Lê Hải, một cách đọc khác

Ngày tháng năm sinh: 2-1-1959 (trên giấy tờ)
Học:
Vỡ lòng ở Ngô Quyền – Hải Phòng; Trung học ở Chương Mỹ & Thanh Oai – Hà Đông (thời Mỹ ném bom nên sơ tán về quê)
Đại học ở Sài Gòn: Cựu sinh viên khoa Toán (Trường Đại học Tổng hợp); Cựu sinh viên khoa Xây dựng công trình (Trường Đại học Bách khoa Sài Gòn)
Nơi ở hiện nay : 5B/F đường Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, Sài Gòn.
E-mail : lehai5321@yahoo.ca
Đã từng làm ở: + Liên hiệp các xí nghiệp Dược Việt Nam – Bộ Y tế
+ Công ty Xây dựng số 14-Bộ Xây dựng
Hiện đang làm tại: Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1-Sở Giao thông Vận tải
Tác phẩm:
Lục bát về bóng đá, NXB Eutopia, 2001
Lục bát về chưởng Kim Dung, NXB Eutopia, 2002
Khoảnh khắc, NXB Đồng Nai, 2003
Nắng đêm, NXB Văn nghệ, 2007
DAO, NXB Eutopia, 2008
SOI DEN, NXB Eutopia, 2009

*
Lê Hải – một cách đọc khác

Ở một bài thơ, có khi phần chú thích hay phụ lục quan trọng hơn chính bài thơ. Quan trọng hơn, không phải là cốt tủy hơn mà là, nó chính là chìa khóa không những chỉ khả năng giải mã bài thơ mà còn khai mở nhiều chiều kích mới, khác lạ, gợi mở diễn giải và tưởng tượng.
“Viết lại bằng lục bát”, “ghi chú” các bài thơ trong tập Liên tưởng của Lê Vĩnh Tài(1); và nhất là các “phụ chú”, “biện giải”, “thêm thắt”, “lưu ý”,… trong bài thơ “Khóc Văn cao” của Bùi Chát đã gánh được trọng trách đó(2).
Tiếp nhận “truyền thống” thủ pháp trên, Lê Hải đã làm khác, rất khác: anh chơi “phụ lục” cho cả tập thơ: DAOSOI DEN.

Nếu Bùi Chát ở Xáo chộn chong ngày, phụ lục chỉ là “tài liệu tham khảo chánh” như thể thư mục tham khảo được ghi cẩn thận ở phần sau các công trình nghiên cứu khoa học (tại sao một công trình khoa học thì được, còn tập thơ lại không?!), thì ở đây, phụ lục của Lê Hải rất lạ lẫm.
Không làm như các nhà thơ dòng cổ truyền ưa làm: phụ bản tập thơ bằng mấy bức tranh vẽ vội nhảm nhỉ hoặc kĩ lưỡng hay, bằng mấy ca khúc phổ thơ mà bằng, giải thích “một số các từ ngữ đã dùng” trong tập thơ, với DAO. Chớ nghĩ đây là một cách tân thuần túy mang tính kĩ thuật trình bày, mà chính là khởi phát từ một quan niệm. Thi trung hữu họa? – Không, thi trung hữu chữ. Hay nói cách khác: chính ngôn ngữ quan hệ mật thiết với thơ ca hơn mọi hình thái nghệ thuật khác, kể cả hội họa. Nói như Heidegger: Ngôn ngữ là ngôi nhà an cư của Tính thể. Thi sĩ và tư tưởng gia là kẻ canh giữ ngôi nhà đó.
Nhà thơ là kẻ xây dựng ngôi nhà ngôn ngữ thơ cho chính mình. Cư trú trong nó.
DAO, sau “Bóng đá là gì, “Tennis là gì”, “Nàng (hoặc Em) là gì”, “Thức là gì”, “Không là gì”,… cuối cùng “Xã hội mở là gì”, “Biện chứng là gì”. Có từ Lê Hải tường giải như một nhà nghiên cứu, có từ ngữ anh dẫn nguồn từ Từ điển, có từ ngữ anh trích từ các bản dịch đã đọc được đây đó.
Các tường giải này không hạn định lối hiểu phần chính tập thơ, như thể một giải thích thơ mình, mà nó mang ở tự thân khả tính khai mở nhiều lối diễn dịch khác nhau

không thể như nó đã
chỉ có các diễn giải
và không cuối cùng

(DAO, 2008)

Đó là “dao”.
Popper: Xã hội mở bị đe dọa bởi tất cả hệ tư tưởng cho là mình có chân lí cuối cùng. Nghĩa là nó chấp nhận nhiều diễn ngôn, của chính nó, bên cạnh nó và khắp xung quanh. Phê bình mở không chối bỏ sự đa nguyên trong hiểu hay giải thích văn bản. DAO đòi hỏi một tinh thần như thế, khi tiếp nhận nó. Mặc dù nó cũng mong muốn:

không xem xét
không diễn dịch
tự tại tôi

(DAO, 2008)

Đó là “đạo”.
Bởi chính tên tập thơ mời gọi vài diễn dịch: DAO vừa là “[con] DAO” cắt, xắt, bổ, rọc, rạch xé, phân tích, chẻ sợi tóc làm tư, vân vân… vừa là “đạo” thâu tóm tất cả và an nhiên tự tại. Nó khiến chúng ta “dao [động]” trong cái nhìn soi bói sắc bén của nó, đẩy chúng ta thức tỉnh để có thể tự tri tự ngộ, và cuối cùng “[tiêu] dao” trên con đường – ĐẠO. Ngay “Lời tựa” tập thơ, tác giả đã lưu ý chúng ta điều đó. Có đến 108 lối diễn dịch được gợi ý, là vậy.

Đến SOI DEN, Lê Hải thách đố người đọc cũng bằng cách thức trên. Sói đen hay sợi đen hay soi đèn? Chúng ta dễ bị lừa rằng nó là “sói đen”, chắc chắn. Bởi ngay trang đầu tập thơ, tác giả đã cẩn thận ghi hàng chữ cảnh giác to đậm:

Độc giả nên cân nhắc vì đây là cuốn sách liên quan đến Bạo Lực”.

Lần nữa, người đọc lại bị mắc lỡm: Đọc suốt tập thơ, không lấy đâu cảnh, ý tưởng hay ngôn từ bạo lực! Chỉ thấy toàn tên triết gia, họa sĩ, với các siêu sao bóng đá,…
Câu đầu tiên được dùng “trang trí” cho tập thơ là của Marco Pannella:
“hãy tự biến mình thành niềm hi vọng”
Và “phụ lục của SOI DEN là “Hiện tượng Guardiola” và “Chuyện về Iniesta bé xíu” của đội túc cầu đá đẹp, hấp dẫn và hiệu quả nhất hành tinh vừa lên ngôi năm 2009! Chỉ có niềm hi vọng và cái đẹp, làm gì có chuyện bạo lực hay “sói đen” ở đây?!
Thế nhưng, nếu chịu khó “soi đèn”, người đọc ắt nhận ra thâm ý của tác giả. Với những trích dẫn tưởng ngẫu nhiên và vô hại, nhưng không. Với những đoạn thơ viết như nói, khơi khơi như chơi như đùa, nhưng không. Chúng có khả năng thay đổi lối nghĩ chúng ta, xoay chuyển cuộc sống chúng ta, cách mạng lối viết chúng ta,… Chúng thuộc thế giới mở. Chúng mang ở tự thân khả tính bạo động để mở, trong thế giới u ám này.

Tuy chúng tôi không may
thể chất yếu đuối,
lại bị giày xéo vô nhân đạo,
hơi kiệt cổ khan,
tiếng chìm bóng mất,
có hình dạng người nhưng phải
liệt vào hàng cầm thú đã lâu,
cho nên nếu ai bảo chúng tôi
không phải loài người,
chúng tôi cũng không biết
nói thế nào để mà cãi
lại cho được
.
(SOI DEN, 2009)

Cả hai tập thơ DAOSOI DEN đích thị đều liên quan đến bạo lực. Bạo động với chính ta, để ta mạnh bạo co chân đạp đổ mọi bức tường, mọi rào cản, mở ra thế giới bao la, vô tận, bất khả tư nghì.

Sài Gòn, 24-8-2009.

__________________

(1) Lê Vĩnh Tài, Liên tưởng, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2006.
(2) Bùi Chát, Xáo chộn chong ngày, NXB Giấy vụn, Sài Gòn, 2003.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *