Tại sao cần trào lưu?
Tại Festival Thơ châu Á – Thái Bình Dương năm 2015, nhà thơ Vũ Quần Phương rủ tôi rời hội trường cùng dạo biển Tuần Châu. Bất ngờ anh hỏi:
– Sara có tiểu luận “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” rất hay. Nhưng có mâu thuẫn không, khi một người vừa ca ngợi cô đơn vừa xiển dương các phong trào, như Tân hình thức, Hậu hiện đại?
– Không, – tôi nói. Phong trào làm văn đàn sôi động, trong khi sáng tạo thì cần cô đơn. Rõ nhất, phong trào Siêu thực ở Pháp, nhưng chỉ khi các Éluard, Aragon, Soupault tách đàn, họ mới thực sự lớn.
Trở lại trào lưu thơ Việt hôm nay, tôi phân làm 3 dòng: Thơ cổ truyền, cách tân và phiêu lưu khai phá. Xin được tuần tự.
1. Thơ cổ truyền
CLB thơ Hưu trí, Phường xã , loại. Thể thơ ưa thích là Lục bát, Đường luật…
Đây là một sinh hoạt tinh thần lành mạnh, như cờ tướng…
Chỉ khi thơ ấy mang ảo tưởng ta đang sáng tạo, mới thành vấn đề.
2. Thơ cách tân các loại
Hay thơ tiếp hiện, là từ tôi dùng lại của Thích Nhất Hạnh: tiếp nhận thành tựu trước đó và thể hiện mới hơn. Có ba chi lưu:
– Thơ ảnh hưởng nhóm Nhân văn – Giai phẩm, nhất là Lê Đạt, Dương Tường với sức nén của chữ, bẻ chữ, chơi chữ, ẩn dụ và… khó hiểu. Người đọc cần vận dụng tối đa sức tưởng tượng và liên tưởng, để hiểu và lắm lúc hiểu rất… sai. Có thể tìm thấy dấu vết này ở một Trần Tuấn:
đỉnh muối
ướp sáng
rịn
ràn
giọt giọt thanh tân
(“Hợp hoan”, Ma thuật ngón, 2008)
– Tiếp nhận thơ tự do miền Nam.
Với hai khuôn mặt: Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, rõ nhất trong tuyển tập Thơ tự do được in ở Sài Gòn năm 1999. Phong trào này ảnh hưởng đến vài thi sĩ thế hệ mới. Văn Cầm Hải:
anh và em bức tường phiên âm
viên gạch đẻ hoang
mê man nhật thực
mặt âm ty mềm mại muôn màu giới tính
anh và tôi không gian
hiện thực nhạy cảm
lật mặt thế giới
chiếc la bàn hoang hoải…
(Văn Cầm Hải, “Pink Floyd – Sự hồn nhiên tường đá”)
– Cách tân thứ ba diễn ra chủ yếu ở miền Bắc, với Nguyễn Lương Ngọc và Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn…
Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ nơi những chú bống đến làm tổ được giàn giụa nước mưa sông.
(Nguyễn Quang Thiều, “Sông Đáy”, Thơ tự do, NXB Trẻ, 1999)
Ở thế hệ trẻ, có thể kể vài tên tuổi: Nguyễn Quyến, sau đó là Dạ Thảo Phương, và mới hơn: Đỗ Doãn Phương.
3. Thơ phiêu lưu khai phá, gồm 5 nhánh
[1] Thơ nữ quyền
– Nữ quyền thời kì sơ khai, thi sĩ tự do nói về xác thân của minh. Dư Thị Hoàn:
Nếu không có một lần
một lần như đêm nay
sau phút giây
êm đềm trên ghế đá
anh không cài lại khuy áo ngực cho em
– Khi được đẩy lên đỉnh điểm, đó là cuộc chiến giành tự do. Thảo Phương với con hà mã lạc bầy là một. Con hà mã thức giữa bầy đàn, cô đơn và kiêu hãnh với khát khao tự do vượt thoát khỏi không gian chật hẹp, tù túng.
– Cuối cùng là giải nữ quyền, Nguyễn Thị Hoàng Bắc qua bài thơ nổi tiếng “Ngọn cỏ”.
[2] Thơ trẻ Cham
Thơ DTTS miền Bắc và Tây Nguyên sau thế hệ: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn rồi Y Phương, Vương Trung, Lò Ngân Sủn… là thế hệ mới với Bùi Tuyết Mai, Hoàng Chiến Thắng.
Từ truyền thống đến cách tận, tất cả ở lại trong không khí thơ miền Bắc. Thế hệ trẻ Cham rất khác. Ba khác biệt chính:
– Dân tộc Cham có chữ viết sớm, qua đó quyết định lối nghĩ Cham, ở đó có tư duy phức hợp, tư biện, siêu hình… Tuệ Nguyên:
Tôi đang sống cùng thời đại với họ
nhưng khi họ cứ mải mê dò từng bước để đi
tôi lại nằm một xó tập bay
– Họ chọn cách xuất hiện khác, bên cạnh in giấy truyền thống, họ mang thơ đăng mạng, ngoài ra Tuệ Nguyên còn mở Nhà xuất bản ngoài luồng;
– Hơn nữa Cham còn có đặc san Tagalau là đất cây bút thể hiện.
[3] Thơ Tân hình thức
Tân hình thức ra đời ở Hoa Kỳ cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI được nhà thơ Khế Iêm vận dụng và xiển dương trên tạp chí Thơ, lôi cuốn hàng trăm nhà thơ trong và ngoài nước nhập cuộc.
