Vừa qua về Katê, ông anh họ Phú Văn Lưu kể người chú chung tù cho anh hay, xưa ông ngoại chúng tôi thầy cao đạo có dạy chữ cho 3 người, trong đó có cha tôi. Ông ngoại có 5 con trai, vậy mà ông truyền dạy chỉ có một. Cham dạy kiểu đó: thầy tìm chọn trò, chứ không phải ngược lại.
Ông cũng không cho ai biết mình là tác giả trường ca Ariya Rideh Apwei nữa! Cham vô danh, vô danh đến mẹ tôi cũng không biết cha là người có chữ trong bụng’ ‘hu akhar cek di rup’! Mãi sau 5 mặt con khi gặp bữa cúng, tìm thầy không có, cha tôi mới ngồi vào ‘thanai’ mâm lễ thay mặt ‘Gru urang’ tụng đọc.
– Mẹ nó cứ tưởng mình không biết gì, cha nói.
Từ đó mẹ không “xem nhẹ” cha nữa.
Tôi cũng đã tiếp nhận truyền thống ấy của Cham: Học một cách vô danh. Ngay từ 4 tuổi tôi đã thuộc nằm lòng Ariya Glơng Anak, 11 tuổi ‘Akhar thrah’ đầy bụng, tuổi 15: văn học, tuổi 20 là triết học Đông Tây… vậy mà đố người nào hay tôi có chữ! Trong khi các bạn học vui thú nơi vùng tranh tối tranh sáng của sự học, tôi “giú mình trong bóng tối vô danh” đợi ngày phát sáng.
Và rồi, ở tuổi tứ thập tôi lộ diện trên văn đàn gây kinh ngạc cho tất cả. Các bạn học cũ người thì nể trọng, kẻ quay lại chửi “thằng Trạm gặp may chớ, xưa hắn có thế đâu”.
Cham học để biết, chứ không để làm gì cả. Đó là tình yêu tri thức ở cấp độ cao. Không được bố truyền dạy, chú Su em ruột cha, mãi tuổi lục thập mới tự học ‘Akhar thrah’. Không phải để hành nghề thầy cúng [nếu kẹt, vẫn có thể], càng chẳng để khoe mẽ ta đây giỏi chữ, mà: KHÔNG GÌ CẢ, ngoài chuẩn bị báo cáo ông bà: Con đã biết chữ!
Lưu ý, thống kê cho biết năm 1945, 95% người Việt mù chữ thì Cham: tuyệt không! Thế mà Cham còn chơi đường gôm nữa: Trong đám tang, cấp Paxeh làm nghi thức xóa mù cho người mất.
Và đây là đỉnh cao của HỌC, trích truyện cố Cham: ĐI TÌM HỌC BÁN VỢ
Một người nông dân hiền lành, có vợ và đứa con trai 12 tuổi. Đang sống rất yên ổn và hạnh phúc, bỗng một hôm ông nẩy ý định đi tu. Ý tưởng nung nấu mãi để một năm sau ông quyết định tìm đến một guru Bà-la-môn nổi tiếng nhất vùng để học đạo. Vị sư nói:
– Dạy ngươi kinh sách thì ta lại phải học thêm gấp hai lần ngươi. Ta đã già, không có của cải gì cả.
Không chần chừ, người nông dân bảo:
– Nhà con có một mẫu ruộng, con xin hiến cho guru.
– Ta không có trâu để cày.
– Con có cặp trâu đã thuần.
– Ta cũng không có người chăn trâu.
– Con có đứa con trai khỏe mạnh – Người nông dân nói sau giây lát ngập ngừng.
– Ta sống cô đơn, không có ai lo cơm nước.
– Con nguyện lo cho guru.
– Không, ta và ngươi dành tất cả thời gian cho học tập và tu luyện.
– Nhà ngươi có vợ chứ? – Vị sư hỏi sau một hồi im lặng.
Người nông dân lưỡng lự giây lát, cuối cùng ông nói dạ một tiếng vừa đủ cho người đối diện nghe.
Hôm sau, người nông dân đi qua nhà vị sư Bà-la-môn cùng với tất cả tài sản và hai người thân yêu của mình.
Một, hai rồi ba tháng, người học trò chỉ được phân công chép một bản kinh duy nhất. Lần một, lần hai, ba… vị sư Bà-la-môn đều lắc đầu và bảo chép lại. Đến lần thứ bảy, guru nói:
– Được rồi, lòng con không còn bợn bụi trần. Ta có thể truyền dạy cho con tinh hoa của giáo lý Bà-la-môn.
Ba năm trôi qua. Sau một buổi thiền định, vị sư nói với đồ đệ:
– Vụ gieo cuối cùng đã mãn, con có thể cho cháu dắt trâu về.
Nửa năm sau, vị sư nói:
– Vụ gặt cuối cùng đã xong, bây giờ phần mẫu ruộng lại thuộc về con.
Rồi sáu tháng sau, guru lại bảo:
– Bữa tiệc cuối cùng đã tàn, người vợ của con có thể về nhà. Và cả con nữa, bài học cuối cùng đã dứt, con không phải cần đến ta nữa.
– Thưa thầy, con xin ở lại suốt đời phụng sự thầy.
– Không, con phải tự đi một mình. Để sau này con còn phải làm thầy. Cả ta, ta cũng không cần đến con nữa.
Vị sư già nói xong, quay lưng bước nhanh về phía núi.