Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại 02. Lý Đợi

Trong Tuyển Thơ Viêt, từ hiện đại đến hậu hiện đại.
*
Lý Đợi không làm thơ.

Viết về thơ Lý Đợi đã khó. Càng khó hơn, viết về hoạt động chữ nghĩa của Lý Đợi. Khó, không phải trở ngại bởi điều gì to tát, sâu thẳm khó nắm bắt mà là, ở chọn cách khởi đầu, ngay cả chọn chữ đầu tiên.
Lý Đợi là người viết báo, biên tập viên, nhà viết văn xuôi, kẻ làm thơ in photocopy, người phỏng vấn và trả lời phỏng vấn; Lý Đợi trình diễn thơ và thuyết trình về chữ nghĩa, workshop và triển lãm; Lý Đợi – tên choãi vã (từ dùng của Đinh Linh) bạt mạng và ương bướng, kẻ hoạt động chữ nghĩa vỉa hè chuyên nghiệp, dân làm phim tài liệu và chụp ảnh nghiệp dư, cùng duy trì Nhà xuất bản Giấy Vụn và sáng lập nhóm văn chương ngoài luồng Mở Miệng hay là tay ăn nói bá láp đầu đường xó chợ tạp pí lù Sài Gòn. Lý Đợi là loài sinh linh làm đủ thứ nghề không ra nghề để sống và viết. Viết theo kiểu của mình, tùy sở thích của mình. Viết như không cần viết; viết như chọc những người biết viết. Viết ngoài vòng kiểm soát và kiểm duyệt, cho hay không cho phép chính thống. Lý Đợi là nhà thập cẩm độc nhất [vô nhị] của trò chơi chữ nghĩa hôm nay, hệ quả [lụy] độc đáo của xã hội Việt Nam hậu chiến, hậu thuộc địa, hậu Cộng sản, kiểm duyệt và tự kiểm duyệt, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Cộng sản khoa học, định hướng văn nghệ, thơ ca của báo văn nghệ các loài, phê bình văn học trên báo phổ thông đủ loại, cho phép xuất bản và thu hồi, biểu tình xin phép, tự do bầu cử, tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng,…

Lý Đợi giống món “xà bần” – không phải thứ thắng cố của người Mông – mà đích thị xà bần. Rất nhiều món ăn sau trận tiệc thừa mứa, đám giỗ, ngày tết, hay của người ăn xin góp nhặt, được Lý Đợi dồn lại và pha chế, nấu nướng bằng thứ kĩ thuật đặc thù. Nhất là, vẫn còn xài rất được. Ai dùng đều biết chắc, đó chính là sản phẩm mang nhãn hiệu Lý Đợi, không thể lẫn.
Có thể bắt đầu về Lý Đợi và thơ Lý Đợi bằng tuyên bố: “Chúng tôi không làm thơ”, bằng thái độ ngoại biên, bằng lập trường của nhóm văn chương Mở Miệng, bằng một bài thơ: “Lời hứa của Doi Ly” chẳng hạn, hay thậm chí bằng một cặp từ đồng nghĩa nhưng phân cách cả mấy vực thẳm nỗi người và nỗi đời: “bánh tráng/ bánh đa”. Có thể bắt đầu từ bất kì đâu cũng ra Lý Đợi, xuôi hay ngược, trộn lộn và bóc lên một con chữ như trò xóc dĩa may rủi. Ngay cả một chữ ấy thôi, cũng là Lý Đợi.
Từ thơ [khoác áo] cổ động tếu táo: “Định chế [hay là luật] của cầu tiêu công cộng”, “Xin thề là tui đã sáng suốt chọn lựa”:

“Ta đi bầu cử tự do
Lựa người tài đức ta cho vào hòm.”

