“Tôi là kẻ cá biệt” (báo Tây Ninh cuối tuần, tháng 7-2010)
1. Sáng nay, nhà thơ kiêm nhà phê bình [Canada] sắc sảo, còm: “Nhà thơ Inrasara, người thư ký trung thành và hài hước nhứt của thời đại!”, chợt nhớ, năm xưa nhà thơ nổi tiếng [Mỹ] từng cho: “Inrasara là nhà phê bình chịu chơi nhứt hiện nay”. Rồi nhớ,
Một nhà thơ [Hoa Kỳ], phỏng vấn một nhà thơ danh giá đất Sài Gòn trên Litviet, 3-12-2011, về Inrasara có đoạn:
“… Ở VN hiện nay, cách tân khó có thể “tới” được một phần còn vì cái não trạng thực dụng đầy tính thỏa hiệp của giới văn nghệ. Nhiều người muốn cách tân nhưng đồng thời muốn được công nhận bởi hệ thống văn chương bảo thủ của nhà nước. Tôi lấy ví dụ Inrasara. Inrasara là người xiển dương cách tân thơ, đặc biệt tích cực truyền bá chủ nghĩa Hậu Hiện Đại. Nhưng HHĐ thì không thể nào đi cùng với Hội Nhà Văn, vốn là một tổ chức được tạo ra để thực hiện chủ trương chính trị chuyên chế… Inrasara là người có vai vế trong hội này…”.
Hồi ấy tôi có đùa: Khi ta chưa ra khỏi “cái hang” [ngụ ngôn của Platon] thì không tin ngoài kia có loài dế mèn đang tự do hát dưới nắng trời.
2. Đoạn văn ngắn mắc 3 lỗi to cồ bự.
– Sai dễ thấy nhất: Inrasara “đặc biệt tích cực truyền bá hậu hiện đại… là người có vai vế trong hội này”. Viết về HHĐ từ năm 2002, khi ấy tôi mới vào hội. THuở chủ trì Bàn tròn Văn chương 2006 – chủ đề tự do, khách dự tự do, thảo luận tự do – tôi vẫn còn hội viên chay! Năm 2011 tôi mới Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, cái danh vị không ghế không lương.
Nhà này ngó lộn ngày tháng: 2002-2006 với 2011, và nghĩ cái ghế kia nó to.
– “HNV là một tổ chức được tạo ra để thực hiện chủ trương chính trị chuyên chế”, đúng. Còn cho rằng mọi mọi viết theo chủ trương, là lầm TO. Stephen Morison Jr., “Demilitarized Zone: Report From Literary Vietnam”, Poets & Writers, 9&10-2009 – té ra người Mỹ còn rành sinh hoạt văn học VN hơn nhà thơ Việt sống tại Mỹ!
Lỗi về quan sát.
– Nữa, Inrasara “muốn cách tân nhưng đồng thời muốn được công nhận bởi hệ thống văn chương bảo thủ của nhà nước”, là sai & lầm mang tính suy bụng ta ra bụng người.
3. Thử giải tán chữ nghĩa vui.
[1] “Cách tân” – tôi hay mang chữ này ra đùa, và vài lần viết: Các nhà thơ miền Bắc ưa “cách tân”, chớ miền Nam thì không. Họ “phản kháng” [Trần Tiến Dũng] hay “cách mạng” [Inrasara, “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”, tham luận tại Đại học KHXH&NV, 25-8-2006].
Hô tôi “muốn cách tân” là chưa hề đọc tôi, từ đó không hiểu – thành đoán mò. Đoán mò, lại ham nói to.
[2] Inrasara “muốn được công nhận bởi hệ thống văn chương bảo thủ của nhà nước”- một lối suy nghĩ vô cùng lạ. Viết và in, là cho độc giả khả thể không biết trước, Cham hay Việt, ta hay tây, trong hay ngoài nước. Làm gì có chuyện viết, và MUỐN “hệ thống” nào đó công nhận.
17 tuổi, trêo ảnh Krishnamurti trước bàn giấy, ở đó hai nhà tôi muốn vượt là: Dostoievski và Heidegger!
Làm thơ từ năm 14 tuổi, tôi không gửi đăng báo, 35 tuổi vào Sài Gòn thừa điều kiện, tôi cũng không. Biết tôi có bản thảo – nghiên cứu, thơ văn, phê bình…, đâu cần thì in. Tác phẩm in ra, đâu cho giải thưởng – 21 giải cái cả thảy, từ Nhà nước, nước ngoài, phi chính thống cho đến phản động… thì nhận. Tôi nói lời cảm ơn, là xong – không ai mắc nợ ai!
[3] Từ năm 2002, để diễn trình tư tưởng mình, tôi viết tiểu luận, phê bình. Báo trong nước không đăng hay đòi biên tập, tôi gửi ra ngoài: Úc, Mỹ, Đức, Nhật, Ấn…
Anh bên nớ kêu đó là “não trạng thực dụng”, chú bên ni tổng biên tập tạp chí năm 2004, cho “Inrasara khôn, chế độ nào hắn cũng sống khỏe”. Lối nghĩ nhị nguyên địch ta, trắng đen không khác nhau phân tấc!
Từ tuổi 15, tôi đắc đạo Cham. Nhập cuộc chữ nghĩa ở tuổi 40, tôi làm một bồ tát-nghệ sĩ thõng tay vào chợ văn – sự sự vô ngại!
“Tôi, sinh linh cá biệt” – tên một bút kí, dân Chakleng hiểu vụ này từ lâu, sau đó Cham hiểu và cho qua – vui vẻ. Văn giới Việt, nhiều người – bên này lẫn bên kia – hơi bị khó.
Cũng là do… não trạng!