Bốn cột trụ làm nên tân hình thức, là: tính truyện, ngôn ngữ đời thường, vắt dòng và lặp lại. Tiếc rằng ngoài vắt dòng, cả ba không lạ với truyền thống thơ Việt.
14 năm, phong trào thơ tân hình thức vẫn chưa có tác phẩm lớn, chưa có tác giả lớn, và nhất là nó chưa tạo ảnh hưởng đáng kể vào xã hội.
Hạn chế lớn nhất của thơ tân hình thức Việt chính là cảm thức, thế nên Tân hình thức không theo kịp thời sự nóng của đất nước.
[4] Thơ thị giác và thơ trình diễn
Thơ thị giác (visual poetry) kết hợp ngôn ngữ với ảnh chụp, hình vẽ, video. Dòng này được Đinh Linh, Đỗ Kh., Tam Lệ, Lê Văn Tài… thực hiện thành công.
Tương cận với loài này là thơ trình diễn. Cần phê bình Thơ Trình diễn với trình diễn thơ. Vi Thùy Linh với “Bay cùng VILI” ở Nhà hát lớn Hà Nội là trình diễn thơ. Thơ trình diễn đích thực có:
– Dương Tường ở tại Sân Thơ Trẻ ở Văn miếu – Hà Nội, tháng 2-2010
– Lê Anh Hoài với CUT tại Ngã tư đường phố Sài Gòn.
[5] Cuối cùng là Thơ hậu hiện đại
Đây là trào lưu tác động lớn nhất đến văn học Việt Nam. Và không chỉ văn học.
Nếu thơ tân hình thức bó hẹp trong thể loại duy nhất là thơ, thì hậu hiện đại bao trùm tất cả. Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, lí thuyết và phê bình, nó còn gồm thâu cả thơ trình diễn và thơ nữ quyền. Không dừng lại ở đó, hậu hiện đại còn thể hiện tinh thần phi tâm hóa ngay trong cách xuất hiện của nhà thơ, cách cho tác phẩm ra đời, quan niệm về nó…
Chỉ tính riêng mỗi dòng hậu hiện đại thuộc Thơ Phiêu lưu khai phá thôi, Lý Đợi khác Bùi Chát, Phan Bá Thọ khác Lê Vĩnh Tài.
– Phi tâm hóa là tinh thần [và hành động] căn cốt của hậu hiện đại.
Phi tâm hóa từ đề tài đến ngôn ngữ, từ thi ảnh đến thể loại, vân vân.
Đinh Linh giễu nhại ca dao Việt, Bùi Chát làm thơ với giọng bị cho là “ngọng”, Lý Đợi biến tấu hóa đơn nhậu thành bài thơ, Đặng Thân chơi thơ phụ âm, còn Nguyễn Hoàng Nam là bàn cờ tướng. Đỗ Kh kết nối các ca từ nhạc sến nghe được suốt cuộc hành trình dài, để làm ra thơ.
+ Phong trào hậu hiện đại, không thể không nhắc tới dòng thơ phản kháng.
Phong trào này âm ỉ, rồi bùng phát mạnh từ sự kiện Biển Đông. Lần nhất năm 2007, lần hai 2011, rồi tiếp sau đó nữa. Hầu hết sáng tác xuất hiện trên các trang mạng, như web Tienve.org và Damau.org và Blog hay facebook.
Tạm nêu 3 dòng chính cùng các chi lưu của nó. Các chi lưu này tôi sẽ cụ thể hơn ở các buổi nói chuyện sau.
Để kết câu chuyện hôm nay, câu hỏi đặt ra: Tại sao các “thế hệ” thơ Việt không chấp nhận thậm chí bài bác nhau?
Cứ xem cụ thâm Nho Huỳnh Thúc Kháng đối xử ra sao với nhà thơ Mới Lưu Trọng Lư, hay Tố Hữu và Xuân Diệu ứng xử thế nào với thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi cũng đủ biết.
Trần Mạnh Hảo thì gọi thơ Nguyễn Quang Thiều là “thơ dịch, toàn một thứ Tây giả cầy”. Hôm nay nhiều nhà thơ Việt thì coi sản phẩm của nhóm Mở Miệng không phải là thơ!
Khác biệt ở hệ mĩ học, bạn chưa hiểu và bạn chống. Còn đã hiểu, chống – do khác biệt ở gu thưởng thức nghệ thuật.
Tại đây tôi có tiểu luận: “Hóa giải và hòa giải ba loài thơ hôm nay”. Tại sao? Thời hiện đại, thẩm mĩ nghệ thuật không còn thuần nhất, mà đa dạng. Bởi mỗi dòng thơ đều có độc giả của nó. Chúng có mặt là cần thiết, để phụng sự cho bộ phận độc giả của mình.
Còn không…
Tinh thần hậu hiện đại đề nghị, nếu chưa hay không hiểu cũng cần tôn trọng sự khác biệt. Còn không, đấu tranh mang tính mĩ học. Thời Tiền chiến, các trận bút chiến giứ thơ Mới và Cũ, Văn học vị nghệ thuật vị nhân sinh diễn ra lành mạnh. Ông bà làm được, tại sao ta thì không?
Đâu là diễn đàn tự do cho cuộc chiến minh bạch và sòng phẳng?
Các cuộc chiến ấy nếu nổ ra, chắc chắn sẽ làm giàu sang không chỉ nền văn học một đất nước mà cả tinh thần con người.