Inrasara-TV-15. CHĂM HAY CHÀM, AI NGON HƠN?

Từ Chăm chính thức được Nhà nước quy định gọi tên dân tộc Cham từ năm 1979. Nguyên do:Chữ “ Chàm” bị coi là có tính miệt thị, thế nhưng sao từ “Chàm” vẫn còn hiện hữu ở rất nhiều nơi?

Nữa, Chiêm, Hời, Chà, Người Đàng thổ… thì thế nào?

Giữa Nhà nước và nhân dân, giữa giấy tờ với môi miệng, thế nào cho hài hòa hai bên. Câu chuyện của chúng ta hôm nay thử đi bước đầu tiên hóa giải và hòa giải vụ tưởng nhỏ nhưng khá to này.

1. Duyệt qua các tên gọi từ xưa đến nay

[1] Hời, cũng không có chút phân biệt. Chế Lan Viên:

“Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ/ Quay về xem non nước giống dân Hời” đầy thương cảm! Mãi sau chữ này mới bị xài có ý phân biệt đối xử.

[2] Chiêm, băng-rôn treo ở cổng Ấp Chiến lược trước 1975: “Kinh Chiêm Thượng đoàn kết”, còn địa danh có: Cửa Đại Chiêm [sau này bị thiến mất còn… Cửa Đại].

Nhạc sĩ Đàng Năng Quạ trong ca khúc “Đồ Bàn” có câu: “Hỡi em Chiêm nữ em ơi, nhìn chi chân trời…”

[3] Người Đàng thổ được dùng để phân biệt với “Người Đàng quê” là người Việt;

[4] Chà được người Việt trong Nam gọi người Cham.

[5] Chàm Cổ: là tên gọi bộ phận Cham Hroi ở Bình Định, Phú Yên.

[6] Canh Cụ (hay Kinh Cổ): là từ gọi sinh linh mang hai dòng máu Cham Việt ở hai làng Xuân Quang và Xuân Hội ở Bắc Bình, Bình Thuận.

[7] Chàm Đông: thuật ngữ chỉ cộng đồng Cham ở Ninh Thuận và Bình Thuận và Chàm Tây: chỉ cộng đồng Cham ở An Giang, Tây Ninh và Sài Gòn. Chú ý đây là thuật ngữ dân chuyên môn dùng.

2. Chàm được gọi xuyên suốt

Trước 1979, từ “Chăm” chưa hề có mặt trên trần gian. Lạ, nó lại hạ sanh từ một sai lầm rất buồn cười do suy diễn bởi một quan lớn thiếu hiểu biết viết trên tạp chí chuyên ngành là Dân tộc học.

Trước đây dân tộc này [Cham] được người Việt gọi là Chàm một từ thông dụng nhất:

Tháp Chàm, giếng Chàm (hay giếng Hời), vàng Chàm… Các địa danh: Phan Lí Chàm, Ma Lâm Chàm, Cù lao Chàm… Nữa:

Trung tâm văn hóa Chàm, Nội san Panrang, tiếng nói của cộng đồng sắc tộc Chàm – Ninh Thuận (Thiên Sanh Cảnh chủ bút), Từ điển Chàm – Việt – Pháp, Dân tộc Chàm lược sử (Dohamide – Dorohiêm). Nguyễn Khắc Ngữ: Mẫu hệ Chàm. Nại Thành Viết: “Đám ma Chàm”, “Hôn nhơn của người Chàm” đăng Panrang.

Inrasara có bài thơ “Apsara, vũ nữ Chàm” (Tháp nắng, 1996).

Còn mọi mọi sinh linh Cham ở Việt Nam Cộng hòa đều được ghi trên thẻ căn cước là “Người Việt gốc Chàm”. Không ai hô phân biệt đối xử gì gì cả!

3. Người Cham gọi mình thế nào?

Tùy bộ phận, vị thế và tâm thế mà gọi nhau:

[1] Chăm [phân biệt với Bini], hay Chăm ‘Ahiêr’ (Chăm Bà-la-môn), Cham cuh (Chăm thiêu), riêng tên gọi miệt thị có chữ Chăm gôp;  

[2] Bini [phân biệt với Chăm], hay Cham ‘Awal’ (hay Chăm Bà-ni), Bini war tok: chỉ bà con Cham Bà-ni ở làng Bami, Bình Thuận, riêng tên gọi miệt thị có chữ Bini raloh

[3] Cham Jat, Cham dar (hay Cham chôn) chỉ bộ phận Cham tiền tôn giáo ở các palei Ia Li-u, Ia Binguk…;

[4] Asulam: tên gọi người Cham theo Islam trong Akayet Um Mưrup, hiện còn dùng chung để chỉ Muslim, Jawa: tên gọi bộ phận Cham theo Islam ở An Nhơn và Phước Nhơn đang dùng (mang tính trung tính để phân biệt với Bini, ví dụ: ‘Gah Bini gah Jawa’: Bên Bà-ni, bên Islam), Jawa lai: tên gọi người Cham Bà-ni theo hùa Islam (mang tính khinh thị); Gai lah: tên gọi vài gia đình người Cham một giai đoạn ngắn theo Islam ở Bắc Bình – Bình Thuận trước 1975;    

[5] Cham Birau (Chàm mới): chữ người Cham Pangdurangga dùng để chỉ người “Chàm Tây”: An Giang, Tây Ninh và TPHCM;

[6] Cham Kur (Cham Khmer): là tên gọi người Cham ở Cambodia nói chung.

[7] Cham Churu: chỉ bộ phận Cham chạy loạn lên Cao Nguyên lấy vợ trên đó.

Cần biết thêm

Cũng trên tạp chí trên, gọi dân tộc Êđê là Ra-đê là miệt thị. Có thế đâu! Người Cham xưa này vẫn gọi dân tộc anh em trên Cao Nguyên là Rađe, Pháp vào Việt Nam cũng gọi hệt vậy: Radhé. Không ai xem đó là phân biệt đối xử bao giờ.

Và chẳng biết từ đâu, có dư luận cho rằng gọi “YÔN” là miệt thị người Kinh/ Việt. Lạ! Cham xưa nay không trừ ai gọi người Việt là Yôn [Yuen, Ywơn, Yuan], là chữ duy nhất – bình thường ơi là bình thường.

Nếu muốn miệt thị, thì có: Jơk [nghĩa đen là cái VÒ đựng nước], còn khinh thường có Jagug: “quân xâm lược”, Cham có thành ngữ: ‘Jagug nhug ia bai: “Quân xâm lược vục đầu nồi canh”.

3. Thế Chàm có miệt thị  không?

CHAM (hay Cam) là một dân tộc trong cộng đồng dân tộc thuộc vương quốc Champa (hay Campa) cổ. Campa đọc là “cham-pa”. Có nhà viết sử phiêm âm Campa là Chiêm Bà.

CHÀM là do người Việt phiên âm chữ CHAM (hay CAM).

CAM trong akhar thrah (chữ truyền thống Cham viết không có dấu âm poh thơk, đọc là “cham”. Cả người Thái, người Lào hay Khmer cũng đọc là “cham”. Do đặc trưng giọng nói của người Cham vùng Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận) phát âm nặng hơn nên CHAM biến thành CHĂM.

Xin nhắc lại, trước 1979, trong vốn từ Việt suốt miền Trung, không có CHĂM mà chỉ có CHÀM.

Kết.

Câu chuyện đủ cho ta thấy, một hiểu biết sai lệch, nhưng khi người phát ngôn là nhân vật có học hàm và chức vị thì nó thành ra có trọng lượng. Từ có trọng lượng chuyển sang ban hành quyết định cách nhau không xa. Từ đó “quần chúng” nghe theo chẳng có chi lạ.

Qua dẫn chứng trên, Chàm hay Chiêm có khi còn nguyên bản, còn truyền thống hơn, thế nên chính xác hơn Chăm nữa. Dù sao,

[1] Quy định của Nhà nước thì vẫn phải được tuân thủ. Tuân thủ, để thống nhất.

[2] Tuy nhiên nếu có ai dùng từ “Chàm” trong bài viết, nhất là khi có người viết đúng các tên gọi cũ như Trung tâm văn hóa Chàm, Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ma Lâm Chàm chẳng hạn, thì không phải chịu biên tập. Bởi sự thể không có gì sai hay miệt thị người Cham cả.

[3] Riêng tôi đề nghị chữ CHAM. Thứ nhất, đó là nguyên bản Akhar thrah chữ Cham truyền thống; thứ hai: tránh phải phiên âm; cuối cùng: một số vùng Cham Pangdurangga, hay Cham các nơi vẫn phát âm “Cham”. 

Hơn mươi năm qua tôi đã dùng chữ này trong bài viết và tác phẩm của mình. Đây đó cũng có người viết theo. Dẫu sao cũng chỉ xem đó chỉ là một đề nghị, còn chuyện nó được sự đồng thuận rộng rãi không thì ta không biết được. Que sera sera…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *