[thư kì-2 cho nhà thơ Kông Đản]
Bao miền đất Việt Nam tôi đi nhiều, đó là các chuyến đi được mời. Rảnh, tôi hỏi: tại sao không, thế là đi chứ chưa một lần tôi chủ động. Tôi phủi nhiều lời mời xuất ngoại, như chuyến đi Hàn Quốc vào tháng 9 tới, dù chưa lần đến xử sở kim chi – tôi từ chối, vì thấy không cần thiết. Hoặc nhường lại suất đi Festival Ấn Độ cho bạn văn 12 năm trước, cũng vậy.
Tất cả dồn vào mục tiêu. Và rồi tùy chuyển biến thời cuộc, mục tiêu có thể thay đổi, nhưng căn cốt vẫn là NÓ.
Từ tuổi 15, hai việc chính tôi đặt ra là, [1] Sáng tác: kể câu chuyện Cham; [2] Luận: giải minh tâm hồn con người Cham và tinh thần văn hóa Cham đến với thế giới.
Sau một phần tư thế kỉ học và tập, thấm đẫm tư tưởng hóa giải và hòa giải của Pô Rômê và tinh thần phi tâm hóa hậu hiện đại, tôi có thay đổi vài mục:
[1] Sáng tác, vừa kể câu chuyện Cham [Tháp nắng, Lễ Tẩy trần tháng Tư, Chuyện người đời thường, Chân dung Cát…], bên cạnh kể chuyện Việt Nam ra thế giới [Và sống sót và kêu từ cõi chết lạ] và ngược lại, như nơi tập thơ Ở nơi ấy [thơ thời cuộc].
[2] Luận về Cham như: Văn học Cham, Minh triết Cham, Đi tìm Sinh lộ cho Cham Ahier Awal…
[3] Luận về Việt Nam, tôi có 9 tác phẩm về văn học, mục đích cho độc giả các nơi biết, ngoài dòng văn học chính thống, còn có 7 dòng chảy văn học khác, được gọi chung là văn học ngoại vi.
Muốn đạt mục tiêu, ngoài dẹp mấy thú vui đời thường, nhà văn cần gì?
SỨC KHỎE trước hết. Bạn không đủ lực để trường sức thì đừng hòng.
THIỀN ĐỊNH, để giữ khả năng tập trung.
Năm 2000, tranh thủ một tháng bà xã đi Thụy Sĩ, tôi vừa coi thợ xây nhà vừa viết Chân dung Cát. Tại Trại Sáng tác Vũng Tàu mùa hè 2002, tôi đóng cửa làm một hơi tập thơ Lễ Tẩy trần tháng Tư trong 21 ngày. Ở Trại Tuy Hòa 2012 cũng hệt, qua 12 ngày tôi kết thúc 12 chương tiểu thuyết Tcherfunith.
Nữa, cần tới nguyên tắc 3K: kiến thức, kĩ năng & kỉ luật.
KIẾN THỨC. Tôi có ông chú người Cham đọc vô số sách, thêm anh bạn Việt sở hữu kiến thức khủng, chớ kêu trình bày một đề tài nào đó thì ôi thôi, chả ai hiểu. Do thiếu…
KĨ NĂNG. Kiến thức đó để làm gì? Chưa tự đặt ra câu hỏi đó, lộn xộn là cái chắc. Học mà không suy nghĩ thì u tối, phí công; suy nghĩ mà không học thì gian nan, vất vả. Cụ Khổng nói đố có sai.
KỈ LUẬT. Đây là món tưởng dễ lại khó nhằn nhất. Đủ thứ chữ ở đây, như t
ùy tiện, chây lười, trì hoãn, chán nản, nóng vội…
Thuk siam cho nhà thơ!