Đến thơ giải đáp thắc mắc rẻ tiền: “Khi muốn chồng yêu/ hay 3 cách để đi đến bình đẳng”, “Ê… Bùi Chát, cũng có 08 cách khác để làm thơ thật dễ dàng”, “Về lợi ích của thơ”; hay thơ [mang dáng vóc] của bài hịch khệnh khạng: “Lời hứa của Doi Ly”, “Hạch tội xứ Xích Quỷ trước ngưỡng cửa WTO còn đóng kín”:

các ngôn sứ của bọn ngươi là hạng khoác lác ba hoa,
là phường đổi ba tấc lưỡi để lấy những thứ có giá trị ngang cháo lòng trở lên
là những quân phản bội
các tư tế của các ngươi làm ô nhục nguyên khí quốc gia
làm mất linh thiêng đền thờ và vi phạm lề luật
biến máu của nhân dân thành tiết canh
và biến tiết canh thành két sắt tư gia

Có thể bắt đầu bằng thơ nhại, thơ giễu; từ giễu một bài thơ cũ: “Trường ca hành [xác]”, qua nhại ca từ của một ca khúc: “Vì em là con gái”, đến giễu nhại bài thơ mới ra lò ngày hôm qua: “Ba cái thứ lăng nhăng”. Chẳng ngán vi phạm bản quyền và, sẵn sàng đùa nghịch vào chính sự vi phạm đó. Còn cãi lý nữa!

Trong suốt một thời gian dài sách xuất bản tại Việt Nam gần như 100% không có đề copyright, vậy ai là người giữ bản quyền. Mà bản quyền thì phải nói đến luật bản quyền, nếu đã có luật rồi thì cứ đưa nhau ra toà, kết quả thế nào thì truy xét thế ấy. Mà luật và sự minh bạch trong hệ thống luật ở Việt Nam thì anh biết rồi đấy, gần rừng hơn gần toà án (“Không còn ai minh bạch hoàn toàn”, Trả lời phỏng vấn của Uyển Đông).

Có thể bắt đầu bằng thao tác lượm nhặt các câu nói dân gian, hàng lô thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa, Quất ngựa truy phong, Qua cầu rút ván, Ðè đầu cưỡi cổ, Ném đá giấu tay, Ăn cháo đá bát, Thượng đội hạ đạp, Thọc gậy bánh xe, Gắp lửa bỏ tay người, Ngậm máu phun người, Thừa gió bẻ măng, Thừa nước đục thả câu,…”, ép chúng vào hàng dọc, chỉ định [và dự đoán] đó sẽ là “những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam” ở thì tương lai.
Trò dự đoán tào lao này đã gây không ít giận dữ từ phía nho hương nguyện.
Cũng có thể từ loại thơ lắp ghép tin tức từ mảnh báo cắt rời, báo mạng hay báo giấy, trong hay ngoài nước, tiếng Việt hay tiếng Anh, về “Hàng không OK”, về “Một nhà thơ bị đánh chết”. Có thể coi mớ chữ nghĩa kia là tin trong tin. Lý Đợi sử dụng tin làm thứ chất liệu (như từ, cụm từ, hay cái gì nữa bất kì) sẵn có, chế biến chút đỉnh, làm thành bài thơ. Để tỏ một thái độ trước thời cuộc. Đó là “điển tích” mới, nóng hôi hổi. Tại sao không? Bản chất của tin tức báo chí là được đọc lướt qua rồi quên. Ở đây, Lý Đợi buộc kẻ đọc bằng tâm trạng hờ hững khi trước đọc lại bản tin và kiểm nghiệm thái độ sống của mình. Người ta có thể bắt bẻ, sao nhà ông không viết xã luận đi, sao lại phải viện đến thơ? Và kêu thứ hổ lốn đó là thơ?
Lý Đợi có làm thơ đâu! “Chúng tôi không làm thơ”!
Anh dứt khoát như thế. Cũng như rất dứt khoát trong quan niệm về thơ và nghệ thuật anh đang theo đuổi, tại cuộc trả lời phỏng vấn Hội luận văn chương có tên “Thi sĩ Việt = trộm + cướp + lộn xộn”:

Tôi thường đọc khoảng 10% số nhà thơ viết bằng tiếng Việt, và còn sống, và đang viết. Trong đó, tôi tìm thấy được thái độ về nhân quyền, về xã hội và chính trị ở 2-3%, còn 6-7% kia là đọc với hi vọng họ sẽ thay đổi. […] Theo tôi, thơ Việt đang bị chia thành 3 cực, xếp từ đông đến thiểu số: a) Những nhà thơ trang trí, chuyên múa lửa lắc vòng, mua vui con mắt các giới chức, cơ quan thông tin đại chúng…; b) Những nhà thơ “vô thưởng vô phạt”, làm thơ với hi vọng bất tử hay đi vào lịch sử văn học…; c) Những nhà thơ “phản kháng”, gồm khoảng 2-3% như đã nói ở trên. […] Tôi vẫn tin vào con số [trong đó có tôi]: khoảng 95% số nhà thơ Việt là không đủ khả năng đọc hết một bài thơ ngoài ngôn ngữ của mình. Và trên 75% là không đủ khả năng đọc hết một bài thơ cùng ngôn ngữ, nhưng không phải của mình.

Cũng có thể bắt đầu với Lý Đợi bằng thứ thơ mang [dáng vẻ nặng/ thuần] tính kĩ thuật hơn, thơ khởi đầu bằng một từ: “Chạy”, “Luộc”:

Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Chưa tìm thấy thứ gì mà người Việt không thể luộc…

Vậy nên:
Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất

Từ luộc xe honda, nhà đất, bằng cấp, chức tước…
Từ luộc vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo hiểm…
Từ luộc trí tuệ, thẩm mĩ, văn hoá, nhân tính…
Từ luộc nhân quyền, tự do, tư tưởng, tâm linh…

Chưa tìm thấy điều gì mà Việt Nam không thể luộc

Vậy nên:
Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất

Hay một câu cửa miệng: “Dạ, em xin khai, rồi lại xin thề” hoặc thậm chí một âm tiết: “Danh-dao-dĩ-nhậu”.

Chúng không là thơ. Tất cả chúng đều là hậu [hệ, thành] quả của/ từ một phản ứng mang tính xã hội. Dù chúng được gợi ý từ một bài thơ của bạn thơ, từ một tin tức báo chí, một nghị định của chính phủ, một tin vịt nghe lỏm được ở vỉa hè, một từ hay một âm bất chợt, Lý Đợi liên tưởng đến một/ một vài ý tưởng, và [không] làm thơ. Đúng hơn: không làm thơ hay, như bấy lâu người làm thơ Việt Nam luôn mơ ước và phấn đấu. Như lâu nay người đọc chờ đợi ở người làm thơ, ở thi sĩ. Lý Đợi không quan tâm chuyện thơ hay/ dở, tròn/ méo mà là thơ thực/ giả. Anh huy động cả đám chữ vào cuộc. Anh xài chữ để trực tiếp tỏ thái độ chính trị: “Đội nón bảo hiểm tức thì ai chết?”, “8 + 8 + 8”, mấy bài thơ về sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa; chữ để tỏ thái độ xã hội, thái độ sống, thái độ viết. Bằng thủ pháp đắc địa nhất của hậu hiện đại: giễu nhại parody.
Vẫn còn là chưa đủ, Lý Đợi đẩy mọi thái độ, phản kháng rơi tõm bờ bên kia của chữ nghĩa. Tính chính trị trở thành một không khí của ngôn từ, của văn cảnh. Các sản phẩm tạo tác của anh ngập tràn, bốc mùi cái không khí chính trị đó.

… trước xã hội thông tin và kỷ nguyên của Internet ngày nay: bí mật của một quốc gia-dân tộc dần dần bị hé lộ, vấn đề của Việt Nam không phải là chuyện bản sắc hay hiện đại, mới hay cũ, bảo thủ hay hoà nhập, tốt hay xấu, đúng hay sai… mà chỉ là thật hay giả. Chỉ có sự thật mới mong làm chúng ta thay đổi; dù khi tiếp xúc với sự thật, chúng ta sẽ phải chấp nhận hi sinh nhiều thứ – mà trong đó, sự hi sinh lớn nhất – chính là ảo tưởng của chúng ta. Chúng ta cứ tưởng Việt Nam là một dân tộc vĩ đại, giỏi hi sinh trong đánh nhau, vậy là chúng ta cũng giỏi những thứ khác. Chúng ta có bản sắc trong sự mau thay đổi, thích đạp đổ… thì chúng ta cũng có bản sắc trong tư tưởng, tính trường tồn. Không, bất cứ dân tộc nào cũng vậy, có một vài đặc trưng và đặc điểm của dân tộc đó, và Việt Nam cũng thế, cái đặc điểm trội nhất của chúng ta là tính thường biến, mau thay đổi. Nói nôm na, bản sắc của dân tộc Việt là không có bản sắc; nếu căn cứ vào các tiêu chí phân loại về bản sắc như hiện nay (“Sự băng hoại đang bốc mùi từ sự thờ ơ của chúng ta”, 2005).

Một bản sắc không bản sắc. Ở đó không có nhà thơ, khi nhà thơ quay lưng với hay giả vờ chạm vào sự thật. Ở đó cũng không có thơ, khi thơ không chịu/ không gánh nổi sự thật. Cái lâu nay ta quen gọi là thơ ca chỉ là đống rác. Rác mọi lúc mọi nơi. Không thể làm gì với loài rác ủ đống ấy, Lý Đợi quyết vạch chúng ra, bươi chúng lên, hô hoán nỗi chúng cho người khắp xung quanh biết đó là đống rác. Lý Đợi quyết Mở Miệng. Bằng thơ.
Các loại thơ đó dung [chấp] chứa bạt ngàn từ đường phố, xó chợ, kẹt núi, góc ruộng, đáy ngục. Những từ dâm ô, tục tĩu, dơ dáy, hạ cấp, mạt hạng, thối nát, bậy bạ, nhảm nhí, lăng nhăng, hư đốn, và mọi mọi tính từ và hình dung từ tồi tệ nhất và tiêu cực nhất mà người đọc hình dung được.
Chúng không là thơ: “Chúng tôi không làm thơ”. Nếu muốn kêu là thơ, đó là loài thơ rác [rưởi] chính hiệu. Lý Đợi là kẻ xả rác lì lợm và ngoan cố nhất vào nền thơ ca Việt Nam, vào mảnh ruộng chữ nghĩa Việt Nam. Xả tất cả những gì có trong tay, hoặc chế ra và xả. Tự mình xả, kêu gọi đồng bọn xả. Trong nước và hải ngoại. Xả lên giấy và trên mạng. Đến đỗi văn chương Việt Nam tràn ngập rác, trở thành đống rác khổng lồ – “Đống rác vô tận”, như cách nói của Phan Bá Thọ.
Khi tất cả đã trở thành rác, thi sĩ làm gì? Hắn không làm gì cả, cũng không được phép làm bất kì cái gì cả!

nhưng tôi đã ba mươi và tôi biết rằng tôi đang sống

nếu được chết
tôi sẽ chết ngay lúc này
mặc đời sống chó má đang ngự trị ngoài kia

nếu được chết!?
— ai cho phép mày tự do được chết
— ai cho phép mày tự do
— bọn khốn
.

Hắn ngồi đó và chờ. Chờ cho đống rác [hắn tưởng tượng ra kia] thối và rữa. Cả thân xác và linh hồn hắn nữa, cũng thối rữa. Ngày mai, sẽ mọc trên đó một cây thơ của một nền thi ca tự do trong một xã hội tự do được trồng bởi một nghệ sĩ tự do, tự do trong ý nghĩa nguyên ủy và cao vời nhất của từ.
Nhưng, liệu còn có ngày mai?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *