Henry Miller: “I have no money, no resources, no hopes. I am the happiest man alive.” Nhà văn Mỹ này nói to, dù qua giọng, tôi biết ông hạnh phúc. Tôi không nói tôi “hạnh phúc”, càng không nói “nhất” [happiest], mà là vui. Sau bế tắc là sáng tạo. Sau mắc kẹt ưu tư là vượt thoát, và vui vẻ. Không phải khoái lạc, mà là vui.
Đời đã bể khổ rồi, mắc mớ gì tôi phải khổ chứ!
1. Hôm qua tôi nói với Jaya: Sau một ngày sống, hãy ngoái lại 3 “không”: Tôi có thu nhận kiến thức mới không? Có nẩy ra ý tưởng nào mới không? Và có làm một việc gì mới không? Dĩ nhiên tất cả phải làm cho mình vui, sau đó nếu được, có ích với xung quanh. Bằng không ta có: 36.000 ngày trừ đi 1 ngày vô vị. Nghĩa là ta đã đánh mất một ngày đời.
Ở Chân Dung Cát [viết năm 2000], tôi cho nhân vật nông dân-thi sĩ tự định mức mỗi ngày nghĩ ra một [1] ý tưởng mới, xong rồi nghỉ.
Tôi – Sara [tác giả] hỏi hắn: Có vậy thôi sao?
– Ừ, vậy thôi cũng đủ.
– Hôm nay thế nào?
– Ví dụ khẩu hiệu tôi vừa liếc qua: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” đầu đơn thư ấy, nếu “tự do, hạnh phúc” không có, hoặc chỉ dành cho số rất ít, thì “độc lập” kia có cần thiết phải trả giá quá đắt không?
– Ý đó biết đâu đã có người nghĩ rồi…
– Cần chi. Trong đầu bảy tỉ người trên thế giới nghĩ gì ai mà đo đếm lưu kho, tôi chỉ biết tôi vừa đặt ra câu hỏi kia. Đó đã là mới…
Tôi biết sau buổi ấy, nhân vật này VUI.
2. Khi hỏi tại sao truyền thống Cham thiếu CHÙA, tôi cho đó là câu hỏi [ý] mới.
“Chùa” – không phải dành cho tôi, mà cho bao sinh linh khác . Vô số con người yếu đuối, đủ loại. Yếu đuối và tuyệt vọng. Tuổi trẻ – hắn có thể vượt qua khủng hoảng ban đầu; ở tuổi già, để ngẫm lại trải nghiệm vừa qua; còn với kẻ không thích chung đụng với đời, muốn lánh đời để theo đuổi điều mà họ cho là có ý nghĩa. “Chùa” có mặt là cần thiết, dĩ nhiên phải là chùa nguyên tính.
Con người mạnh mẽ không cần đến chốn ấy. Nếu bạn tự cho mạnh mẽ, hỏi: Bạn có thật thế, hay ảo tưởng thế, rồi ngồi yên đó để cả đời mặc cho bao tục lụy của đời thao túng: Cờ bạc, rượu chè, gái gú, với vô vàn linh tinh khác biến bạn thành “con rối cho cuộc đời giật dây” (Chế Lan Viên)?
3. Tôi VUI, luôn vui. Vui, vì luôn luôn MỚI.
Suốt hành trình chữ nghĩa, tôi luôn có cái mới để có thể tiếp tục ĐI.
Về Cham, từ nghiên cứu ngôn ngữ đến văn học, từ sáng lập Tagalau đến thuyết trình về Hải sử & văn hóa biển Cham, từ lập hồ sơ Urang Cham cho đến thực địa điều nghiên “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr-Awal”…
Về văn học, sau thơ là tiểu thuyết, rồi đến tiểu luận & phê bình hậu hiện đại, dấn vào văn học ngoại vi, viết báo và thuyết trình.
Thuyết, tôi từ trường chuyên Văn đến các Hội VHNT, từ Đại học trong đến ngoài nước, từ tổ chức Nhà nước như Hội đồng LLPB Văn học, nghệ thuật TƯ đến tổ chức phi chính phủ như Distant Horizons…
Và nhiều món khác nữa.
Cụ thể hơn, ở website hay facebook, tôi bày ra nhiều chủ đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và làm loạt serie, để mỗi ngày đều có 1-2 tút mới. Nó gợi hứng tôi suy nghĩ tìm ý mới, mở rộng ý tưởng, vân vân…
Tôi biết các món ấy ít nhiều có tác động vào cộng đồng [Cham và văn học], và có vẻ hơi có ích.
Thế, không vui sao!