[thơ, serie “Những ngày rỗng”]
Cha mẹ rời đi
người tình bỏ đi
những buổi chiều
ở lại
Tháp Chàm được dựng lên
cho những cơn giận
và
nước mắt
Lời nói gió bay
chữ nghĩa mưa bay
lòng người thì
làm sẹo
Chúng ta đến
chúng ta đi
và chúng ta bị quên lãng.
_____
DIỄN
Bài thơ viết ngày 12-3-2023, gửi nó cho một bạn, đọc đoạn về “tháp Chàm” anh không hiểu, tôi bảo đọc lại lần hai, lần ba đi – cũng không hiểu. Một Cham có học mà thế, trong khi lời thơ cực đơn giản. Tôi trích đoạn “Tháp Chàm muôn mặt” trong Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002, và nói: Này, xem tháp Chàm được dựng lên ĐỂ làm gì nhé:
“Tháp cho nhà báo đề tài viết báo
số Katê mỗi năm
[tuần chay nào cũng có nước mắt]
kiếm ít tiền xài
cho nhà khảo cổ cơ hội ăn theo
tên tuổi
Vua Champa xuống lệnh xây tháp
nghệ nhân [cùng vạn công nhân] xây tháp
họa sĩ Đàng Năng Thọ vẽ tháp
quần chúng Cham cứ đến Katê lên tháp cúng thần”
Sinh linh Cham lên tháp ĐỂ cúng tế – Cham nói ‘ngak Yang’ (nghĩa đen “làm Thần”, cúng tế Thần linh), như Kiều Maily năm kia ở Mỹ Sơn, xong thì về cho Thần linh canh giữ tháp.
Họa sĩ Thọ đắm chìm vào hồn tháp ĐỂ vẽ tháp, anh vẽ từ thuở Đệ Thất cơ!
Cham có học thì hãnh diện và ĐỂ nổ về tháp – như Wa Praong hôm nay.
Cham lên tháp KHÔNG ĐỂ tham quan du hí, thế nên chặn cửa bán vé là HỎNG TO. Không phải bởi bà con thiếu tiền mà đơn giản, – không được. Làm thế là xúc phạm đến phần thẳm sâu nhất của tâm linh họ.
Thi sĩ thì sao, tôi tiếp:
“Người không học thấy tháp là tháp
người có học thấy tháp vẫn là tháp
thi sĩ thấy tháp là chim”
Và, sau khi đọc tút “Nghĩ-57” về vụ mới nhất ở tháp Pô Inư Nưgar, thêm vài vụ cũ nữa, bạn nói: Hiểu rồi, thơ ít lời mà nói đủ đầy.
“Tháp Chàm được dựng lên
cho những cơn giận
và
nước mắt”.
______
P.S. cho đoạn cuối:
Không biết của ai từ đâu
chợt bay đến
làm kết
cho những ngày rỗng
này.