tà vả) du nhập năm 2012 chỉ lác đác vài gia đình theo, năm năm sau đã thành đại trà. Các cô gái Cham Islam đã che mạng, ngày càng kín kẽ hơn. Ba năm thành lệ, giờ đã làm truyền thống không thể bỏ, dù có không ít người bất đồng, vì bất tiện.

Nữa, Masjid Roh Mah mỗi ngày tập trung cả khối thiếu niên cả nam lẫn nữ về học kinh Kura-ưn. Cực bài bản.

4. Trôi giạt đi kèm với khó khăn.

Xóm Đa Phước được xem là điểm nhấn du lịch An Giang. Trên những chiếc cầu gỗ nhỏ nên thơ, du khách lên ca nô, xuồng máy đi vào vùng sông nước hãy còn hoang sơ không phải không thích thú. Thế nhưng dân làng cho biết, ít có du khách trở lại lần hai, do tổ chức của ta vẫn còn khá nghiệp dư.

Dệt thổ cẩm truyền thống (puk Koh Pabuak mà) ngày càng teo tóp. Xóm chỉ có mỗi khung dệt còn hoạt động cho có màu, còn thì bà con lấy hàng từ “Nam Vang” về bán. Mẫu mã cũng là mẫu mã chung, cóp ở đây một ít kia một ít, thậm chí chỉ cần gom các nơi về bán. Ế cũng phải.

Làm gì, để sống sót? Vẫn là câu hỏi đầu tiên và cuối cùng.

CÒN KHÔNG, NGƯỜI CHAM BINI Ở CAMPUCHIA?

1. Các sử gia ghi nhận Islam nhập địa Champa Bà-la-môn khoảng thế kỉ thứ XIV. Cái mới đụng cái cũ xảy ra xung đột là khó tránh. Giải quyết xung đột, vua Po Rome (1627-1651) đã làm cuộc hóa giải và hòa giải độc nhất vô nhị, biến người Cham Islam thành Cham Bini, để hai bộ phận tín ngưỡng tôn giáo này sống hòa đồng với nhau suốt mấy trăm năm đầy nguy biến. Sau triều đại huy hoàng cuối cùng của vương quốc, con dân Cham bắt đầu đi li tán. Cuộc đi tản lớn nhất xảy ra vào năm 1692, khi 5.000 gia đình Cham từ Pangdurangga thiên di qua Campuchia. Đoàn di dân được chính quyền Khmer lúc này bố trí ở vùng đất tốt dọc sông Mekong. Sau đó, còn nhiều cuộc di tản khác nữa.

Tại vùng đất mới này, Cham Bini dần dần chuyển sang tôn giáo Islam. Để đến cuối thế kỉ XX, người Cham ở Campuchia [bị] thay căn cước thành Khmer Islam. Sử gia Lafont cho biết “Hồi giáo biến cộng đồng người Cham tại Campuchia thành một tập thể quên đi nguồn gốc chủng tộc của họ”. Có phải thế không? Tác giả Ariya Pô Parang nghĩ và kể khác. Thực tế hôm nay cũng khác.

Người Cham Pangdurangga gọi bộ phận này là Cham Birau Chàm mới. Từ sợ hãi xa xăm đến cách khoảng không gian, Cham cố quận với Cham miền đất mới ít tìm đến nhau. Rồi từ ít hiểu biết về người anh em, nên cứ gọi đại khái thế. Cham Birau bao gồm cả cộng đồng Cham Islam từ Campuchia trở lại An Giang, rồi giữa thế kỉ XX, thiên di vào Sài Gòn, hay nửa cuối thế kỉ XX, ra Long Khánh rồi Ninh Thuận.

2. Nhưng có phải tất cả Cham Campuchia đều theo Islam? Nhầm to! Một bộ phận khá lớn vẫn còn giữ phong tục tập quán mang từ cố quốc sang. Họ vẫn còn nhớ Kabbôn Muk Thruh Palei, vẫn còn thuộc khá nhiều ca dao, đồng dao… Nhất là, trong nhà của nhiều bậc thức giả vẫn lưu giữ nhiều ciet sách đựng các văn bản cổ. Chỉ có điều rất lạ, là gần 300 năm qua, hiếm có người Cham Bà-ni nào trở lại Việt Nam. Chỉ có Cham birau. Từ đó tạo hiểu lầm. Từ hai phía. Cham Pangdurangga tưởng ở Campuchia chỉ có Cham birau, còn người Bini ở đất Kur ngỡ Cham Việt Nam theo Islam hết.

Từ chuyến thăm đầu tiên đến lần thứ hai rồi thứ ba, thắc mắc chúng tôi luôn gặp phải ở đây, là:

– Con cháu Tôn Pho ngoài đó theo Islam hết rồi sao? Tiếp theo là:

– Cây Krek còn không?

– Không bà con ạ. Đại đa số Cham Pangdurangga vẫn còn truyền lưu phong tục tập quán ông bà từ cổ xưa.

Katê năm 2011, chúng tôi dẫn năm đại diện Bini Kur về Phan Rang đi vòng các palei Cham, thăm dấu vết Krek trong sự xúc động tột cùng của mọi người. Họ hứa khi về đến đất Kur, và kể lại…

3. Cham Bini ở Campuchia còn bao nhiêu người? Bao nhiêu palei?

Không ai biết đích xác. Cả người hướng dẫn chúng tôi có vẻ rành rẽ, cũng chịu. Chịu! Không quan tâm hay không thể? – Không biết được. Cuộc sinh nhai đè nặng lên cuộc sống cộng đồng từng một thời tha phương này. Người lớn lo tìm sinh nhai. Vẫn hành lễ. Vẫn múa, hát. Vẫn cưới chồng, lấy vợ. Cái nhìn và nụ cười đám trẻ vẫn hồn nhiên, vô tư. Lâu lâu có sự biến, họ chịu đựng. Như đã từng chịu đựng. Chị Khotiyah đọc cho tôi ghi:

Min Màng

Cabbang kayau

Athau groh gaup

Chet tapa paga

Anưk thei hia

Bbang prôic mưda

Minh Mạng

Nạng gỗ

Chó sủa nhau

Nhảy qua rào

Con ai khóc

Móc lòng ăn.

Thời Pôn Pốt, bà con cũng đã kéo nhau chạy như thế. Họ chạy vào rừng sâu, ăn njam par đỡ đói.

Thei thau ka tian kau lipa

Njam par di ia mưng thau ka tian

Ai biết cho bụng ta đói

Rau súng dưới nước mới hiểu lòng ta

Tạt qua gia đình tôi ở Sài Gòn để chuẩn bị ra Phan Rang, chị May Yum ở Phum Klak đã hát lên lời ai oán đó. Tiếng hát như âm vọng từ đáy lòng chị dội vào hồn tôi – tê điếng.

Họ sẽ ra sao ngày sau? Không ai biết được. Dẫu sao, điều tôi biết chắc rằng ở xứ lạ quê người, cộng đồng Cham Bini vẫn còn tồn tại, lao động. Thỉnh thoảng giữa khoảng trống thường nhật, bất chợt nỗi nhớ mơ hồ nào đó dậy lên tận thẳm sâu tâm hồn họ. Họ biết mình từng có một miền đất, xưa, rất xưa. Nhớ, để mà lặn lội… tìm về nguồn cội.

Dường như sứ mệnh chính yếu của con người trên mặt đất này là nhớ, – ai đã nói thế?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *