Thời học trò, trong khi các bạn bám sách vở, tôi lang thang qua palei Cham tìm học những gì ngoài chương trình; buổi chiều, khi bạn viết bận ngồi lai rai tán gẫu, tôi đọc; sáng sớm, khi nhiều bạn văn đang ngủ, tôi viết.
Nghe đồn…
Nếu Inrasara lo vào làm thơ đi thì dễ thương biết bao, đằng này…
Giá mà Inrasara nghiên cứu văn hóa Cham đi, chớ có phản biện chi chi cả thì dễ thương làm sao. Có phản biện thì phản biện trong phạm vi chuyên môn đi, đằng này hắn còn lây lan qua xã hội, đụng cái chi cũng [gồng mình] lên tiếng, thành ra dễ ghét.
Nếu Inrasara nghiên cứu văn hóa Cham với làm thơ hay viết tiểu thuyết đi chớ có đâm đầu vào phê bình thì dễ thương biết mấy; có phê bình thì cứ như đa số nhà phê bình Việt Nam: khen một ít chê một ít là được lòng tất; đằng này lại đi ‘lập biên bản’ văn chương Việt, mà toàn động đến ngoại vi không à, dễ ghét là phải.
À, có động đến văn học ngoại vi gì gì thì người ta còn ưu ái sắc tộc mà châm chế, đằng này ai biểu ham hố lăn vào các trận đấu vô vọng và vô tận với những kẻ [xưa vốn là] bằng hữu văn chương, dễ ghét là còn… may.
Bắt chước Sokrates: Hậu hiện đại nói con người là một văn bản, Sara là người, Sara cũng là một văn bản. Văn bản vẫn là văn bản gốc, nhưng nó không đứng yên, mà thay đổi và chuyển dịch liên tục…
Thơ Inrasara cũng hệt: không chỉ thay đổi phong cách mà cả hệ mĩ học.
Từ Tháp nắng-1996 của lãng mạn hậu thời đến Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002 hiện đại, là cả một bước chuyển đổi. Nó lạ lẫm đến vài nhà phê bình từng yêu Tháp nắng, nay quay sang chê bai Lễ Tẩy trần.
Ba năm sau tiếp tục chương trình khác với Chuyện 40 năm mới kể-2006 đến nỗi một bạn thơ từng ca tụng Lễ Tẩy trần đã không tiếc lời mạt sát nó.
Rồi từ loại thơ tân hình thức của Chuyện 40 năm sang tập Ở nơi ấy [thơ thời cuộc]-2012, là một bước ngoặt khác nữa. Ở đây thủ pháp hậu hiện đại được vận dụng vào thơ thế sự. Cuối [chưa hẳn cùng], năm 2018 với Sầu ca trên đồi cát Nam Kương, tôi xáo trộn tất tần tật hệ mĩ học vào chung một trường ca mà không phải trường ca.
Và gì nữa? Chủ đề.
Nếu ở Tháp nắng là tình yêu quê hương và ca ngợi nét đẹp quê hương, thì 6 năm sau Lễ Tẩy trần mang tính tư tưởng hướng ngoại vừa riêng [Cham] vừa chung [thế giới], từ Chuyện 40 năm kể chuyện người đời thường Cham lai đúng 6 năm sau Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], tôi kể chuyện thế giới.
Sáng tạo là niềm vui.
Khám phá ra giọng thơ của mình, là vui. Tìm thấy nó, rồi thay đổi nó khác đi, cho nó thành đa giọng điệu, đa phong cách – thì càng vui hơn nữa. Mặc nó dẫn mình tới đâu thì dẫn. Que sera sera…
Bạn có muốn dễ thương không?!