HIỂU THÌ YÊU HƠN 07. Tinh thần Mẫu hệ Cham – BA KHÔNG 2

Tagalau17
[không mù chữ]

“Tôi chưa từng thấy Cham nào thuộc thế hệ cha chú tôi mù chữ mẹ đẻ”, là câu tôi lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài viết hay các cuộc trả lời phỏng vấn. Có thể ai đó nhìn thấy ở đâu đó, tôi thì “chưa thấy”. Có thể ở góc khuất nào đó có, nhưng tôi không thấy có.
Không có, bởi nếu có, nó là cá biệt. Khác đi, nó thuộc lỗi Bà Trời, chứ không nằm trong hệ thống, hay truyền thống giáo dục Cham. Hiểu hệ thống, nghĩa là nền tảng triết lí Cham, mới có thể giải thích rốt ráo một hiện tượng nào đó của Cham.
Cham dạy chữ cho nhau theo cách cha dạy cho con, ông truyền cho cháu, hay thầy dạy cho trò, vài trò hoặc có khi mỗi một trò, nhưng Cham không bao giờ mù chữ. Tệ thế nào cũng phải có “Akhar K wak di tauk – Chữ K treo đít”, mới yên tâm.

1. Hiện tượng
Trích đoạn đăng trên Ilimochampa năm xưa: 2005.
“Thuở còn bé, tôi hay la cà với các cụ Cham ở đám lễ các loại, tôi chưa thấy “cụ già” Cham nào “dốt” chữ, không ai không đọc được ariya. Lạ! Mà Cham có trường lớp nào dạy đâu. Nhiều cụ, sau buổi cày mệt nhọc, vẫn cầm Akayet Dewa Mưno lên ngâm ngợi. Đám tang, đám cưới, họ đua nhau lấy sách ra pacauh xakarai…”

Bốn palei tôi rành hơn cả là: Chakleng, Hamu Crauk, Palau, Cwah Patih: không ai. Hàng xóm nhà [mẹ] tôi, cũng không.
Này nhé, hướng trước mặt: Kadhar Gam Muk nghệ nhân chép sách nổi tiếng, rồi Tài chánh Ca nhà đầy sách, chú Bá Chương đầu thế kỉ XXI còn giảng Pauh Catwai cho tôi nghe, ông Chánh là thầy cao đạo. Láng giềng phía Bắc là nhà Gru Thiên Sanh Sở, rồi ngay cả ông Xèo cũng dạy cho con là Từ Công Bánh (bạn tôi) cái chữ K, Kh… Phía Nam là nhà ông Bình chơi Ginang nổi tiếng, ông Thanh Cồn thầy Kalơng. Còn phía sau lưng hàng rào nhà tôi là Dhya Hán Bằng. Cuối cùng ngay trong khuôn viên gia đình tôi: Mưdwơn Dương Dọng. Riêng cha tôi nông dân thuần túy cũng thủ 2 ciet sách quý. Vậy đó, quanh nhà tôi thôi, 100% đàn ông Cham biết chữ, mà nhà tôi đâu phải là trung tâm xã hội Cham, hỏi không lạ sao!

Dẫu sao trong cộng đồng này đâu đó vẫn xuất hiện vài đàn ông Cham mù chữ mẹ đẻ. Tôi nói rồi, lỗi ở Bà Trời. Chakleng có 3 hiện tượng. Một ông khiếm thị bẩm sinh thì miễn bàn; một vị nghe nói cũng mù chữ, nhưng do ông thuộc hàng chức sắc, nên chả ai [dám] kiểm chứng; một nữa nổi tiếng tài săn thỏ đến nỗi làng đặt biệt hiệu cho ông trong một bài vè, riêng về chữ nghĩa thì không. Nghe kể ông thầy đã ba bận bửa đầu ông nhét chữ vào, rốt rồi nó cũng bật ra. Chịu!

Chân dung Cát (2006) còn kể chuyện tày trời này:
“… khi quân Minh Mạng sắp tràn vào palei, ông chạy sang hỏi gru kalơng cần mang gì theo thưa gru. Khi gru bảo bỏ tất, chạy lấy thân thôi. Tốt hơn trong hai ngày nữa con cố thuộc Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai để chính nó sau này cứu vớt linh hồn con. Sắp hết hạn rồi con vẫn chưa thuộc nổi câu nào, thưa gru. Con hãy đọc to bài kinh làm lễ hỏa thiêu hai ariya kia, pha với nước đái trẻ mà uống cho kì hết đi. Nhưng rồi bài tụng ca ông cũng không nhớ để cuối cùng vơ vội chúng và nuốt sống các bản chép tay kia trên đường đi tản.”

2. Đâu là nguyên do?
Nó xuất phát từ Minh triết Cham.
Đàn ông Cham là dân tộc yêu chữ, mê tín chữ và cuồng chữ. Đố ai dùng giấy có chữ Cham làm giấy loại hay giấy vệ sinh? Không đốt, không xé… Mê tín chữ, Cham có khuynh hướng xem chữ là của Thần Yang, còn người viết nên tác phẩm là thần chứ không là người phàm. Akayet Dewa Mưno là do ông thần viết, hay Ariya Glơng Anak được Ginwơr Hwơr viết từ lâu lắm để đoán chuyện hôm nay.
Ariya Patauw Adat Likei – Gia huấn ca dạy Đàn ông Cham viết: “Dwah akhar caik di rup – Tìm chữ cất trong mình”. Cham không nói tìm của cải, vàng bạc mà là – CHỮ. “Chữ” chính là tri thức, là vũ khí cho đàn ông Cham lăn xả vào cuộc chiến ngoài biển đời. Không có chữ, ông thành vô căn, vô dụng, vô loại, đủ thứ vô. Cao hơn, chưa thành NGƯỜI.

Hỏi, có ai không muốn thành người?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *