Giải trí cao cấp. CÁ CƯỢC Ở CHỐN CHỮ NGHĨA

[Nên coi đây như vài hạt bụi cuối cùng đọng lại từ năm cũ cần đến thao tác giũ bỏ nhẹ nhàng để vào Lễ Tẩy trần, chiều nay – tặng anh Ysa Cosiem].

Nhà phê bình Lại Nguyên Ân trong một nhận định về loạt bài phê bình của tôi trên Vanviet, đã viết:
“Dù nhìn từ góc độ tư duy so sánh hay óc phê bình, tôi dám cá rằng những tiền bối sáng giá trong thẩm thơ bình thơ như Hoài Thanh hồi những năm 1940, Lê Đình Kỵ hồi những năm 1960-70 chưa chắc đã thực hiện được những thao tác nghề nghiệp như trên.” (Vanviet.net, 10-1-2016), bị một nhà văn trẻ còm kêu trong văn chương chữ nghĩa chớ mang vụ cá cược ra thách nhau, tôi mới reply đùa rằng: Được chứ sao không. Thắng thì vui, mà bại cũng huề cả làng.
Chốn văn chương Việt là vậy, còn nơi chòi chữ nghĩa Cham, chuyện cá cược là có thật, rất cụ thể nữa là khác. Ba câu chuyện:

Chuyện 1.
Năm 1993, công cuộc biên soạn Từ điển Cham Việt ở ĐH đang ngon trớn thì có vị Cham chạy sang kêu: Chàm chả ai trình tiếng Cham lớp Ba, nghĩa là chả mống nào khả năng soạn TĐ cả.
Phán khơi khơi vậy mà khối người tin nghe, trong đó có cả sinh linh có… học hành. Tôi mới mách bạn đang cộng tác gửi lời thăm hỏi đến vị ấy, rằng:
– Nếu một chàng/ nàng Việt, đọc thông văn bản cổ, viết luận văn 3 trang không lỗi chính tả, làm thơ ngó bộ rất được, vậy chớ chàng/ nàng kia trình lớp mấy?
– Thì phải là sinh viên hạng khá trở lên.
– Vậy ngài có dám cá không, trăm ăn một thôi, tôi sẽ chỉ cho ngài thấy có sinh linh Cham đạt trình đó trở lên về chữ Cham đấy?

Chuyện 2.
Vừa qua một bạn trẻ than phiền với tôi rằng trong trận nhậu nhẹt nọ, có một ông tuyên rất gồ rằng: Cham chả thằng nào biết chữ Cham cả, dóc phách với nhau thôi…
To con vậy mà chả có trí thức trẻ nào đứng lên cãi, mới tội! Tôi hỏi, chứ nếu có cháu ở đó, cháu làm thế nào?
Bạn trẻ cương đáo để: Cháu sẽ hỏi ngài ấy, rằng ngài dám cược không, tôi sẽ chỉ cho ngài vài Cham rành tiếng/ chữ Cham ở cấp độ cao. Người từng đào tạo hàng trăm sinh linh Cham biết tiếng mẹ đẻ, sáng tác không ít thơ tiếng Cham, đọc-hiểu và dịch văn bản cổ Cham sành điệu. Ngài có dám không, không phải một lẻ loi đơn côi đâu, mà ba mạng cơ đấy!

Chuyện 3.
Tết vừa qua, có vị chức sắc trẻ cãi nhau trên mạng về chữ nghĩa. Một vị ở cánh bên kia kêu là Cham chỉ có chữ Panduranga, Panrang chứ không có PRANG DARANG. Cái chữ này do cái ông Inrasara bày đặt ra thôi.
Tôi hỏi vị trẻ ấy: Thế bạn trả lời thế nào? Im lặng. Tôi mới bày:
Này nhé! Chớ nói trống trơn, khéo họ bỏ chạy thì uổng công, mà phải cá cược hẳn hoi trên “mạng toàn cầu”. Rằng bác có dám không, tôi sẽ tìm ra 4 văn bản trong đó 3 văn bản có chữ PRANG DARANG trước ngày mẹ ông Inrasara sinh ra ông ta nữa!
[Tôi không theo dõi sự vụ nên không biết nỗi gì xảy ra tiếp đó, nếu có tôi sẽ cung ứng đủ đầy cho vị chức sắc trẻ ấy 4 văn bản trên để làm bằng cá cược:
TĐ Aymonier 1906, văn bản Pabblāp Birau 1942, văn bản Huỳnh Phụng 1956, và bản TT Văn hóa Chàm do thầy Lâm Gia Tịnh chép năm 1968].

Giải trí này muốn nói điều gì? – Rằng nếu bạn trẻ nắm căn bản vấn đề, có tinh thần phản biện, thêm cái tâm hồn humor bỡn cợt phóng dật xíu, thì mọi phát âm dù liều lĩnh to con tới đâu cũng ỉu xìu và vui vẻ ngay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *