Inrasara-TV-10. TINH THẦN MẪU CHAM & 3 KHÔNG

Mương, có Mương Đực Mương Cái Ribaung Likei Ribaung Kamei. Giếng, có Bingun Likei Bingun Kamei. Tôn giáo thì có Cam Ahier Cam Awal

Phần đông các nhà tu hành thuộc đa phần tôn giáo khác nhau sống đời “độc thân”. Lơi lỏng hay nghiêm ngặt, tùy. Cham ngược lại, các vị chức sắc Cam Ahier lẫn Cam Awal buộc phải có… vợ. Không có không được! Sự thể nhiều lúc đẩy các vị rơi vào tình trạng éo le dở khóc dở cười. Không may bà mất trước, ông phải tìm bà khác lấp vào chỗ trống [có khi vội vã], để có… Danauk.

Vụ việc có lí do chính đáng của nó.

Cham theo chế độ gia đình mẫu hệ. Quý ông, nhất là các chức sắc cần có Sang (nhà) để ở, có Danauk (chốn, nơi, vị) để ngự. Mà Danauk này phải là nhà vợ. Biểu hiện rõ nhất ở Cam Awal, khi có việc (hu bruk) ví như cấp Acar lên cấp Mưdin… cần đến Danauk Kamei mới xong việc.

Ở nhà hay trong Sang Mưgik (nhà chùa Bà-ni), bà ngồi ngay cạnh ông, lập Danauk để lo cho ông hành sự… Không phân biệt.

1. Không đĩ điếm

Đĩ điếm, định nghĩa một cách đơn giản nhất, là tự nguyện dâng trao tình dục để nhận về tiền bạc, bằng cấp, địa vị… hay lợi lộc nào đó bất kì.

Chế độ gia đình mẫu hệ Cham đã giữ cho xã hội tránh đổ vỡ, trong suốt thế kỉ XX đầy biến động. Chuyện cộng đồng Cham không xuất hiện hiện tượng đĩ điếm là một. Nếu rủi ro nó xảy ra, chính dòng họ mẹ Kut hay Ghur của cô/ chị sẽ đi tìm, lôi cô/ chị về.

Nàng thích anh, nàng cho anh, ở sau nhà, ngoài đồng vắng hay thậm chí dựa ngay vào cây chuối góc vườn. Nhưng nếu nàng cho anh để nhận lại một mủng thóc, nửa thúng khoai, thì đó là đĩ rồi. – Nhạc sĩ Tantu nói, và thêm: Mình chưa bao giờ thấy người nữ Cham nào đòi hỏi quý ông điều đó.

Likei di bơng mưsuh, kamei di bơng mưnưk

(Phận của đàn ông là chiến đấu/ Phận của đàn bà là sinh nở)

(Cũng có thể hiểu: Đàn ông ở vị thế chiến đấu, đàn bà ở vị thế sinh đẻ).

Phận của đàn bà là sinh nở, vậy hãy để cho họ cai quản gia đình. Đây là quyền lợi và nghĩa vụ cao cả của họ. Còn nam giới, hãy trang bị cho họ đầy đủ vũ khí sắc bén để họ lăn xả vào cuộc chiến lớn, khốc liệt hơn. Khác đi, hãy để cho họ toàn quyền cai quản xã hội.

Quản lí của cải, điều tiết chi tiêu, giữ gìn ổn định gia đình – gia đình của bạn, chính bạn, Muk Thruh Palei Bà Tổ Quê hương dạy thế. Thì làm sao bạn có thể gây ảnh hưởng xấu đến nó cơ chứ. Mà theo truyền thống Cham, tiếng “đĩ” làm tổn hại hàng đầu trong mọi thứ tổn hại. Chẳng những tổn hại thôi, mà là thứ vứt đi.

2. Không ăn xin

Ăn mày! Cộng đồng mẫu hệ Cham không bao giờ nghĩ đến nó, chứ đừng nói chấp nhận hay không? Nữa là đương nhiên rồi, còn nam: Gia đình hi sinh mọi thứ để trang bị cho ông vũ khí, vũ khí trí tuệ. Ông vận dụng nó để đấu chiến với đời. Nếu vũ khí kia có cùn nhụt, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại, khi nó lỗi thời hay lạc hậu, ông cần tự trang bị vũ khí mới để lăn xả vào cuộc chiến mới. Còn không, ông chết đi là vừa.

Chuyện Ông Phok Dhan Cơk đi “ăn xin” chỉ là cách ông thực hành giai đoamnj thứ tư của đời một Bà-la-môn: phong phanh giữa trời đất!

