Thương ca vô tận-27. MỘT CÁCH ĐẦU ĐỘC CON CÁI

Câu chuyện.

Có lần tôi nhỡ miệng ca tụng một thầy đồng nghiệp ở Ban Biên soạn, bạn gạt đi: nhảm! Tôi nghe lạ, nhưng cho qua. Hôm sau tôi hỏi, yut có bao giờ gặp ông ấy chưa?

– Cần gì!

– Yut chưa gặp, chưa nói chuyện, sao lại có thể biết người mà nhận xét?

– Trước đây ba mình kể…

Tôi kêu: chết rồi!

Năm ngoái, một bạn thơ trẻ Cham đọc đâu đó trên facebook Jaya, liền chụp lại, gửi tới và chat: “đây chính là ý của cei”, tôi kêu: chết rồi!

Anh chàng cứ tưởng mọi mọi tôi đều truyền bá với người nhà, khộ!

Có vậy đâu. Tôi mang tinh thần dân chủ từ bụng mẹ. Gia đình tôi, tuyệt không bàn về chuyện thiên hạ, ai thế nào – kệ, nếu chuyện đó không ảnh hưởng đến cộng đồng. Ngay bản thân bao lần bị tấn công, tôi cũng không cho phép ai trong mấy đứa con phản hồi, huống hồ mấy vặt vãnh ngoài trần gian.

May, các con tôi cũng lây tánh tôi: không. Ngoại lệ, mỗi sáng cà-phê, thi thoảng Hani bàn về người này nọ [phụ nữ, chả trách], tôi đùa:

– Mẹ nói giải trí, mình cũng nghe giải trí thôi.

Con cái chưa lần gặp mặt, chưa có dịp trao đổi, chưa hiểu người đó xanh đỏ ra sao… ta cứ nói tới, dần dà ngôn từ nhiễm vào đầu óc còn non nớt của chúng rồi thành thâm căn cố đế, khuôn định đối tượng theo lối nhìn của “bố”. Để rồi, mỗi lần nhắc đến, định kiến kia bật ra, không thể khác.

Trước một sinh linh mới, thế giới mới lạ, đầu óc chúng đóng chặt lại – là điều chí nguy. Chính là cách đầu độc con cái mà không biết.

Vụ này tôi đã phân tích chi li từ 15 năm trước, nay chỉ tóm gọn lại.

+

Ghi chép-1982

Người Khmer được đẩy vào chùa Phật ngay từ bé rèn luyện cho đến lúc trưởng thành. Tại đây, có hai lối đi chọn lựa: hoặc trở thành thầy tu chuyên nghiệp hoặc tự tin đi vào đời, dựng nghiệp, lấy vợ, sinh con đẻ cái.

Cham xưa thì ngược lại, ông bị ném thẳng vào trường đời để ngụp lặn, tôi luyện trong nó. Rồi ở tuổi đứng bóng mặt trời, khi đã có cơ nghiệp vững chãi, ông cũng có hai con đường để chọn lựa: hoặc ông chìm nghỉm trong nó hoặc ông bứt ra khỏi nó, để đi trên con đường trầm tưởng của riêng ông.

Như vậy, nếu lề lối Khmer có lợi cho tổ chức xã hội, khuôn phép nhân quần thì con đường Champa khai mở sáng tạo thi ca, phát kiến suy tưởng.

Trắng tay và trắng hồn, ông đi vào đời với bàn chân mới lạ và cái nhìn tinh khôi. Cuộc đời với ông bất trắc đầy huyền nhiệm. Nó có thể đè bẹp thân ông hoặc đập vỡ tim ông để tâm hồn ông bật lên tiếng hát đau thương linh thánh. Rồi khi ông đã thấm đẫm nỗi đời, đã vượt qua được dòng sông cuồn cuộn đau khổ của sống, lòng ông đã lắng, nhìn trở lại con sông, ông suy nghiệm.

Con mắt cuộc đời sâu thẳm nhìn ông: con mắt hà khắc đầy trìu mến yêu thương. Cuộc đời với ông là Một. Một duy nhất, hiểm nguy, bỏng cháy và lôi cuốn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *