Tút “Thi sĩ & tiền”, bạn mừng tôi thành công, bạn nữa kêu tôi đa tài. Karun!
Từ “thành công” thì nghe quen, tôi thích chữ hiệu quả hơn; còn “đa tài”, sử gia Tạ Chí Đại Trường cho “Inrasara con người đa năng”.
Thế nào để hiệu quả? Vụ này thiên hạ bàn nhiều rồi, với vô số “cần”, “phải”, tôi có ngón riêng: 3K. Xin tuần tự…
“Think big, do small, move fast” – đó là nguyên tắc vàng. Phần tôi [đã kể chi tiết, nay tóm lược]:
– NGHĨ LỚN.
Cộng đồng Cham, tôi biết hai bạn trẻ mơ làm Inrasara thứ hai, tôi ngược lại: Ngay tuổi 20, đích tôi nhắm tới là vượt Dostoievski, chứ tôi chưa hề liếc qua sinh linh Cham xung quanh, nói chi… Việt Nam ta!
– LÀM NHỎ.
Để làm bộ Văn học Cham, ngay từ tuổi 15, tôi lang thang khắp palei Cham “một dòng ca dao, nửa trang thơ cổ/ tôi tìm và nhặt/ như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ”.
Chớ anh bạn thân của tôi mơ viết bộ tiểu thuyết sử thi mà cái giấy bút thôi còn chưa sắm!
– Chỉ như thế, ta mới mong TIẾN NHANH, tiến mạnh, tiến vững chắc lên…
[Thi đua ta quyết tiến lên/ Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu/ Hàng đầu chẳng biết đi đâu/ Đi đâu ta cứ hàng đầu mà đi – đùa tí!]
Công thức 3K của tôi, đấy là khi ta đã có 3 cái trên.
– KIẾN THỨC.
Tôi có ông chú người Cham đọc vô số sách, thêm anh bạn Việt sở hữu kiến thức khủng, chớ kêu trình bày một đề tài nào đó thì ôi thôi, chả ai hiểu. Do thiếu…
– KĨ NĂNG.
Kiến thức đó để làm gì? Chưa tự đặt ra câu hỏi đó, lộn xộn là cái chắc. Học mà không suy nghĩ thì u tối, phí công; suy nghĩ mà không học thì gian nan, vất vả. Cụ Khổng nói đố có sai.
– KỈ LUẬT.
Đây là món tưởng dễ lại khó nhằn nhất. Đủ thứ chữ ở đây: Tùy tiện, chây lười, trì hoãn, chán nản, nóng vội…
Cuối cùng dẫn đến THIẾU HIỆU QUẢ.