3. Không mù chữ

“Tôi chưa từng thấy Cham nào thuộc thế hệ cha chú tôi mù chữ mẹ đẻ”, là câu tôi lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài viết hay các cuộc trả lời phỏng vấn. Có thể ai đó nhìn thấy ở đâu đó, tôi thì “chưa thấy”. Có thể ở góc khuất nào đó có, nhưng tôi không thấy có.

Không có, còn nếu ở đâu đó bật ra hiện tượng đó, thì chỉ là cá biệt. Khác đi, nó thuộc lỗi Bà Trời, chứ không nằm trong hệ thống, hay truyền thống giáo dục Cham. Hiểu hệ thống, nghĩa là nền tảng triết lí Cham, mới có thể giải thích rốt ráo một hiện tượng nào đó của Cham.

Cham dạy chữ cho nhau theo cách cha dạy cho con, ông truyền cho cháu, hay thầy dạy cho trò, vài trò hoặc có khi mỗi một trò, nhưng Cham không bao giờ mù chữ. Tệ thế nào cũng phải có “Akhar K wak di tauk – Chữ K treo đít”, mới yên tâm.

Thuở còn bé, tôi hay la cà với các cụ Cham ở đám lễ các loại, tôi chưa thấy “cụ già” Cham nào “dốt” chữ, không ai không đọc được ariya. Lạ! Mà Cham có trường lớp nào dạy đâu. Nhiều cụ, sau buổi cày mệt nhọc, vẫn cầm Akayet Dewa Mưno lên ngâm ngợi. Đám tang, đám cưới, họ đua nhau lấy sách ra pacauh xakarai

Chân dung Cát (2006):

“… khi quân Minh Mạng sắp tràn vào palei, ông chạy sang hỏi gru kalơng cần mang gì theo thưa gru. Khi gru bảo bỏ tất, chạy lấy thân thôi. Tốt hơn trong hai ngày nữa con cố thuộc Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai để chính nó sau này cứu vớt linh hồn con. Sắp hết hạn rồi con vẫn chưa thuộc nổi câu nào, thưa gru. Con hãy đọc to bài kinh làm lễ hỏa thiêu hai ariya kia, pha với nước đái trẻ mà uống cho kì hết đi. Nhưng rồi bài tụng ca ông cũng không nhớ để cuối cùng vơ vội chúng và nuốt sống các bản chép tay kia trên đường đi tản.”

Đâu là nguyên do?

Đàn ông Cham là dân tộc yêu chữ, mê tín chữ và cuồng chữ. Đố ai dùng giấy có chữ Cham làm giấy loại hay giấy vệ sinh? Không đốt, không xé… Mê tín chữ, Cham có khuynh hướng xem chữ là của Thần Yang, còn người viết nên tác phẩm là thần chứ không là người phàm. Akayet Dewa Mưno là do ông thần viết, hay Ariya Glơng Anak được Ginwơr Hwơr viết từ lâu lắm để đoán chuyện hôm nay.

Ariya Patauw Adat Likei – Gia huấn ca dạy Đàn ông Cham viết: “Dwah akhar caik di rup – Tìm chữ cất vào mình”. Cham không nói tìm của cải, vàng bạc mà là – CHỮ. “Chữ” chính là tri thức, là vũ khí được trang bị cho đàn ông Cham lăn xả vào cuộc chiến ngoài biển đời. Không có chữ, ông thành vô căn, vô dụng, vô loại, đủ thứ vô. Cao hơn, chưa thành người.

Hỏi, có ai không muốn thành người?

Kết.

Ba không: Không ăn xin nói lên tinh thần tự lập; Không đĩ điếm nói lên cách [kiếm] sống lương thiện; Không mù chữ (tri thức) liên quan đến cái biết để sống và chết ở đời.

Cả ba không ấy được biểu hiện sinh động trong đời sống và văn chương Cham.

Cái ba không cổ sơ ấy đặt ra những câu hỏi thiết yếu nào cho cuộc sống hiện đại? Rõ hơn: nó ban tặng cho thế hệ hôm nay bài học nào về lối sống ở đời, về nhân cách con người? Câu trả lời: Con người cần trang bị tinh thần tự lập, không ỷ lại: vào cá nhân, gia đình, đảng phái chính trị hay tông phái tôn giáo; muốn thế con người cần tôi luyện tri thức, biết để phân biện đúng sai, tốt xấu; qua đó con người hành xử hướng thiện đúng với chữ nhân của sinh thể mang tên con người. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *