Minh triết Cham-35. BẢO TỒN BẢN SẮC, LÀM GÌ?

Thế nào là bản sắc? Bản sắc có phải quay nhìn lui về quá khứ hay đi giật lùi về nguồn? Còn phải đi tới đâu mới gặp nguồn như là nguồn? Hỏi ngôi tháp Chàm kia có bao nhiêu phần trăm là Ấn Độ, bao nhiêu là Cham? Nó được người Ấn mang tới hay do một tay nghệ sĩ Cham nào đó nổi hứng khênh về, không là vấn đề. Nhưng muốn được là tháp Chàm, người nghệ sĩ đã phá nhiều, rất nhiều.

Tiếp thu sáng tạo – như hôm nay chúng ta dễ dãi nói thế. Trong hành động phá này, vô thức [bản sắc cũ] và ý thức [tài năng nghệ sĩ] cùng có mặt. Tài năng cá nhân càng lớn thì phần phá càng vượt trội. Một khi có đột biến trong sáng tạo, chúng ta gọi đó là thiên tài.

Như vậy, bản sắc chính/ đa phần là cái gì đang chuyển động hình thành chứ không/ ít là cái đã đóng băng. Mà muốn làm nên bản sắc, con người sáng tạo phải thật sự dũng cảm. Biết và dám khênh về đã là dũng cảm, dám và biết phá càng dũng cảm trăm lần hơn.

Một bạn trẻ sau khi dự buổi thuyết trình tại Sứ quán Thụy Sĩ 12-5-2015, đã “theo” tôi lên tận hội thảo ở Đại học Thái Nguyên, để hỏi câu hỏi duy nhất:

– Nhà thơ có đề cập về người Cham rất ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, xin hỏi chỉ ý thức thì có đủ không? Và nếu muốn bản tồn bản sắc văn hóa dân tộc hiệu quả, thì phải làm thế nào?

– Đúng, nếu chỉ có ý thức thôi chưa đủ. Đơn cử, để bảo tồn ngôn ngữ dân tộc…

[1] Thứ nhất: ý thức;

[2] Thứ hai: làm. Làm thế nào?

– Cham có tác phẩm nghiên cứu, là các công trình về văn học in song ngữ Cham Việt, có nhiều sách công cụ là từ điển để tra cứu.

– Nói. Bạn phải nói tiếng mẹ đẻ trong gia đình và ngoài xã hội. Bạn không phải cứ làm luận án, viết sách mà không thói quen thực hành tiếng ngày qua ngày, không ý thức nói tiếng Cham ‘harat’ với con cái, bạn bè… thì coi như bạn đang làm thứ ngôn ngữ chết không hơn.

– Dạy. Ngôn ngữ đó phải được dạy trong nhà trường. Ngoài dạy trong các trường tiểu học, Cham còn thường xuyên mở các lớp dạy chữ và tiếng mẹ đẻ đủ dạng kiểu.

– Đọc và viết. Cham có tác giả sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, tác phẩm đó được in trong đặc san của dân tộc mình, là Tagalau. Một ngôn ngữ chỉ có thể phát triển qua sáng tác đủ thể loại, nhất là văn chương.

[3] Thứ ba: Môi trường và điều kiện. Nếu cơ chế không cho phép, ta phải đòi, và đòi cho bằng được.

Cuối cùng, ai là trí thức của cộng đồng dám đứng ra làm?

Hội đủ tất cả yếu tố kia lại, chắc gì đã xong!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *