BẢN NĂNG THI SĨ CỦA LÒ NGÂN SỦN

[trích: Inrasara, 20 khuôn mặt nhà thơ DTTS Việt Nam, 2017]

Có thể ví văn học Việt Nam như thân cây có năm rễ. Rễ chồi đâm sâu vào lòng đất, bao gồm toàn bộ sáng tác dân gian của tất cả các dân tộc. Bốn rễ phụ bò ra bốn hướng rút tỉa tinh chất từ những vùng đất lkhác nhau. Nhánh vươn ra phía Bắc nhận ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, đại biểu là văn chương bác học của người Việt từ đầu thế kỷ XX trở về trước. Nhánh vói qua phía Tây hút dưỡng chất từ văn học phương Tây, là bộ phận lớn của văn học Tiền chiến. Nhánh bò lan vào nhiều khu đất mầu mỡ của sáng tác thành văn của các dân tộc. Các nhánh còn lại đâm xuống phương Nam nhận nhựa sống từ văn học Ấn Độ xa xôi, ở đây văn chương cổ điển Champa là đại diện.

Cây văn học Việt Nam hôm qua cắm trên nền đất phì nhiêu mà nếu chịu cày xới và chăm bón, sẽ cho hoa quả ngọt ngào không thua kém nền văn học đất nước nào bất kì. Tuy thế mãi đến hôm nay, vẫn tồn tại vài mảnh đất chưa được làm tơi xốp, qua đó vẫn còn nhánh rễ còi cọc mang nguy cơ bị thui chột trong lòng đất đen. Nhất là văn học dân gian của các dân tộc thiểu số.

Ở Hội nghị Văn học Tây Nguyên 1998, một nhà báo hỏi tôi, anh đã khai thác được gì ở nền văn hóa dân tộc Cham. Tôi nói, tôi không khai thác mà từ giữa lòng văn hóa dân tộc bước ra để sáng tạo cái mới. Truyền thống không phải chốn để khai thác trục lợi, mà là một sinh thể sống động luôn mời gọi sự tiếp cận nghiêm cẩn. Chỉ khi nào ta nghiêm túc học hỏi và đối thoại với hàng ngàn thế hệ con người đã qua, ta mới có đủ lông cánh để nói đến sáng tạo. Chứ không phải thái độ học lóm qua vài chuyến điền dã hay đọc qua loa các “công trình khoa học” lớt phớt ở vành ngoài.

Được bú mớm từ nếp sinh hoạt, nếp nghĩ mà cấu trúc ngôn ngữ của cộng đồng phần nào còn biệt lập với thế giới văn minh, chưa “nhiễm” không khí thơ Việt hiện đại, nếu ý thức sâu sắc cái bẫy ước lệ luôn giăng ra trên bước đường chông chênh của sáng tạo, các nhà thơ DTTS sáng tác bằng tiếng Việt sẽ có tiếng nói lạ biệt nhất định.

“Dòng sông văn hóa dân tộc” cuồn cuộn chảy. Chúng ta đến đó, soi mình xuống con sông và tha hồ múc về bao nhiêu là gánh nước ngọt tẩy uế và dưỡng nuôi tẩy uế tâm hồn ta. Tuy nhiên đóng góp đáng giá của một nghệ sĩ vào văn hóa dân tộc chủ yếu là ở hành động “phá”. Tiếp thu truyền thống thơ ca dân tộc không phải copy mà là bẻ gẫy nó để tạo cái mới; tiếp nhận trào lưu văn chương thế giới không phải bắt chước rập khuôn mà là đập vỡ nó để đúc ra cái mới; từ giữa lòng ngôn ngữ cộng đồng, bạn dám phá lối nói quen thuộc của cộng đồng để tìm phương thức thể hiện khác.

Chỉ thế thôi bạn mới đặt dấu ấn lên ngôn ngữ ấy, làm phong phú nó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *