Ngày xưa ông bà ta và cả ta khi ấy vận y phục truyền thống thì hẳn rồi. Ta quanh đi quẩn lại với thể Cổ điển: Lục bát, Đường luật, Hát nói…
Tây đến, áo dài khăn đóng từ từ lui về hậu trường nhường đất cho bộ veston diễn. Thơ Mới, thư Tự do vần rồi Tự do không vần rất ư Hiện đại đầy cao ngạo, lâu lâu ta ngoảnh lại chê áo dài khăn đóng kia một phát.
Thi thoảng ta cũng thấy bóng dáng Cổ điển thấp thoáng đây đó, nhưng Hiện đại mới sang. Sang đến nỗi chàng thơ Cham nọ từ Sài Gòn về quê nghèo đã chơi trò đóng thùng ca-ra-vát giữa trưa nắng nực chết đi được.
Hậu hiện đại thì khác, nó chơi tất!
Đang sơ-mi trắng cổ cồn ngon lành, chàng trai thế hệ @ tháp vào vài miếng thổ cẩm đồ cổ, chơi chơi vậy thôi. Còn cô nọ phối đủ thứ vải “dân tộc”, từ Cham qua Mông đến Mường lên chiếc váy hàng hiệu vừa mới sắm. Vẫn cứ được khen đẹp, nhất là VUI chán!
Là Hậu hiện đại, chớ còn kêu cái gì nữa.
Còn ngài Inrasara đang hậu hiện đại, đến mùa Katê là quay ngoắt về cổ điển cái vèo, vui vẻ. Là hậu… hậu hiện đại!
Trích “Inrasara Suy tưởng”:
Châm ngôn của hậu hiện đại: Think globally, act locally: Suy tư toàn cầu, hành động cục bộ, địa phương.
Bạn nhìn trái đất như nhà của bạn, như làng của bạn và bạn trồng cây trong khuôn viên nhà đó, và không xả rác ra đường ở ngôi làng đó;
Bạn yêu hòa bình thế giới, đồng thời bạn sống hòa thuận với người bà con, láng giềng bạn;
Bạn kêu đòi dân chủ cho nhân loại, cùng lúc bạn thực hành dân chủ với vợ con bạn, cấp dưới bạn;
Bạn quý trọng những gì thuộc về bạn, cạnh đó bạn biết học tôn trọng cái Khác the Others: màu da khác, dân tộc khác, tôn giáo khác, hệ tư tưởng khác, yêu nước kiểu khác, và cả… cách làm thơ khác;
Là bạn đã hậu hiện đại…